Thói quen sống “xanh” giúp bảo vệ môi trường

15:45 | 02/08/2024

294 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Sống “xanh” là một xu hướng đang được hưởng ứng toàn cầu nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Bắt đầu từ những thói quen nhỏ, mỗi người đều có thể xây dựng lối sống “xanh”, tích cực để bảo vệ môi trường hiệu quả hơn.

Sống “xanh” là lối sống lành mạnh, bền vững, giảm thiểu sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Lối sống này hướng đến đáp ứng nhu cầu hiện tại nhưng không làm suy kiệt tài nguyên cho các thế hệ tiếp theo. Sống “xanh” đang trở thành một xu hướng tất yếu của tương lai, là trách nhiệm và sự cam kết của cá nhân với môi trường chung của Trái Đất. Mục tiêu của cách sống này nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tác hại của khí thải nhà kính, tránh lãng phí bất kể nguồn tài nguyên nào từ thực phẩm, vật dụng, cách thức di chuyển,...

Thói quen trong sinh hoạt

Để tiết kiệm và giảm lượng chất thải ra môi trường đất, mỗi người cần thay đổi một số thói quen sinh hoạt hàng ngày. Những đồ vật xung quanh như đồ nội thất, đồ may mặc, các thức ăn đóng hộp và đồ uống đóng chai... đều đã trải qua một quá trình sản xuất gây tác động xấu đến môi trường. Để giảm bớt những ảnh hưởng đó, mỗi người nên lựa chọn những món đồ thân thiện với thiên nhiên được làm thủ công không qua sản xuất đại trà, hoặc đồ vật làm từ những chất liệu dễ tái chế và dễ phân hủy như gỗ, thủy tinh thay cho nhựa.

Bên cạnh đó, cần hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa làm từ hóa chất, thay vào đó nên sử dụng chất tẩy rửa sinh học và dụng cụ dọn dẹp từ vật liệu thực vật. Những hành động ấy chính là cách giúp bảo vệ nguồn nước sạch và hệ sinh thái của các loài cũng như giúp giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường.

Thói quen sống “xanh” giúp bảo vệ môi trường
Thói quen sống “xanh” giúp bảo vệ môi trường. (Ảnh: Internet)

Tiết kiệm năng lượng và tài nguyên

Mỗi người cần phải tiết kiệm và sử dụng hợp lý năng lượng điện. Nguồn điện sử dụng cho các vật dụng hằng ngày được sản xuất trong các nhà máy nhiệt điện hoặc thủy điện, và cả hai hình thức này đều gây tác động xấu đến hệ sinh thái. Hay như thói quen tham gia giờ Trái Đất (Earth Hour) mỗi ngày bằng cách tắt bớt đèn và thiết bị điện không cần thiết không chỉ giúp giảm chi phí sinh hoạt hàng tháng, mà còn hạn chế nguồn điện cần sản xuất, giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường.

Dùng nước hợp lý cũng là một cách sống “xanh” bởi nước sạch đang được xem như một trong những nguồn tài nguyên quý giá nhất. Với xu hướng ấm lên của Trái Đất, nguồn tài nguyên quan trọng này đang dần cạn kiệt. Tiết kiệm nước giúp hệ thống lọc nước của các thành phố giảm được công suất làm việc và vẫn bảo đảm lượng nước đến mọi người. Hơn thế, việc hạn chế dùng nước đóng chai cũng đồng nghĩa với việc góp phần làm giảm hiệu ứng nhà kính vì nước đóng chai vốn được tạo nên từ quy trình sản xuất chai nhựa, vận chuyển và một lượng lớn rác nhựa thải ra môi trường.

Hoặc như sử dụng phương tiện di chuyển công cộng để tiết kiệm nhiên liệu và hạn chế khí thải. Đi bộ hoặc đạp xe vừa giúp cải thiện sức khỏe, vừa giảm thiểu lượng CO2 và chất phóng xạ thải ra môi trường từ việc đốt cháy nhiên liệu cho các loại xe chạy bằng động cơ.

Thời trang bền vững

Nền công nghiệp dệt may cần một lượng lớn nguyên liệu, năng lượng và sức lao động, chưa kể đến việc dùng lượng lớn thuốc trừ sâu để trồng các nguyên liệu dệt (bông, đay, gai...), các hoá chất chế tạo ra thuốc nhuộm và lượng nước dùng để nhuộm vải. Nguồn khí và nước thải ra từ các nhà máy may mặc thường có ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của cư dân và mạch nước ngầm tại đó. Do vậy, việc đi theo xu hướng thời trang bảo vệ môi trường sẽ vừa giúp mỗi người tránh tiếp xúc với các hoá chất có hại, đồng thời tiết kiệm nguồn tài nguyên nêu trên.

Bên cạnh đó, nên lựa chọn quần áo làm từ chất vải cotton tự nhiên vì chúng yêu cầu ít tài nguyên hơn các loại vải may mặc thời trang khác. Đối với việc giặt giũ hàng ngày cũng nên chọn mua nước giặt hoặc bột giặt chiết xuất từ nguyên liệu giặt tẩy từ tự nhiên. Ngoài ra, việc phơi khô tự nhiên thay vì sấy cũng giúp cho việc tiết kiệm tài nguyên điện.

Mỗi người sẽ có những thói quen, phương pháp khác nhau để bảo vệ môi trường. Bắt đầu từ thói quen nhỏ của mỗi người chắc chắn hình thành nên một cộng đồng lớn với lối sống “xanh”, sống tích cực để chung tay bảo vệ môi trường xanh bền vững.

T.T