Thị trường đã xuất hiện nhiều cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn

15:28 | 06/07/2018

292 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính- đầu tư, VN-Index đã xuyên thủng mốc 900 trong phiên 5/7, nhưng đó cũng là thời điểm xuất hiện nhiều mã cổ phiếu ở vùng giá có thể đầu tư dài hạn...

TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, thị trường chứng khoán đỏ lửa và VN-Index xuyên thủng mốc 900 điểm - mốc mà trước đó nhiều nhà đầu tư "tin chắc" khó có thể bị rớt xuống trong giữa năm 2018, là điều hợp lý, phù hợp với quy luật thị trường.

Nhà đầu tư sốc vì thiếu thông tin độc lập

TS. Hiển cho biết, diễn biến thị trường có logic và quy luật, không có gì bất thường, bởi nguyên tắc của chứng khoán là có giai đoạn "lên quá", tất yếu sẽ có giai đoạn "xuống quá". Không có chỉ số nào chỉ có thể lên một chiều mà không điều chỉnh.

thi truong da xuat hien nhieu co phieu o vung gia hap dan
Các chỉ số rực đỏ theo đánh giá của giới chuyên môn, đang "hòa nhịp" cùng các đợt rung lắc và màu đỏ phủ rộng trên bảng điện tử của các thị trường chứng khoán châu Á trong phiên 5/7/2018

Về mặt tổng quan, TS. Hiển cho rằng, có nhiều lý do khiến nhiều nhà đầu tư trên thị trường, mặc dù biết rõ quy luật biến động, vẫn "phản ứng thái quá". Nguyên nhân sâu xa khiến nhà đầu tư phản ứng như vậy là bởi trước nay đa số các nhà đầu tư vẫn đang tiếp cận với thông tin không hẳn là hoàn toàn khách quan hay độc lập.

Thứ nhất, thị trường chứng khoán gần bước sang tuổi 20, nhưng vẫn đang còn thiếu các tổ chức phân tích độc lập về chứng khoán. Bản thân các công ty chứng khoán đều là thành viên tham gia tạo lập thị trường, họ có đủ chuyên gia có chuyên môn nhưng tất yếu vì hoạt động chuyên môn có ràng buộc nghĩa vụ kinh doanh, mà sẽ không nhận định đúng xu hướng thị trường.

Thứ hai, thị trường đã có rất nhiều kênh/phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng thẳng thắn mà nói, không ít các "địa chỉ" truyền thông/ báo chí hàng đầu được nhà đầu tư lựa chọn đọc và theo dõi tin tức, thì cũng không hoàn toàn độc lập, khách quan. Đặc biệt bản thân các tờ báo, kênh truyền thông như vậy không có những chuyên gia chuyên nghiệp có năng lực viết và phân tích chuyên môn về kinh tế- tài chính-chứng khoán-đầu tư... như những cây viết kiêm chuyên gia thực thụ. Các cây viết như vậy, nếu có, cũng phải đặt góc nhìn độc lập và thực sự thoát ra ngoài nghĩa vụ kinh doanh.

Thứ ba, thị trường chưa có những ngân hàng đầu tư thứ thiệt, những tổ chức đánh giá- chấm điểm thị trường mà tiếng nói của họ rất quan trọng với thị trường. Các "ngân hàng đầu tư thứ thiệt" kiểu Moody's với dịch vụ nhà đầu tư chuyên nghiệp quản lý tài sản cho "nhà giàu", đảm bảo được sự an toàn bền vững của nhà giàu. Các tổ chức như vậy thường đưa ra các nhận định khách quan về vàng, chứng khoán, bất động sản, tư vấn quản lý và chuyển đổi tài sản sinh lời hợp lý.

Nói tóm lại, ông Hiển nhấn mạnh, sự thiếu vắng các tiếng nói độc lập, khách quan nhưng có tác động "dẫn dắt" thị trường như nêu trên, khiến đa số các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ phản ứng thái quá, hoảng hốt hoặc tháo chạy khi thị trường chứng khoán giảm giá mạnh. Nếu khắc phục được điều này, thị trường sẽ không "phụ" gần 20 năm để đến tuổi trưởng thành và tháo bỏ cái gọi là "tâm lý đám đông" trong xu hướng đầu tư cá nhân.

Chuẩn bị để "tham lam"

Năm 2017, thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là 1 trong 3 thị trường tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu. Trong đó, VN-Index đã tăng trưởng tới 52,75%. Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, đây là mức tăng mạnh quá mức, quá "nền tảng", khi kinh tế vĩ mô được đánh giá ổn định nhưng vẫn còn những vấn đề tồn đọng cần giải quyết như nợ công tiếp tục tăng mạnh, nợ xấu ngân hàng chưa hoàn toàn được tháo gỡ, các doanh nghiệp nhà nước khi IPO hay được nhà nước thoái vốn vẫn cần thời gian để tăng tính minh bạch và phát triển đủ quy mô hấp dẫn các dòng vốn đầu tư lớn...

"Dù vậy, thực tế là thị trường chứng khoán đã có mức tăng ngoạn mục. Quý I/2018, VN-Index tiếp tục tăng trưởng mạnh. Lòng tin của nhà đầu tư được củng cố với các dự báo Vn-Index có thể lên tới trên 1.200-1.400 điểm. Có thể nói, ở những thời điểm đó không ai tin giá cổ phiếu rớt xuống, người ta nghĩ VN-Index sẽ thẳng tiến và nhà đầu tư bị lao theo dạng "chứng khoán sóng thần". Trong khi, như tôi đã khẳng định, nếu nhìn lại diễn tiến và nền tảng thị trường, sự lao dốc của các chỉ số hiện nay là hợp quy luật. Ở thời điểm PE thị trường là 20, nhà đầu tư đánh giá còn rẻ và lao vào mua. Khi PE còn một nửa, nhà đầu tư lại sợ hãi. Đó mới là ngược quy luật" , TS. Đinh Thế Hiển cho biết.

Cũng theo TS. Đinh Thế Hiển, trong giai đoạn hiện tại, khi lòng tin của nhà đầu tư về chỉ số thẳng tiến bị suy sụp, thị trường cần được khẳng định niềm tin chính xác dựa trên những "ngọn hải đăng" - là nền tảng doanh nghiệp và lợi nhuận doanh nghiệp so với giá cổ phiếu. Đã và đang có rất nhiều cổ phiếu sau suy giảm nhiều đợt, rơi vào vùng giá hấp dẫn, và nhà đầu tư đã dũng cảm theo chiến lược của W.Buffet có thể chuẩn bị "tham lam".

Tuy nhiên, theo TS. Đinh Thế Hiển, không nên nhầm lẫn giữa thông tin kết quả lợi nhuận quý II của doanh nghiệp, với đánh giá nền tảng doanh nghiệp và lợi nhuận, tỷ suất sinh lời so với giá cổ phiếu. Bởi một khi đã chọn cổ phiếu cơ bản, thì sẽ không tương đồng với "khái niệm" chọn cổ phiếu dựa trên trên tính tích cực lợi nhuận theo quý, vì như vậy vẫn là lướt sóng.

Theo Enternews.vn

'Cá mập' chứng khoán cũng lao đao vì đà giảm của thị trường
Sắc đỏ trở lại, VN-Index mất mốc 900 điểm
Đà tăng TTCK Việt Nam sẽ quay trở lại vào cuối năm nay
Chủ tịch Dragon Capital: Thị trường vốn Việt Nam đang khá rẻ và hấp dẫn