Thảm cảnh của công nhân dầu khí Mỹ

11:19 | 03/06/2020

697 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giá dầu giảm, đóng giếng, công nhân thất nghiệp… là những gì mà ngành dầu khí Mỹ đang trải qua.

Đóng giếng, giảm sản lượng

Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 12-5-2020 công bố báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn, trong đó sửa đổi dự báo về sản lượng dầu ở Mỹ. Theo dự báo mới nhất của EIA, sản lượng dầu thô của Mỹ có thể đạt khoảng 11,7 triệu thùng/ngày trong năm 2020, so với 12,2 triệu thùng/ngày năm 2019. Sự sụt giảm có thể tăng vào năm 2021 với mức sản xuất dự kiến là 10,9 triệu thùng/ngày.

tham canh cua cong nhan dau khi my
Công nhân dầu khí Mỹ thất nghiệp tràn lan

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nguồn cung dầu dư thừa trên các thị trường phải đối mặt với nhu cầu giảm tự do đã khiến giá dầu giảm. Tại Mỹ, giá dầu WTI đã giảm mạnh, từ 58 USD/thùng tháng 1-2020 xuống 29 USD/thùng tháng 3-2020, thậm chí có lúc đạt mức âm vào cuối tháng 4 (-37,63 USD/thùng lúc đóng cửa thị trường ngày 20-4).

EIA cho biết, sự thay đổi của giá dầu thô thường ảnh hưởng đến sản xuất với độ trễ khoảng 6 tháng. Tuy nhiên, EIA lưu ý rằng, nhiều nhà sản xuất ở Mỹ đã đẩy nhanh kế hoạch giảm đầu tư và ngừng khoan. Số lượng giàn khoan hoạt động tại Mỹ đã giảm từ 735 giàn vào tháng 2-2020 xuống 355 giàn vào ngày 8-5-2020, theo dữ liệu mới nhất từ Baker Hughes. Trên cơ sở kinh tế dần phục hồi và sự tái cân bằng cung cầu dầu, EIA dự báo giá dầu sẽ tăng từ nay đến cuối năm 2021.

Tuy nhiên, ngày 26-5, Bloomberg trích dẫn các tính toán của Công ty ShaleProfile Analytics cho biết, sản lượng dầu đá phiến tại Mỹ có thể giảm 1/3 do số lượng giếng khai thác giảm kỷ lục. Theo ước tính của ShaleProfile Analytics, trong năm 2020, sản xuất dầu đá phiến của Mỹ có thể giảm xuống dưới 5 triệu thùng/ngày, gây ra thiệt hại đáng kể cho nhiều công ty. Đồng thời, 15 nhà sản xuất dầu khí đá phiến lớn nhất của Mỹ đã giảm trung bình 48% khoản đầu tư vào các mỏ mới.

Vào đầu tháng 5-2020, các nhà phân tích tại Ngân hàng đầu tư Raymond James đã dự đoán sẽ chỉ có khoảng 200 giếng khai thác dầu còn hoạt động ở Mỹ vào cuối năm nay, thấp hơn 4 lần so với số lượng giếng của năm 2019. Năm 2021, dự báo sẽ chỉ có 225 giếng sẽ còn hoạt động ở Mỹ.

Người lao động kiên nhẫn “tồn tại”

Đợi có việc làm hoặc về quê, đó là vấn đề nan giải của những người lao động trong ngành dầu khí ở Carlsbad, thành phố phía Tây Nam nước Mỹ, giá dầu giảm mạnh đã giáng một đòn mạng vào kinh tế khu vực.

tham canh cua cong nhan dau khi my

Trong thành phố Carlsbad bụi bặm của lưu vực Permian, khu vực có nhiều mỏ dầu lớn nhất hành tinh, nằm giữa Texas và New Mexico, một công nhân có thể kiếm được 100.000 USD, thậm chí 150.000 USD/năm.

Tại Carlsbad, nhiều công nhân làm việc trong lĩnh vực khai thác dầu mỏ, khoan giếng hoặc xây dựng đường ống dẫn dầu. Họ sống trong “trại người” ở ngoại ô thành phố. Đó là một nơi cho thuê đậu xe nhà di động của các công nhân ngành dầu khí. Chiếc xe này trông giống như một cái lều trại. Trong một khu vực nơi giá bất động sản tăng vọt do sự bùng nổ giá dầu mỏ trong thập niên trước, những công nhân phải trả 600-900 USD/tháng cho một không gian để đỗ nhà xe di động và một chiếc xe bán tải để đi làm của họ.

Nhiều công nhân dầu mỏ đã mất việc trong những tuần gần đây. Lưu vực Permian tuần qua chỉ có một nửa số giếng khoan hoạt động so với năm ngoái.

Ngồi trên một chiếc ghế gấp trước chiếc xe nhà di động, một công nhân cho rằng mình may mắn vì đã giữ được công việc. Mặc dù vậy, người công nhân 48 tuổi này đã bị giảm lương 5 USD/giờ và thời gian làm việc cũng giảm từ 80 xuống đến 40 giờ mỗi tuần. “Rất nhiều người không có việc làm. Họ ở lại khu trại người, chỉ quanh quẩn, để chờ xem liệu có chuyện gì sẽ xảy ra”, người công nhân cho biết.

Vùng Permian không dễ sống, nhưng dầu có thể trả hết. Một công nhân 21 tuổi đã không thấy tiếc nuối khi phải trở về quê Louisiana sau khi bị sa thải. “Ở đó, có cát và bụi, bạn không thể hít thở không khí trong lành”, anh than thở. “Không có gì bằng tiền kiếm được tại Carlsbad, đặc biệt là khi người ta không có bằng cấp. Một người có thể chịu đựng được mọi điều kiện, miễn là kiếm được tiền”, người công nhân trẻ chia sẻ khi vuốt ve chú chó con của mình đang nằm phục trên mặt đất.

“Dầu, Chúng tôi phụ thuộc vào nó”

Không ít người đã rời khỏi quê hương vào năm ngoái để đến Carlsbad tìm việc. Một cô gái làm việc trong một siêu thị, hiện cô sống trong một chiếc xe nhà di động với bạn trai làm việc trong ngành dầu khí. Cả hai đều 20 tuổi và lo lắng về tình hình giá dầu. “Dầu, chúng tôi phụ thuộc vào nó. Đây là cuộc sống của chúng tôi, vì vậy nếu giá dầu giảm, chúng tôi sẽ gặp khó khăn”, cô gái nói.

tham canh cua cong nhan dau khi my
Biểu đồ mô tả diễn biến sản lượng dầu thô và giá dầu WTI

Đối với một số công ty, sự sống còn chỉ có thể nhờ vào kế hoạch hỗ trợ của chính quyền Mỹ dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Không có đơn hàng từ các nhà sản xuất dầu, một số giếng dầu đã đóng. “Chúng tôi không còn gì để xây dựng”, Michael Bassett - người phụ trách hoạt động tại một công ty xây dựng dầu nói. Để giết thời gian, ông chủ của anh ta đã cho những người thợ hàn của công ty làm những vỉ nướng thịt trong khi chờ đợi các dự án lớn hơn.

“Cho đến gần đây, Carlsbad là một thành phố tốt để lập nghiệp”, Michael Garner, người quản lý một khu vực cho thuê chỗ đậu xe nhà di động, người đã sống phần lớn cuộc đời ở thành phố này, khẳng định. 120 chỗ đậu xe trước đây luôn trong tình trạng kín chỗ, nhưng kể từ khi giá dầu giảm, giờ đây luôn có đến 30 chỗ trống.

Người quản lý của khu “trại người” ở đây nói đầy vẻ triết lý: “Bất cứ ai đã sống với dầu mỏ trong một thời gian dài đều biết rằng giá cả luôn lên lại xuống. Sống trong nghề này, thứ giúp chúng ta không bị bất ngờ là phải biết tiết kiệm tiền”.

S.Phương