Thời kỳ công nghiệp 4.0: Hàng nhái, hàng giả càng thêm tinh vi

07:06 | 28/11/2018

515 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Doanh nghiệp phải chủ động bảo vệ thương hiệu. Công nghệ là một trong những biện pháp cần thiết để phòng và chống. Có thể là cài đặt mật khẩu, sử dụng tem, mã PR Corde, hay sử dụng cả blockchain - công nghệ mới trong thời kỳ 4.0 để bảo vệ thương hiệu cho mình".

Đó là gợi ý của ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng văn phòng đại diện Cục sở hữu trí tuệ tại TPHCM trong “Diễn đàn chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0” được tổ chức ngày 27/11.

Diễn đàn này là một trong những hoạt động hưởng ứng kỷ niệm 11 năm ngày Phòng, chống hàng giả, hàng nhái Việt Nam (29/11/2018). Diễn đàn có sự góp mặt và chỉ đạo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, cùng đại diện các cơ quan Quản lý Nhà nước trung ương và địa phương, các hiệp hội, doanh nghiệp...

Thời kỳ công nghiệp 4.0: Hàng nhái, hàng giả càng thêm tinh vi
“Diễn đàn chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời kỳ công nghiệp 4.0” được tổ chức ngày 27/11.

Hàng nhái, giả xuyên quốc gia

Tại diễn đàn, ông Trương Văn Ba, Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, vấn nạn hàng giả hàng nhái và nạn xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến hết sức phức tạp.

Theo thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2018 đã phát hiện, xử lý 79.000 vụ hàng giả, hàng nhái, hàng lậu, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2017 với tổng số tiền bị phạt và tịch thu hàng hóa trị giá hơn 1.000 tỷ đồng. Con số này cho thấy tính chất và mức độ vi phạm trong việc làm hàng giả, hàng nhái, sao chép nhãn hiệu, thương hiệu ngày càng tinh vi và phức tạp.

Điều đáng nói, nhiều đối tượng đã tận dụng sức mạnh của công nghệ để thực hiện những hoạt động phi pháp, quy mô hoạt động xuyên biên giới, kinh doanh hàng gian hàng giả thu lợi bất chính.

“Hiện nay hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đang diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực, địa bàn và có cả yếu tố quốc tế. Từ nay cho đến Tết Nguyên đán thì Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã xây dựng những kế hoạch cụ thể để tăng cường phòng chống hàng giả. Chúng tôi kêu gọi doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng cùng tham gia công tác này”, ông Ba nói.

Theo ông Trần Giang Khuê, Phó trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, bên cạnh những lợi ích mà khoa học công nghệ mang lại, nhiều đối tượng đã tận dụng sức mạnh của công nghệ để thực hiện những hoạt động phi pháp, thu về lợi nhuận trái pháp luật, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Thời kỳ công nghiệp 4.0: Hàng nhái, hàng giả càng thêm tinh vi
Nhiều giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0 được "hiến kế" ngay tại diễn đàn

Sử dụng công nghệ để bảo vệ thương hiệu

Câu chuyện hàng giả, hàng nhái, sao chép nhãn hiệu, đánh cắp thành quả sáng tạo, thương hiệu của các doanh nghiệp ở Việt Nam ngày càng trở nên nóng hơn bởi phương thức của các đối tượng đã thay đồi theo chiều hướng tinh vi hơn, quy mô hơn cả về số lượng lẫn phạm vi hoạt động.

Từ những thực trạng "báo động" nêu trên, đã có nhiều giải pháp chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp trong thời đại công nghiệp 4.0 được "hiến kế" ngay tại diễn đàn.

Theo đại diện Tổng Cục Quản lý thị trường, lực lượng chuyên ngành này phải nắm rõ thông tin, nắm rõ địa bàn để xác định được phương án và xây dựng những kế hoạch kiểm tra chuyên đề. Phải phát hiện sớm nhất và ngăn chặn kịp thời những hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Tăng cường tập huấn, đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng Quản lý thị trường trong cả nước nói chung. Đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ 4.0 các đối tượng rất tinh vi nên lực lượng Quản lý thị trường cũng cần được nâng cao nghiệp vụ.

Đại diện Tổng Cục Quản lý thị trường cũng kiến nghị các cấp thẩm quyền kiện toàn, có những chế tài, văn bản vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này mạnh hơn nữa, đủ sức răn đe các đối tượng tội phạm.

Thời kỳ công nghiệp 4.0: Hàng nhái, hàng giả càng thêm tinh vi
Ông Trần Giang Khuê cho rằng, doanh nghiệp phải tự chủ động bảo vệ thương hiệu cho mình

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, công cuộc chống hành giả nếu không có doanh nghiệp đi cùng thì rất khó khăn. Nói đến xâm phạm bản quyền thì người bị hại chính là doanh nghiệp, những người chủ thương hiệu, chủ nhãn hiệu của mình đã được bảo hộ. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự đồng hành, chưa bảo vệ thương hiệu của mình. Chính vì thế, đây cũng là cơ hội để hàng giả xâm nhập vào thị trường.

Ông Trần Giang Khuê cho rằng, doanh nghiệp phải tự chủ động bảo vệ thương hiệu cho mình. Công nghệ là một trong những biện pháp cần thiết để phòng và chống.

"Có thể là cài đặt mật khẩu, có thể sử dụng tem, có thể sử dụng mã Corde, sử dụng PR Corde, hay sử dụng cả blockchain - đó là công nghệ mới trong thời kỳ 4.0 để bảo vệ thương hiệu cho mình", ông Trần Giang Khuê nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng Giám đốc Vina CHG, công ty chuyên cung cấp giải pháp chống hàng giả cho rằng, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nếu không hiện đại hóa công nghệ chống hàng giả thì sẽ không thể kiểm soát và ngăn chặn các thủ đoạn ngày càng tinh vi của những kênh phân phối hàng giả, hàng nhái...

Theo Dân trí

Xử lý hình sự buôn bán hàng giả “gặp khó”
Dân buôn online sẵn sàng thức xuyên đêm để 'canh' Black Friday
4 chàng giáp có "tài"... bắt cá hai tay
Đập kính ô tô trộm 3,5 tỷ của khách vào ngân hàng giao dịch