Tết không đến nơi xóm trọ nghèo

07:00 | 11/01/2020

18,807 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Quanh năm làm lụng vất vả chỉ mong tích góp ít tiền về quê sum họp gia đình, đón một cái tết ấm no, vui vẻ. Nhưng mong ước nhỏ nhoi ấy với nhiều người lao động nghèo ở xa là điều xa xỉ, tết với họ không có gì ngoài 4 bức tường xóm trọ...      

Không lương, không thưởng

Ngày tết đã cận kề, những tưởng sắp được lãnh thưởng sau một năm lao động vất vả, người lao động tại Công ty TNHH may Xuân Hiếu (Yuko Vina), xã Bình Hòa, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, lặng người khi biết tin công ty phá sản. Cách đây vài tháng, khi công ty nợ lương, từ 1.000 công nhân chỉ còn khoảng 400 công nhân, chủ yếu là những người có thâm niên làm việc hàng chục năm tại công ty, cố gắng bám trụ mong tết có chút tiền.

tet khong den noi xom tro ngheo
Cuộc sống vất vả, việc về quê đón tết đối với nhiều công nhân là giấc mơ xa vời

Giờ đối diện với họ là đồng lương còn không có, nói chi tiền thưởng, Ban Giám đốc Yuko Vina cũng “biến mất” cùng với khoản nợ lương và 5 tỉ đồng bảo hiểm xã hội.

“Gắn bó với công ty hơn 8 năm, thấy công ty đang gặp khó khăn, mình bỏ đi thì lương tâm không cho phép, những gì có thể cầm tôi đã cầm để sống với công ty, nhưng giờ đây thì hết hy vọng”, chị Thìn, quê ở Quảng Bình bức xúc.

Dự định sẽ về quê đón tết cùng gia đình sau nhiều năm không về nhưng điều đó bây giờ đã vượt khỏi khả năng của người công nhân nghèo khi tiền trọ còn chưa đóng, tiền ăn thì không biết lấy đâu ra. “Làm ở Công ty Xuân Hiếu hơn chục năm, đồng lương chỉ đủ lo cho cuộc sống hằng ngày chứ đâu dư dả gì. Mấy tháng nay công ty chia lương ra trả, mỗi lần chỉ nhận được hơn 1 triệu, giờ tiền trọ đã nợ 3 tháng chưa biết lấy đâu để trả, giấc mơ tết sum vầy gia đình nay đành tạm gác lại”, một người phụ nữ quê ở đảo Lý Sơn chia sẻ.

tet khong den noi xom tro ngheo tet khong den noi xom tro ngheo
Đối với người lao động xa quê, tết chỉ gói gọn trong 4 bức tường phòng trọ Đã 3 năm chị Trà không về quê đón tết, đứa con nhỏ hơn 2 tuổi nhưng chưa biết quê là gì

Nỗi buồn tết tha hương

Chị Phạm Thị Chiến (26 tuổi), quê ở Thanh Hóa, vào Bình Dương làm công nhân được 6 năm, nhưng 3 năm qua chị không về quê ăn tết. Căn phòng trọ như ngôi nhà thứ 2 của chị không có gì ngoài vài vật dụng nấu ăn, chiếc tủ lạnh nhỏ cùng 1 miếng ván được kê lên làm giường cho 2 vợ chồng cùng đứa con 3 tuổi.

Cuộc sống vất vả, việc về quê đón tết đối với vợ chồng chị chỉ có ở trong giấc mơ. Giờ hồi tưởng lại việc quyết định nghỉ việc tại Công ty Xuân Hiếu trước khi công ty phá sản trở thành điều may mắn, không bị nợ lương, nhưng khoản tiền bảo hiểm thai sản vẫn chưa được thanh toán. “Chuẩn bị tết rồi mà chị chưa có tiền, rầu lắm. Công ty thế này, tiền thai sản chắc cũng mất luôn”, chị Chiến thở dài.

3 năm rồi chị Chiến và một số công nhân khác đã không thể về quê đón tết cùng gia đình, quanh khu phòng trọ trống rỗng, bơ vơ… “Nhớ nhà, nhớ quê lắm!”, chị Chiến buồn thiu.

Cách phòng chị Chiến 2 phòng, chị Hoa ngồi bó gối, thở dài: “Ngày cận tết, nhiều người kéo nhau đi sắm sửa để chuẩn bị về quê đón tết, còn mình chỉ thui thủi trong phòng cầm điện thoại lên rồi lại đặt xuống, muốn gọi về nhà nghe tiếng ba mẹ lắm, nhưng…”, nước mắt lưng tròng, chị Hoa nói.

Ở một góc xóm trọ trên địa bàn quận Thủ Đức (TP.HCM), nhiều lao động quê ở miền Tây đang háo hức chuẩn bị quà tết cho gia đình. Thấy chúng tôi nhìn cuốn lịch và bánh kẹo đặt ở một góc căn phòng trọ, anh Hiếu, quê ở huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, nhanh miệng: “Anh chuẩn bị quà về quê ăn tết, cũng không bao lâu nữa là đến tết rồi, anh mua dần sợ cận ngày lại quên”.

Tết là lúc sum họp gia đình, nhưng với nhiều đứa con tha hương, tết là lúc đong đầy nước mắt trong nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Nồi bánh chưng, cành mai, cành đào chỉ tồn tại trong ký ức, với họ tết còn... xa lắm!

Ở một xóm trọ khác trên Quốc lộ 1A, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, dãy trọ có hơn 20 phòng thì gần 1 nửa số phòng có người không về quê ăn tết, những người lao động ở đây chủ yếu ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình, Tuyên Quang, Huế… Họ là những lao động nghèo rời quê mong tìm một công việc ổn định, trang trải cuộc sống.

Vượt hơn 1.000km từ Quảng Bình vào Sài Gòn đã hơn 10 năm, cuộc sống ở quê khó khăn, chị Hiền (36 tuổi) một mình khăn gói vào Nam với 2 bàn tay trắng. Thuê căn phòng trọ ở rồi đi làm tại một công ty giày da tại Khu chế xuất Linh Trung, quận Thủ Đức. Đồng lương công nhân ít ỏi, chỉ đủ trang trải chi phí hằng ngày. Lập gia đình, cuộc sống càng khó khăn hơn khi chị Hiền sinh em bé, chồng thì công việc không ổn định. Phận đời không may mắn, chị gặp người chồng vũ phu, nhẫn nhịn cho đến khi chồng có người phụ nữ bên ngoài, chị quyết định một mình nuôi con... Thấm thoắt đã hơn 10 năm, chị Hiền chưa một lần về quê, vì hằng ngày chạy ăn từng bữa còn khó, không dám nghĩ đến việc để dành tiền về quê. “Hơn 10 năm không được về quê. Tết Sài Gòn buồn lắm, xung quanh vắng teo...”, chị Hiền nói khẽ sau cơn ho.

Chỉ qua căn phòng cách đó vài bước chân, chị Trà (39 tuổi), quê ở Nghệ An, là người đã cùng chị Hiền đón 3 cái tết tha hương. Có 2 đứa con thì đứa lớn gửi cho ông bà ở quê, còn đứa nhỏ hơn 2 tuổi chưa biết quê là gì. “Hai anh em nó chưa gặp mặt nhau lần nào, chỉ biết nhau qua điện thoại”, chị Trà tâm sự.

Biết chắc tết này không về quê được, chị Trà mua đồ nhờ người gửi về quê cho đứa con trai lớn. Mỗi khi nghe con hỏi “tết sao mẹ không về?”, chị chỉ biết cười rồi lặng lẽ khóc sau khi tắt điện thoại.

Tết là lúc sum họp gia đình, nhưng với nhiều đứa con tha hương, tết là lúc đong đầy nước mắt trong nỗi nhớ nhà, nhớ người thân. Nồi bánh chưng, cành mai, cành đào chỉ tồn tại trong ký ức, với họ tết còn... xa lắm!

Huỳnh Ngân

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps