Tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa sau vụ Trung Quốc phóng tên lửa ra Biển Đông

06:48 | 28/08/2020

255 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ đã điều một tàu khu trục tiến hành tuần tra tự do hàng hải gần quần đảo Hoàng Sa sau khi Trung Quốc bị cho là phóng 2 tên lửa đạn đạo ra Biển Đông.
Tàu chiến Mỹ áp sát Hoàng Sa sau vụ Trung Quốc phóng tên lửa ra Biển Đông
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Hải quân Mỹ (Ảnh: US Navy)

Hãng tin USNI cho biết, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Mustin của Hải quân Mỹ ngày 27/8 đã đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong sứ mệnh tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.

Reann Mommsen, người phát ngôn Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết, hoạt động này nhằm thách thức "các hạn chế bất hợp pháp" đối với hoạt động hàng hải ở vùng biển được quốc tế công nhận, đồng thời thách thức các yêu sách chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Động thái trên diễn ra chỉ 1 ngày sau khi Trung Quốc bị cho là phóng tên lửa đạn đạo ra Biển Đông trong cuộc tập trận gây quan ngại. Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc đã phóng hai tên lửa đạn đạo “sát thủ tàu sân bay” DF-26B và DF-21D ra Biển Đông trong cuộc tập trận bắn đạn thật sáng 26/8. Tên lửa DF-26B được phóng từ tỉnh Thanh Hải, tây bắc Trung Quốc. Trong khi đó, tên lửa DF-21D phóng đi từ tỉnh Chiết Giang ở phía đông nước này. Cả hai đều phóng vào khu vực Trung Quốc đã lập vùng cấm bay trên Biển Đông.

Lầu Năm Góc hôm qua cho rằng, động thái trên của Trung Quốc đi ngược lại cam kết mà Bắc Kinh đưa ra năm 2002 về việc tránh các hành động khiêu khích ở Biển Đông. "Các hành động (của Trung Quốc) trong đó thử tên lửa tiếp tục gây bất ổn tình hình Biển Đông", thông cáo của Lầu Năm Góc chỉ trích.

"Những hành động như vậy vi phạm cam kết của Trung Quốc theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 nhằm tránh các hoạt động gây phức tạp hay leo thang căng thẳng hay ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực", thông cáo nhấn mạnh.

Lầu Năm Góc cũng cho rằng, cuộc tập trận của Trung Quốc từ ngày 23-29/8 gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là một trong những hành động của Trung Quốc nhằm đưa ra "yêu sách chủ quyền hàng hải phi lý và gây bất lợi cho các nước láng giềng ở Đông Nam Á". Lầu Năm Góc cho biết, hồi tháng 7, cơ quan này đã hối thúc Trung Quốc giảm các hoạt động "quân sự hóa và cưỡng ép" ở khu vực, song Bắc Kinh tiếp tục các cuộc tập trận, trong đó có phóng tên lửa đạn đạo.

Tháng trước Mỹ đã đưa ra tuyên bố thể hiện lập trường chính thức và cứng rắn hơn về Biển Đông, trong đó bác bỏ hầu hết yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, coi đây là những yêu sách "phi pháp".

Bộ Thương mại Mỹ ngày 26/8 thông báo trừng phạt 24 công ty đóng vai trò "trong việc giúp quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo bị quốc tế lên án ở Biển Đông".

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng thông báo Mỹ sẽ cấm nhập cảnh đối với các công dân Trung Quốc bị cáo buộc có liên quan tới hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông.

Trong bình luận trên Twitter ngày 26/8, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: "Hôm nay Mỹ sẽ hành động để hỗ trợ tự do biển cả và phản đối những hành vi cưỡng bức các đồng minh và đối tác của chúng tôi ở Đông Nam Á. Chúng tôi không cho phép Trung Quốc triển khai chiến dịch bắt nạt nhằm ngăn các nước tiếp cận các nguồn tài nguyên quan trọng ngoài khơi và làm tổn hại các hệ sinh thái quan trọng".

Theo Dân trí