Thông điệp từ gốm cổ Chu Đậu

18:00 | 11/01/2014

6,376 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chất thơ trên những hoa văn gốm với những bài thơ mà người xưa đề trên gốm Chu Đậu làm cho đồ gốm mang tính nghệ thuật cao và sang trọng hơn những đồ gốm khác.

Năng lượng Mới số 290

Mãi đến khi ông Makoto Anabuki, Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội, năm 1980 khi đến thăm Bảo tàng Topkapi Saray, Istambul, thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ, đã nhìn thấy chiếc bình hoa lam quý giá có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị hý bút” (nghĩa là: Năm Thái Hòa thứ 8 (đời vua Lê Thánh Tông, dương lịch là năm 1450), thợ gốm họ Bùi Thị Hý, châu Nam Sách, vẽ). Ông Makoto Anabuki đã viết thư cho Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng lúc đó là ông Ngô Duy Đông, nhờ các nhà khảo cổ học chỉ cho chiếc bình gốm đó có xuất xứ từ làng gốm nào. Và đến lúc đó, người ta mới biết đến gốm Chu Đậu như là một báu vật đã chu du thế giới”.

Hóa ra, đã có 46 bảo tàng trên thế giới đang trưng bày các hiện vật gốm Chu Đậu. Trong những cuộc bán đấu giá, chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm tại Bảo tàng Topkapi Saray đã có giá bảo hiểm tới 1 triệu USD, nhưng nay đã khác, khi nguồn gốc tác phẩm này được xác định. Hàng trăm nghìn cổ vật gốm thu thập được qua các cuộc khai quật đã xác định được Chu Đậu là trung tâm chuyên sản xuất gốm cao cấp từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVI. Đồng thời, hàng nghìn đồ gốm Chu Đậu có trong nhiều bảo tàng ở Việt Nam và nước ngoài đã xác nhận Chu Đậu là nơi làm gốm hàng đầu với chất lượng cao, loại hình và kiểu dáng đa dạng.

Gốm cổ Chu Đậu không chỉ nổi tiếng về sự tinh xảo và chất men độc đáo mà còn vì mang theo tinh hoa văn hóa Việt Nam trong từng sản phẩm

Theo các nhà khoa học, khi chiến tranh Trịnh - Mạc xảy ra, vùng Nam Sách trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị đốt phá. Những người thợ tài hoa làng gốm này đã phiêu bạt đến các vùng khác, lập nên các làng nghề gốm mới. Gốm Chu Đậu thất truyền từ đầu năm 1593, khi nhà Mạc thất thủ ở Hải Dương cho đến khi được khôi phục đã trên 400 năm.

Theo ông Tăng Bá Hoành, Giám đốc Bảo tàng Hải Dương: “Màu men và hoa văn trên gốm mang bản sắc Việt Nam, không thể lẫn với bất cứ dòng gốm nào. Gốm Chu Đậu là sự kế thừa của gốm Vạn Yên (Kiếp Bạc) thế kỷ XIII, gốm Lý - Trần về lớp men ngọc và tạo khắc hoa văn chìm nổi, kiểu dáng thanh thoát như vũ nữ đang múa. Gốm cổ thời đó mà mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông. Cảnh mục đồng chăn trâu, cô gái lái đò, người kéo vó ven sông đội nón, mặc áo tứ thân, kết tóc đuôi sam, những mái nhà tranh ven sông, hoa sen dây, hoa cúc quấn, cỏ cây chim cá… Giữa các sản phẩm thường có chữ Phúc, Chính, Sĩ, Hoa, Trung, Kim, Ngọc, Tàm, Quỳ, Trù… có thể là tên hiệu của các chủ lò thời xưa”.

Hàng vạn mẫu gốm cổ còn lưu trong Bảo tàng Hải Dương và trong Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cũng đủ khả năng để khôi phục lại nghệ thuật gốm Chu Đậu cổ xưa, chưa cần tạo mẫu mới đã là quá nhiều mẫu cổ rồi.

Được biết, gốm màu hoa lam lãng mạn của bình gốm Chu Đậu trưng bày ở Bảo tàng Topkapi Saray, tức Bảo tàng Hoàng gia có họa tiết chủ đạo trên bình là bông cúc đại đóa như phong cách người chính nhân quân tử thời xưa và ở chiếc đĩa vẽ hình con ngan (vịt xiêm) như nói với ta một nét văn hóa Việt còn lại khi dòng lịch sử nước Nam đã qua đi. Những bình gốm quý, nghệ thuật ấy được ra đi từ một làng quê ở Nam Sách, Hải Dương vào năm 1450, từ một người thợ có bàn tay tài hoa của nữ tài danh Bùi Thị Hý ở châu Nam Sách làm vào năm thứ 8, niên hiệu Thái Hòa (1450). Bà đã ký tên mình vào vai bình tại Istanbul đầy bản lĩnh, như khẳng định tài năng của mình trước thiên hạ, cũng như một lư hương gốm màu xám của nghệ nhân Đặng Huyền Thông làm từ năm Hưng Trị thứ 2 (1589).

Về Chu Đậu, người ta hay nhắc đến đôi bình âm dương. Nếu chưa nhìn thấy nó coi như chưa về thăm gốm du lịch Chu Đậu. Ông Nguyễn Hữu Thức, Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu hào hứng mô tả: “Bình gốm tiêu biểu đặc sắc nhất của gốm Chu Ðậu là đôi bình: bình hoa lam và bình tỳ bà. Hai bình này còn được gọi là bình cha, bình mẹ, tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực âm dương - trời đất - vợ chồng”.

Khách nhìn kỹ chiếc bình tỳ bà. Nó mang hình cây đàn tỳ bà dựng đứng. Mình thuôn tròn, cổ nhỏ, miệng loe, thân tròn phình to, có bốn tầng hoa văn, trong lòng miệng bình cũng có hình vẽ hoa lá. Tầng thứ nhất ở chung quanh cổ bình vẽ những tàu lá chuối; tầng thứ hai hình hoa cúc, hoa mẫu đơn, những chuỗi hình xoắn ốc đứng; tầng thứ ba lớn nhất là hình chim chích chòe và những ô vẽ đợt sóng biển, bên cạnh những ô vẽ hình hoa lá; tầng dưới cùng là các ô với những vòng tròn hình bầu dục chồng lên nhau. Dáng bình thon, mềm mại như người con gái thắt đáy lưng ong, quê mùa mà duyên dáng. Bình tỳ bà đại diện cho tính âm, đất, mẹ, hiện thân cho người đàn bà dịu dàng, hiền thục nết na.

Bình hoa lam thì tròn có miệng hình trụ thể hiện cho tính dương như là chồng, cha, là trụ cột, là nền tảng vững chắc cho gia đình và xa hơn nữa là trời đất, vũ trụ. Người đàn ông, người cha trong mô tả bình này thật thâm thuý và trân trọng, xứng đáng với câu ca dao xưa: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”.

Người làm bài thơ hay về Gốm Chu Đậu cũng chính là người có công lớn với nghề gốm cổ truyền Chu Đậu, nghệ nhân Đặng Mậu Nghiệp tự là Huyền Thông, quê ở Hùng Thắng châu Nam Sách. Cũng tại Bảo tàng Topkapi còn lưu giữ chiếc lư hương gốm mầu xanh xám của ông làm từ năm Hưng Trị thứ 2 (1589), một trong hai cổ vật gốm quý giá nhất của Chu Đậu. Người làng Chu Đậu xưa đã tôn ông là ông tổ nghề gốm Chu Đậu.

Chất thơ trên những hoa văn gốm với những bài thơ mà người xưa đề trên gốm Chu Đậu làm cho đồ gốm mang tính nghệ thuật cao và sang trọng hơn những đồ gốm khác. Giám đốc Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu và cả nhà sử học Tăng Bá Hoành đều khẳng định như vậy. Không cần nói thì tự những tác phẩm gốm đã nói lên cả rồi. Chính vì vậy mà người xưa đề thơ lên gốm là lẽ tất nhiên thôi. Không riêng gì gốm Chu Đậu, từ xa xưa, các đồ gốm sứ Giang Tây cổ của Trung Hoa đều có những bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ lớn đời Đường, đời Hán... in lên gốm sứ bằng những chữ thư pháp cổ rất nghệ thuật.

Ở Chu Đậu, có nhiều bình gốm có đề thơ hay. Thơ Tố Hữu, thơ Bác Hồ, thơ ca ngợi Đại tướng Võ Nguyên Giáp... đều được in trên gốm. Tác phẩm trên gỗ, trên giấy và trên các chất liệu khác, kể cả trên đá đều có thể hư hỏng theo thời gian. Nhưng tác phẩm in trên gốm thì còn lại vĩnh viễn. Chính vì vậy, đồ gốm sứ ở Cù lao Chàm mới còn lại đến bây giờ.

Văn hóa gốm Chu Đậu chính là chất thơ trong gốm Chu Đậu. Những gì lưu trên gốm chính là lưu văn hóa. Chính vì vậy nên các nguyên thủ quốc gia hay tặng khách quý bằng đồ gốm. Nó mang đậm chất văn hóa của dân tộc và lại có thông điệp nhắn gửi trên gốm.

Lê Tuấn Lộc

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.