Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019

Tạo sức bật mới phát triển nhanh và bền vững

07:00 | 26/01/2019

257 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững” diễn ra mới đây, các chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp đã làm rõ những cơ hội và thách thức để đất nước có thể phát triển nhanh và bền vững. Phóng viên Báo Năng lượng Mới lược ghi một số ý kiến xung quanh vấn đề này.
tao suc bat moi phat trien nhanh va ben vung

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh

Trong chiến lược tăng trưởng nhanh và bền vững, Chính phủ Việt Nam đã xác định 3 trụ cột quan trọng trong mọi chính sách và mô hình phát triển bao gồm: Kinh tế, xã hội và môi trường. Đó là nguyên tắc “3 trong 1” trong phát triển.

Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh ngày nay, chúng ta càng thấu hiểu đà tăng trưởng kinh tế sẽ không thể duy trì lâu dài nếu thiếu tính bền vững. Phát triển bền vững không mâu thuẫn với tăng trưởng nhanh, ngược lại, chính là nội hàm quan trọng, làm nên điều kiện cần và đủ của tăng trưởng nhanh trong dài hạn, đặc biệt là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% - cao nhất trong 10 năm gần đây - đã đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Việt Nam vẫn luôn được đánh giá có môi trường chính trị, xã hội ổn định. Dù kinh tế khu vực và thế giới có tiềm ẩn bất ổn, cuộc cách mạng 4.0 cùng với nền kinh tế số sẽ là một xu hướng lớn.

Việt Nam đang có nhiều lợi thế để bắt kịp với dòng chảy chính của nền kinh tế số. 72% người dân đang sử dụng điện thoại thông minh, 70% thuê bao di động sử dụng 3G hoặc 4G, số người truy cập các trang thương mại điện tử thông qua điện thoại di động chiếm 72%... Đó là cơ sở để Việt Nam tự tin về khả năng chuyển đổi thành công từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế số. Năm 2019 và những năm tiếp theo, Chính phủ sẽ tập trung vào 6 vấn đề trọng tâm:

tao suc bat moi phat trien nhanh va ben vung
Toàn cảnh phiên đối thoại chính sách cấp cao của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019

Một là, quyết tâm giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô lẫn vi mô vững chắc, tăng cường khả năng chống chịu xung lực, cú sốc từ bên ngoài - đây là lợi thế so sánh với các nước.

Hai là, Chính phủ cam kết sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách, nâng cao chất lượng thể chế, pháp luật và năng lực quản trị Nhà nước để cải thiện tăng trưởng tiềm năng từ 7% trở lên, nâng cao hiệu quả DNNN, thúc đẩy kinh tế tư nhân, làm cho khu vực FDI trở nên gắn kết hơn với khu vực kinh tế trong nước, củng cố hệ thống tài chính, hệ thống ngân hàng… Chính phủ nỗ lực khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển nhanh và bền vững hơn, tháo gỡ các nút thắt về cơ chế phân bổ nguồn lực.

Ba là, tiếp tục tăng tốc và tạo ra các bứt phá trong việc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hướng tới chuẩn mực cạnh tranh, minh bạch và công bằng trong tiếp cận các nguồn lực, giảm chi phí cho DN.

Bốn là, thúc đẩy và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp rộng khắp, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thực thi bảo vệ quyền tài sản cho nhà đầu tư và DN. Năm là, đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số để thúc đẩy phát triển kinh tế số và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sáu là, tập trung các giải pháp phát triển toàn diện, hài hòa giữa kinh tế, xã hội và môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy sự phát triển đồng đều hơn giữa các vùng miền.

Trong năm 2019, Chính phủ sẽ đánh giá lại tiến trình phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm trở lại đây; đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm tạo nên sức bật mới cho phát triển, trong đó, Chính phủ xác định kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong trong phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.

tao suc bat moi phat trien nhanh va ben vung

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương: Để Việt Nam trở thành “con hổ mới” của kinh tế châu Á

Một quốc gia muốn “hóa rồng, hóa hổ” thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Để Việt Nam tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có sự đột phá trong chính sách. Vậy lựa chọn của Việt Nam là gì? Chúng ta cần làm gì để Việt Nam trở thành “con hổ mới” của kinh tế châu Á? Có 3 vấn đề cần phải được làm rõ:

Thứ nhất, ngày 14/1/2019, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực. Tính đến nay, Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán, giúp mở rộng cánh cửa hướng tới hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20. Đây là một lợi thế rất lớn cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng để tiếp cận với các thị trường lớn trên thế giới.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và đang ký kết hoặc đang đàm phán, giúp mở rộng cánh cửa hưtớng tới hơn 60 nền kinh tế, trong đó có 15/20 nước G20. Đây là một lợi thế rất lớn cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi đóng vai trò như một cửa ngõ quan trọng để tiếp cận với các thị trường lớn trên thế giới.

Tuy nhiên, cơ hội luôn gắn liền với thách thức. Với nền công nghiệp hỗ trợ còn yếu và thiếu, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam vẫn chủ yếu gia công ở giai đoạn cuối trong chuỗi sản xuất, giá trị gia tăng thấp nên khi các FTA có tính đến quy tắc xuất xứ và năng lực của công nghiệp hỗ trợ thì Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi.

Vì vậy, cần làm rõ chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới là gì? Làm thế nào để kết nối được các DN Việt Nam với các DN FDI cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và cùng khai thác được các lợi thế của các FTA thế hệ mới mang lại?

Thứ hai, trong báo cáo “Tương lai số của chúng ta” do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố vào tháng 10/2018, ước tính đến năm 2022, kinh tế số đóng góp khoảng 60% GDP toàn cầu.

Về cơ bản, kinh tế số, xã hội số sẽ tiếp tục là những câu chuyện lớn trong nhiều thập niên tới, do đó, đây là cơ hội của Việt Nam bởi trong lĩnh vực số, tất cả các quốc gia đều cùng một vạch xuất phát. Vậy Việt Nam cần làm gì để tận dụng hiệu quả những cơ hội mà nền kinh tế số đem lại, để không bỏ lỡ chuyến tàu công nghiệp 4.0, để đưa nền kinh tế số thực sự trở thành một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới?

Thứ ba, trong bối cảnh dư địa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ không còn nhiều, thì những chính sách nhằm giải phóng và tạo năng lực sản xuất mới như phát triển kinh tế tư nhân, cơ cấu lại DNNN... hoàn toàn có khả năng tạo ra đột phá về cải thiện năng suất lao động, về tốc độ tăng trưởng.

Vậy chúng ta cần làm gì để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất gắn với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam?

tao suc bat moi phat trien nhanh va ben vung

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Kinh tế số là động lực tăng trưởng mới

Công nghệ số, chuyển đổi số, kinh tế số là xu thế toàn cầu, là một trào lưu không thể đảo ngược. Thế giới vật lý đang được ảo hóa, đời sống thực đang bị ánh xạ vào không gian mạng, quá trình sáng tạo, sản xuất kinh doanh ngày càng diễn ra nhiều hơn trên không gian mạng. Với sự xuất hiện của cách mạng công nghiệp 4.0, thế giới đang ở “điểm gãy” của quá trình chuyển đổi số, tạo tăng trưởng mức độ cao… Đây chính là cơ hội giúp Việt Nam hiện thực hóa khát vọng “hùng cường”.

Kinh tế số là các hoạt động kinh tế có sử dụng thông tin số, chi tiết số, sử dụng mạng Internet làm không gian hoạt động, sử dụng ICT (viễn thông và công nghệ thông tin) để tăng năng suất lao động và để tối ưu nền kinh tế.

Cách nhanh nhất để đẩy mạnh kinh tế số là đẩy mạnh sử dụng công nghệ số, thay đổi cách chúng ta đang sản xuất, đang làm việc. Dùng camera để giảm người bảo vệ; tự động tưới cây khi đất khô; dùng văn bản điện tử thay vì giấy tờ..., đó chính là kinh tế số. Công nghệ sinh ra để giải quyết vấn đề, ở đâu có vấn đề ở đó có công nghệ, có giải pháp. Phổ cập kinh tế số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế.

Khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam. Mỗi năm kinh tế tư nhân đang tạo ra 1,2 triệu việc làm. Hiện có khoảng trên 750.000 DN tư nhân đóng góp tới 43% GDP...

Công nghệ số sinh ra mô hình kinh doanh mới, thách thức mô hình kinh doanh truyền thống như Uber, Grab thách thức taxi truyền thống, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống, cho phép mạng viễn thông di động thanh toán hàng hóa giá trị nhỏ sẽ giải quyết bài toán thanh toán không dùng tiền mặt đến 100% người dân nhưng lại thách thức ngân hàng...

Vấn đề là Chính phủ có chấp nhận mô hình kinh doanh mới hay không? Tuy nhiên, việc chấp nhận phải thật sớm, thậm chí là sớm nhất, vì nếu đi sau hoặc đi cùng người khác thì cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam là không có. Việc chấp nhận này có thể khiến Việt Nam mất đi một số thứ, nhưng chúng ta không có quá nhiều điều để mất, nên đây là cơ hội cho kinh tế Việt Nam.

Vậy, làm thế nào để Việt Nam bắt kịp công nghiệp 4.0? Đó là Việt Nam cần tiến hành theo chiến lược 3 bước: Bước một, đẩy nhanh số hóa các ngành công nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử, áp dụng trong toàn xã hội, từ đó giúp tăng năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Bước hai, Chính phủ coi số hóa là một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Bước ba, số hóa nền kinh tế một cách toàn diện và coi đó là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

tao suc bat moi phat trien nhanh va ben vung

Ông Ousmane Dione - Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam: FDI chiếm tỉ trọng lớn trong thương mại của Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam trở thành điểm thu hút FDI lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Các DN FDI không chỉ tăng vốn mà còn tạo hàng triệu việc làm trực tiếp, đóng góp lớn vào giá trị xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ tham gia gia công khâu cuối của chuỗi sản xuất, thực chất vẫn chỉ lắp ráp, sử dụng nhiều lao động, giá trị thấp… Những gì chúng ta thấy là cán cân xuất nhập khẩu chủ yếu thuộc về DN FDI với 70% giá trị thương mại, trong khi đó, DN trong nước thậm chí còn thâm hụt thương mại.

Vì vậy, DN Việt Nam cần có các hành động phối hợp nhịp nhàng và mang tính chiến lược nhằm nâng cao giá trị, kết nối và tận dụng nguồn vốn, công nghệ từ DN FDI, từ đó tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

tao suc bat moi phat trien nhanh va ben vung

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air: Cần khai thác tốt nguồn lực kinh tế tư nhân

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nền kinh tế Việt Nam. Mỗi năm kinh tế tư nhân đang tạo ra 1,2 triệu việc làm. Hiện có khoảng trên 750.000 DN tư nhân đóng góp tới 43% GDP...

Chính phủ đã đưa thông điệp mạnh mẽ về một chính phủ kiến tạo, hành động với những động thái cởi mở về cơ chế, thể chế cho kinh tế tư nhân phát triển với hàng loạt các hoạt động.

Trong ngành hàng không, sự tấp nập của 21 cảng hàng không trên cả nước phản ánh sức sống của nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê, cứ 1% tăng trưởng của hàng không sẽ tương ứng với 0,5% tăng trưởng GDP. Điều này rất đúng ở Việt Nam khi hàng không tăng trưởng bình quân 14-15% các năm qua, còn GDP tăng trên dưới 7%.

Để thực sự thúc đẩy, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tôi xin chia sẻ một số đề xuất: Đẩy nhanh hơn tốc độ tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN và ngân hàng để tránh ảnh hưởng đến tài chính vĩ mô và giảm triển vọng tăng trưởng quốc gia, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân. Chính phủ cần có chính sách, biện pháp khai thác tốt các nguồn lực của khu vực kinh tế tư nhân.

Làm thế nào để Việt Nam bắt kịp công nghiệp 4.0? Đó là Việt Nam cần tiến hành theo chiến lược 3 bước: Bước một, đẩy nhanh số hóa các ngành công nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử, áp dụng trong toàn xã hội, từ đó giúp tăng năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Bước hai, Chính phủ coi số hóa là một lợi thế cạnh tranh trong nước và toàn cầu. Bước ba, số hóa nền kinh tế một cách toàn diện và coi đó là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.

Nguyễn Hoan