Thỏa thuận mới với Israel và Ai Cập có phải là cứu cánh cho Châu Âu?

15:35 | 16/06/2022

1,038 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Một ngày sau khi công ty nhà nước Nga Gazprom cho biết họ sẽ cắt giảm công suất trên đường ống Nord Stream khiến giá khí đốt tự nhiên vốn đã cao ngất ngưởng tăng thêm 15%, Israel, Ai Cập và EU công bố đã ký thỏa thuận khí đốt tự nhiên ba bên tại Cairo. Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của EU trên con đường tìm kiếm nguồn cung thay thế năng lượng của Nga mà EU đã phụ thuộc trong nhiều thập kỷ.
Thỏa thuận mới với Israel và Ai Cập có phải là cứu cánh cho Châu Âu?
Israel, Ai Cập và EU ký thỏa thuận cung cấp khí cho châu Âu tại Cairo ngày 15 tháng 6 năm 2022. Ảnh: AFP.

Trong bối cảnh cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, EU đã tiếp cận với các nhà cung cấp thay thế ở Bắc Phi, Mỹ, những nơi khác ở châu Phi và Đông Địa Trung Hải.

Một ngày sau khi công ty nhà nước Nga Gazprom cho biết họ sẽ cắt giảm công suất trên đường ống Nord Stream khiến giá khí đốt tự nhiên vốn đã cao ngất ngưởng tăng thêm 15%, Israel, Ai Cập và EU công bố đã ký thỏa thuận khí đốt tự nhiên ba bên tại Cairo. Sự kiện đánh dấu mốc quan trọng của EU trên con đường tìm kiếm nguồn cung thay thế năng lượng của Nga mà EU đã phụ thuộc trong nhiều thập kỷ.

Thỏa thuận trên đã được các bên đàm phán từ tháng 3, khí sẽ được Israel xuất khẩu qua các đường ống hiện có đến các cảng của Ai Cập, hóa lỏng ở đây sau đó vận chuyển đến châu Âu.

Biên bản ghi nhớ ký với EU lần này sẽ cho phép Israel, lần đầu tiên, xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Israel sang châu Âu.

Các nhà máy xuất khẩu LNG hiện có của Ai Cập tại Idku và Damietta trên bờ biển Địa Trung Hải là lựa chọn ưu tiên của châu Âu.

Cảng xuất LNG của Ai Cập đã vận chuyển khoảng 600.000 tấn LNG đến châu Âu vào tháng 3, chiếm khoảng 80% tổng sản lượng, 370.000 tấn trong tháng 4, chiếm 48% tổng sản lượng. 570.000 tấn trong tháng 5, chiếm 74% tổng sản lượng.

Shell điều hành Idku với các đối tác Petronas và TotalEnergies trong khi Eni quản lý cơ sở Damietta. Riêng xuất khẩu LNG của Ai Cập sang châu Âu đã tăng mạnh kể từ tháng 12 năm ngoái do giá tăng vọt và trong một số tháng đã vượt xa xuất khẩu sang châu Á.

Ý cũng đã ký các thỏa thuận với một số quốc gia châu Phi xuất khẩu năng lượng, bao gồm cả Ai Cập. Ý đặt mục tiêu độc lập hoàn toàn khỏi khí đốt của Nga vào mùa đông năm 2024-2025. Gazprom của Nga đã cắt giảm 15% nguồn cung cấp khí đốt cho Ý.

Chủ tịch EU von der Leyen trong một bài phát biểu tuyên bố rằng, đây là một nỗ lực của EU cắt bỏ và loại bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, rời khỏi Nga và đa dạng hóa đối với các nhà cung cấp đáng tin cậy, Bà nhấn mạnh thỏa thuận được ký là một bước tiến vượt bậc.

Các chuyên gia cho rằng nguồn cung cấp của Israel, khai thác từ ba mỏ khí đốt ngoài khơi Địa Trung Hải, sẽ không bằng năng lực của Nga. Israel sản xuất khoảng 12 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên mỗi năm. Năm 2021, Liên minh châu Âu nhập khẩu 155 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Nga, chiếm khoảng 45% nhập khẩu khí đốt của EU.

Tuy nhiên, để nguồn cung khí đốt từ ngoài khơi Đông Địa Trung Hải đến Châu Âu, còn rất nhiều vấn đề ở phía trước.

Trước hết, vẫn cần nhiều đường ống hơn. Tuy có một nghiên cứu về Đường ống dẫn khí Đông Địa Trung Hải khả năng sẽ ra đời vào năm nay nhưng có những lo ngại trong về khả năng thương mại và kỹ thuật cũng như tính phù hợp lâu dài với thị trường khí đốt đang phát triển của Châu Âu.

Hơn nữa, Trung Đông là khu vực đã có nhiều thập kỷ bị tàn phá bởi xung đột.

Ngay trong tháng này, Lebanon phản đối sự xuất hiện của một trong những giàn khoan nổi của Energean và tuyên bố rằng các mỏ khí đốt được đề cập nằm trong lãnh hải của nước này. Israel cho biết khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.

Theo phân tích của EnergyIntel thì LNG từ Israel sẽ không sớm đến các bờ biển châu Âu.

Chevron, Công ty điều hành mỏ Leviathan 22 nghìn tỷ foot khối của Israel và mỏ Aphrodite 4 Tcf của Síp, còn cần phải chọn một phương án phát triển cho giai đoạn hai của Leviathan, có thể được kết hợp với Aphrodite. Tranh chấp về phân định ranh giới cho Aphrodite và mỏ Ishai của Israel vẫn phải được giải quyết, cả Síp và Israel hiện đang thảo luận về một giải pháp để trình bày với tất cả các công ty liên quan.

Tuyên bố từ Bộ Năng lượng Israel cũng nhấn mạnh rằng thỏa thuận này phụ thuộc vào nhu cầu khí đốt tại thị trường nội địa Israel và Ai Cập. “Cam kết này tuân theo việc duy trì an ninh năng lượng và năng lực cung cấp cho thị trường nội địa của mỗi bên ký kết, đồng thời sẽ không ngăn cản Israel và Ai Cập xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang các điểm đến khác”.

Vào thời điểm hiện tại, Thỏa thuận ba bên với EU chỉ có thời hạn ba năm, có thể tự động gia hạn trong hai năm, chưa đưa ra số lượng hoặc giá cả giao dịch.

Thỏa thuận cũng bao gồm một điều khoản mà theo đó EU sẽ khuyến khích các công ty châu Âu tham gia đấu thầu cạnh tranh và đầu tư vào các dự án thăm dò và sản xuất khí đốt tự nhiên ở Israel và Ai Cập. Kế hoạch sử dụng cơ sở hạ tầng hiện có sẽ được bao gồm việc xem xét nhu cầu xây dựng và phát triển các nhà máy hóa lỏng mới sẽ được các bên xem xét, soạn thảo.

Elena