“Thần thánh” là ai?

07:00 | 27/03/2013

13,804 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong quan niệm của rất nhiều người hiện nay, đặc biệt là lớp trẻ, “thần thánh” giống như bậc “siêu nhiên vô hình” có thể ban phát cho con người tài, lộc… Cho nên mỗi lần đi lễ, dù ở chùa hay ở hội, họ đều mang theo mục đích “trần tục” cùng những toan tính của đời thường vào nơi thanh tịnh, linh thiêng. Tuy nhiên, trong thực tế, “thần thánh” là ai và có “thần quyền” theo quan niệm của Phật giáo và theo văn hóa tâm linh xuyên suốt bao đời nay?

Lễ chùa theo… đám đông

Suốt từ đầu năm đến giờ và có lẽ không chỉ năm nay, “tệ nạn” nơi cửa Phật, các phương tiện truyền thông đã phản ánh không biết bao nhiêu mà kể, từ cảnh chen lấn xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để được “lạy thánh mớ bái”, để cướp được ấn (ấn đền Trần) một cách đúng nghĩa đến nhét tiền “hối lộ” thần thánh đủ khắp mọi nơi, kể cả nơi vốn được coi là “phạm” dưới góc độ của nhà Phật, ấy là nhét tiền vào miệng… Phật.

Tuy nhiên, khi được hỏi Phật pháp giáo lý căn bản như thế nào về “lễ”, “thần thánh là ai” thì hầu hết những “con nhang nghịch tử” chứ không thể coi là “tăng ni Phật tử” này đều ngơ ngác và không thể nào trả lời được. Nếu có, chỉ là những đứt đoạn với tư duy chắp vá do nghe truyền khẩu nhưng lại không đến nơi đến chốn. Bởi vậy, người nào cũng trả lời: “Mọi người làm thế nào thì mình làm thế” hoặc: “Người ta đến chùa thì mình cũng đến chùa. Rồi đến đó thấy người ta làm sao mình bắt chiếc thế”.

Nhiều người đua nhau đi lễ nhưng chẳng hiểu "thần thánh" như thế nào

Thậm chí, một số thành viên trong ban tổ chức cũng nói: “Ai bảo sao mình làm vậy, chứ có biết gì đâu”. Chung quy tất cả là tại… không hiểu. Nhưng đáng trách nhất, đáng lên án nhất không hiểu mà vẫn cứ làm thành ra làm bậy, biến cửa Phật thành nơi buôn thần bán thánh, “trần tục hóa” một cách thô thiển về Phật, làm nhơ bẩn văn hóa tâm linh vốn tốt đời đẹp đạo bao lâu nay… Đúng như GS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu văn hóa nhận định: “Sự thiếu hiểu biết, ngộ nhận về “thần thánh”, chùa chiền… đã làm hèn kém, vật chất hóa việc linh thiêng là “lễ”. Đó là khởi nguồn của mọi ứng xử thiếu văn hóa trong sinh hoạt tâm linh”.

Phật ở tại tâm

Vậy “thần thánh” là ai? Quyền năng như thế nào đối với “người trần mắt thịt”? Theo GS.TS Trần Lâm Biền: “Thần linh là một công cụ tinh thần cao cả, vì con người mà tồn tại, là điển hình của chân - thiện - mỹ để con người phải hướng tới”. Nhưng trong đó cũng phân thành 2 loại: “thần thánh” có nguồn gốc từ những vị anh hùng dân tộc có thật trong đời sống, sau đó được nhân dân tôn thờ, “thần thánh hóa” như Trần Hưng Đạo (Đức Thánh Trần); Phùng Khắc Khoan được cho là ông Hoàng Bơ, ông Hoàng Mười, mặc dù chưa xác định chính xác nhưng có nhà nghiên cứu văn hóa cho là quan đại thần thời Lê: Nguyễn Xí, lại có người cho là Lê Khôi, cháu của vua Lê Lợi… Bởi hai vị quan này đều có tính cách rất giống với ông Hoàng Bơ…

Loại thứ hai là “thần thánh” được ra đời dựa trên chính đời sống, môi trường, quan niệm, tín ngưỡng của người dân cùng với sự du nhập các hệ tôn giáo khác như Nho giáo, Phật giáo, Ấn Độ giáo… Còn được gọi là “lịch sử hóa các vị thần” hay “nhân thần hóa” vạn vật. Như “Mẫu” chẳng hạn: “Mẫu” là “Mẹ”. Trong quan niệm của người Việt, “Mẹ” là khởi nguyên, người đầu tiên sinh ra muôn loài, muôn vật. Bà Mẹ thế gian. Mà đã là bà Mẹ thế gian thì phải thiêng liêng, siêu phàm, thậm chí nhiều người Việt xưa còn tôn sùng bà lên cao nhất, đứng đầu báng thần, gọi là “đấng vô cùng” trong hệ thống thần linh do phải cai quản cả trời, đất, sông, núi. Nhưng để cai quản được cả vũ trụ bao la như vậy, “Mẹ” phải phân thân thành: Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Địa, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải. Do đó nên có ban thờ hệ thống Mẫu.

Theo GS.TS Trần Lâm Biền, chính bởi sự đan xen giữa dân dã và truyền thuyết, giữa thực và hư, giữa cái riêng và chung của các tôn giáo… trong cách hình thành mà hệ thống thần linh được xem là linh thiêng. Tuy nhiên, sự linh thiêng này không phải là xin gì được nấy hay cầu được ước thấy theo cách nhìn vật chất hóa, trần tục hóa mà thần linh được tôn thờ một cách thiêng liêng, cao cả và trở thành “phép” tinh thần cho người dân. Nghĩa là làm cho người dân được an tâm mỗi khi nghĩ (cúng bái) đến thần linh. Việc đó có thể hiểu nôm na: Dân gian tạo ra tín ngưỡng rồi lấy chính tín ngưỡng đó làm chỗ dựa để tạo ra sức mạnh tinh thần, niềm tin cho chính mình.

Cũng bởi ý nghĩa như vậy, việc đi lễ chùa, cúng bái theo đúng ngọn nguồn là để “tâm an” chứ không phải như quan niệm của phần lớn mọi người bây giờ là để cầu tài, cầu lộc… Cho nên mới có răn dạy rằng: “Phật ở tại tâm. Tâm lặng để biết. Đấy là chân Phật”. Vì khi con người có cảm giác bình tâm (Phật ở tại tâm) thì sự sáng suốt, niềm tin sinh ra càng lớn và được tựu chung là sức mạnh. Khi có sức mạnh, làm gì con người cũng dễ thành công. Và đó chính là sự “linh thiêng” của Phật, của “thần thánh” và đó cũng chính là nền tảng tạo nên đời sống tâm linh, văn hóa tín ngưỡng dù của tôn giáo nào, dân tộc nào, từ cổ chí kim. 

Cũng cần nói thêm, khi đi lễ chùa hay đình, đền, miếu mạo… nếu cứ chọn phủ to, chùa lớn có đông người tới lễ vì cho rằng “thiêng” là sai và cũng không đúng với văn hóa tâm linh. Với gần 40 năm nghiên cứu về văn hóa tín ngưỡng, đồng thời chiêm nghiệm từ chính bản thân, ông Ngô Đức Thịnh cho rằng, không phân biệt to nhỏ, đi chùa càng vắng, càng tịnh thì càng “linh”, nghĩa là tâm càng an và người càng thư thái. Nếu đó là những nơi có cảnh đẹp, thì con người càng cảm nhận sự linh thiêng một cách rõ rệt. Do đó, bên cạnh cúng bái, thì vãn cảnh chùa là việc không thể thiếu trong sinh hoạt tín ngưỡng của người Việt xưa.

Đều là những người trăn trở, đau đáu với thực trạng: vì thiếu hiểu biết mà “đem rác rưởi của trần gian vào cõi thiêng liêng” (GS.TS Trần Lâm Biền), cả GS.TS Trần Lâm Biền và ông Ngô Đức Thịnh cùng cho rằng: Cần phải có một cuộc cải tổ tư duy để thay đổi nhận thức không những của người dân mà ngay cả những nhà tổ chức về sinh hoạt tâm linh, “thần thánh”, lễ hội… “Nếu không, con người chỉ nhìn thấy trong lễ hội, chùa chiền, sinh hoạt tâm linh nói chung, những mê tín dị đoan, ước vọng lớn lao đều gắn với cá nhân, tầm thường. Những giá trị tinh thần của việc “lễ” đều bị méo mó, dẫn đến nhiều sai trái, tai họa. Và tai họa lớn nhất ấy là muôn đời mất đi  những giá trị văn hóa cơ bản của dân tộc”, GS.TS Trần Lâm Biền khẳng định.

Đặt tiền lên ban lễ như thế bày là phỉ báng thần thánh

“Bạn phải sống, bạn phải làm việc, bạn phải là một con người với đầy đủ mọi tâm tư, tình cảm, sự rung động tự nhiên mà vẫn thành Phật (Phật ở tại tâm). Đó là vì bạn giữ tịnh giữa muôn ngàn ý nghĩ. Đó là vì bạn giữ tịnh giữa muôn ngàn hành động. Đó là vì bạn tu mà không thấy có tướng tu. Đó là vì bạn tụng kinh mà không có người tụng kinh. Đó là vì bạn ăn chay mà chẳng có người ăn chay. Đó là vì bạn niệm Phật mà chẳng có người niệm Phật. Đó là vì bạn lễ lạy mà bản chất là rỗng không và tịch lặng. Kinh nói: “Năng lễ, sở lễ tánh không tịch”, người lạy và người nhận sự lễ lạy bản chất là tánh không và tịch lặng. Nếu tưởng có ông Phật ngồi đấy để nhận cái lạy của bạn, bạn là Phật tử mà mê tín. Nếu bạn tưởng có Phật ngồi đấy mà nghe bạn tụng kinh là Phật tử mà mê tín. Bạn ăn chay, niệm Phật như vậy là để tham dục khỏi khởi lên, là để gạt bỏ được bụi bặm của tâm hồn, là để hội nhập với thế tịnh và an lạc của Như Lai…

Sư thầy Huệ Hải


Xuân Bách