Thầy thuốc mang trái tim người mẹ

07:20 | 06/12/2015

603 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, lịch sử y học Việt Nam liên tiếp ghi nhận những kỳ tích mới. Nhiều bệnh nhân đã được cứu sống trong những hoàn cảnh cực kỳ nguy nan, khiến xã hội cảm động không chỉ bởi tài năng, trình độ, mà còn bởi sự hy sinh đầy trân trọng của những người thầy thuốc.

Đó là trường hợp của bé Quốc Huy bị văng ra khỏi bụng mẹ trong một vụ tai nạn giao thông, là bé Dương Minh Phát mới 11 ngày tuổi bị đâm xuyên não, hay cháu Trần Hà Phong (7 tuổi, ở bán đảo Linh Đàm, Hà Nội) rơi từ tầng 10 xuống đất và mới nhất là trường hợp ghép thành công gan và tim cho 2 bệnh nhân từ nguồn tạng cách gần 2.000km v.v…

Các bác sĩ đã giành giật với tử thần từng giây từng phút, để mang điều kỳ diệu không chỉ cho bệnh nhân, mà còn cho cả xã hội niềm tin về cuộc sống, trong những khoảnh khắc mong manh đến mức rất hiếm người còn dám hy vọng.

thay thuoc mang trai tim nguoi me
Ghép tạng ở BV Việt Đức

Họ xứng đáng được gọi là những thầy thuốc mang trái - tim - người - mẹ, bởi sự nhân ái, bao dung và tận hiến vì sự sinh tồn của con người. Nếu không có một trái tim nhân ái sâu nặng, ai có thể buộc các bác sĩ của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) tự nguyện gánh chịu rất nhiều khó khăn, vất vả, bằng mọi cách chiến thắng thần chết, cứu các cháu bé qua cơn hiểm nghèo.

Anh Nguyễn Văn Nam trên đường đưa vợ tới bệnh viện để chuẩn bị sinh thì bị một chiếc xe bồn đâm phải, hắt văng cả đứa trẻ khỏi bụng mẹ tới 6-7m và bị mất một chân, còn vợ anh tử vong ngay lúc đó. 25 ngày chống chọi, giành giật mạng sống với tử thần tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), với sự hỗ trợ của các bác sĩ, bé Huy đã chiến thắng một cách kỳ diệu như một phép màu.

Bởi với các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, đây là trẻ sơ sinh nhỏ nhất mà đã phải trải qua một cuộc đại phẫu thuật trong tình trạng rất mong manh.

Thời gian phẫu thuật an toàn tối đa là 1 giờ đồng hồ, mà tỷ lệ thành công chỉ có 50%. Nhưng, bằng tài năng, trình độ và trái tim người mẹ, các y, bác sĩ đã không chỉ phẫu thuật thành công, mà còn tạo hình được mõm cụt cho bé, để sau này em còn có thể gắn chân giả và phục hồi các chức năng.

Các bác sĩ phẫu thuật còn cố gắng phục hồi chiều dài của đùi và sử dụng một phần da chân đứt lìa của bé để ghép vào mõm cụt. Để rồi, cháu đã được trở về trong vòng tay gia đình, mạnh mẽ và tươi vui.

thay thuoc mang trai tim nguoi me
Nụ cười hồi sinh từ bệnh nhân được ghép tim

Ngày 8-8-2015, bé Dương Minh Phát nhập viện trong tình trạng hôn mê với lưỡi dao dài 26cm xuyên thấu từ hốc mắt trái xuyên sọ, không ai dám tin cháu sẽ qua được. Bởi cháu còn quá nhỏ mà vết thương thì quá hiểm. Cả nước như cùng nín thở…

Nhưng, BV vẫn quyết tâm tập trung mọi khả năng cứu cháu. Những bác sĩ giỏi nhất có mặt, những loại thuốc quý hiếm, những thiết bị tốt nhất dành cho cháu. Không một thầy thuốc nào nghĩ đến bỏ cuộc, bởi họ hiểu nỗi đau trong lòng người mẹ nếu không giữ cháu lại được. Họ cũng hiểu vết thương tinh thần sẽ khoét sâu trong lòng xã hội bởi tội ác mà cháu bé phải gánh chịu, nếu cháu không qua khỏi…

Trong bối cảnh đầy áp lực đó, Th.S Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi Đồng I và ê-kíp phẫu thuật đã tự nguyện nhận trách nhiệm với tinh thần “còn nước còn tát”, dù phải đối diện với đầy rẫy rủi ro như chảy máu không cầm, tử vong vì sốc v.v… Khi đó, chỉ có tấm lòng nhân ái mới khiến người thấy thuốc chấp nhận mọi khả năng, để bằng tài năng, trình độ của mình, làm cho điều kỳ diệu nở hoa.

Vào chiều ngày 11-8-2015, cũng rất ít người dám tin cậu bé Trần Hà Phong (Linh Đàm, Hà Nội) có thể ra viện, sau khi rơi từ tầng 10 xuống đất, nhập viện với tình trạng đa chấn thương nặng: vỡ thận, chảy máu não, vỡ xương sọ, gãy tay, chân và rạn xương sườn. Nhưng lập tức, một guồng quay đầy tình người được khởi động với tốc độ và quyết tâm mạnh mẽ ở BV Việt Đức.

Các bác sĩ vốn dày dặn kinh nghiệm dù đang nghỉ ở nhà cũng được triệu tập đến BV để cứu cháu. Các xét nghiệm được tiến hành nhanh nhất có thể, rồi nút mạch thận để ngăn máu chảy nhanh chóng hoàn thành.

TS Ngô Mạnh Hùng và bác sĩ Phạm Hoàng Anh (Khoa Phẫu thuật Thần kinh) đã thức trắng đêm để mổ sọ não cho cháu. 6 giờ sáng, ca phẫu thuật não thành công cũng là lúc ê-kíp khác bắt đầu bó bột cả tay và chân cho cháu, tiếp đó là mổ phần khuỷu tay bị vỡ xương…

Nếu như gia đình thức đêm trong nỗi đau đớn, lo âu, thì các thầy thuốc cũng trắng đêm trong căng thẳng, bởi trách nhiệm lớn lao trước sinh mệnh một con người. Với tình trạng đa chấn thương nặng như vậy, may mắn sẽ là vô nghĩa, nếu không có những bàn tay tài hoa và sự tận tụy hết mình của những người thầy thuốc trong những ứng dụng khoa học tuyệt vời.

2 ca ghép tạng thành công của các bác sĩ BV Việt Đức vào ngày 5-9 cũng ghi vào lịch sử y học Việt Nam sự kiện ghép tạng thành công từ nguồn tạng được mang về ở khoảng cách gần 2.000km, qua đường hàng không với muôn vàn kỹ thuật phức tạp, an ninh chặt chẽ và đặc biệt là cường độ lao động rất lớn của các chuyên gia.

Chỉ có một trái tim vàng và tình yêu thương không giới hạn của người thầy thuốc với những bệnh nhân mà cuộc đời đang được tính bằng ngày mới có thể là động lực để PGS.TS Trịnh Hồng Sơn, Phó giám đốc BV Việt Đức và PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Tim mạch - lồng ngực vượt qua những thử thách vô cùng khắc nghiệt trên hành trình hàng nghìn kilômét, để trực tiếp phẫu thuật lấy tạng, rồi lại lập tức quay ra Hà Nội và tiếp tục đứng bên bàn mổ trắng đêm.

Nếu không thế, ai có thể bắt các chuyên gia suốt 24 tiếng liền không có lúc nghỉ, đến mức, chỉ kịp thay bộ đồ phòng mổ trên xe ra máy bay và ăn tối cũng vào lúc chờ bay? Lên máy bay, các anh vẫn phải từng phút theo dõi sát sao khối tạng, kiểm tra cách vận chuyển đúng chưa, rồi bơm dung dịch hỗ trợ, đảm bảo cho khối tạng hoạt động như trong cơ thể người.

Giờ cuối cùng của ngày mới đặt chân đến Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước lại cùng PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết bắt tay ngay vào ghép tạng - một kỹ thuật cực kỳ phức tạp, phải nối từng mạch máu nhỏ li ti, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối. Hơn 6 giờ liền bên bàn phẫu thuật, không một phút nghỉ ngơi, ca ghép hoàn tất là lúc trời sáng.

Các anh kể đã mừng vui đến phát khóc, khi thấy sau khi ghép, tạng ghép đã lập tức hòa vào sự sống của người được ghép và hoạt động. Khi bệnh nhân ăn được, nói được, các anh thấy như chính người thân của mình được hồi sinh.

Chỉ kịp thay quần áo, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước lại cùng ê-kíp phẫu thuật lên đường đến một tỉnh miền núi làm nhiệm vụ. Tôi hỏi PGS.TS Nguyễn Hữu Ước rằng, ông không sợ cường độ làm việc như thế quá căng thẳng hay sao, anh cười rất hiền: “Thường xuyên phải làm việc với áp lực lớn và cường độ cao mới có thể cứu sống bệnh nhân, nên chúng tôi đã có được “thần kinh thép” sẵn sàng đương đầu trước mọi hoàn cảnh.

Đặc biệt, khi mà sự sống của bệnh nhân trông chờ vào cố gắng của chúng tôi, thì đó chính là động lực để chúng tôi vượt lên mọi thử thách”.

Nước mắt tôi như muốn trào ra khi nghe PGS.TS Trịnh Hồng Sơn tâm sự: “Chúng tôi phải đặt cả tình huống chẳng may thảm họa xảy ra trên đường, chúng tôi không trở về được thì cũng không để bệnh nhân thiệt thòi theo, nên đã có phương án dự phòng thay cho ghép tạng…”.

Tú Anh

Năng lượng Mới 478

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

Những địa điểm check-in thú vị ở Bình Định

(PetroTimes) - Không chỉ được ưu ái với thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, Bình Định còn ghi dấu với loạt câu chuyện lịch sử, văn thơ và nền văn hóa độc đáo...