Tại sao bảo tàng ế khách?

19:00 | 21/12/2013

4,076 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với nhiều người, việc bảo tàng thường dành cho những nhà nghiên cứu văn hóa, di sản, hay cho một số ít công chúng quan tâm là thường. Trong số hàng trăm bảo tàng ở Việt Nam, số thực sự thu hút được khách tới tham quan, tìm hiểu có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cho đến nay lý giải hạn chế này vẫn là chuyện không đơn giản và là bài toán nan giải với các nhà quản lý, nhà văn hóa.

Năng lượng Mới số 284

Thờ ơ với bảo tàng

Nói đến bảo tàng ở Việt Nam, ngoài những nhà nghiên cứu, nhà văn hóa thì có thể thấy rằng, những hiện vật trưng bày ở bảo tàng không thu hút được nhân dân, được nhân dân đón nhận, coi đó như là những chứng tích văn hóa, lịch sử cần được tìm hiểu. Người dân Việt Nam từ người lớn tới trẻ nhỏ đều không có khái niệm đến với các bảo tàng như là một địa chỉ văn hóa để trau dồi thêm kiến thức, mở rộng thêm vốn hiểu biết. Có bao nhiêu bậc phụ huynh cho con đến bảo tàng có thể hiểu và giải thích được đầy đủ, chính xác số lượng các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng. Thậm chí là các trường học trong cả năm cũng không hề cho các học sinh đến bảo tàng lấy một lần khiến một bảo tàng lớn và được đầu tư quy mô như Bảo tàng Hà Nội cũng không thể thu hút được khách tham quan.

Bảo tàng Hà Nội được xây dựng quy mô và lớn nhất Việt Nam nhưng lại đìu hiu không có khách tham quan

Có thể thấy rằng, với người Việt Nam, khái niệm bảo tàng chưa trở thành một khái niệm văn hóa nền tảng, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử quan trọng của từng giai đoạn của đất nước. Chúng ta không biết rằng, từ một vài bảo tàng được xây dựng từ thời Pháp thuộc nay thành một hệ thống gồm 138 bảo tàng, trong đó có 121 bảo tàng công lập và 17 bảo tàng ngoài công lập. Các bảo tàng đã sưu tầm, lưu giữ, từng bước phát huy giá trị được gần 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật, sưu tập hiện vật quý hiếm và bảo vật quốc gia (hiện tại, đã có 30 hiện vật và nhóm hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia).

Năm 2013, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã được bình chọn vào Top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á. Trong đó, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh về thứ 5 trong cuộc bầu chọn, tăng 5 bậc so với năm 2012. Ngoài ra, hai bảo tàng khác là Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng lọt danh sách trên khi lần lượt đứng ở vị trí thứ 6 và thứ 11. Bên cạnh đó, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh còn được đánh giá là điểm đến hấp dẫn thứ 2 tại TP HCM, phản hồi từ du khách đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cho thấy 40% nhận xét xuất sắc, 43% đánh giá rất tốt, chỉ 15,7% cho là trung bình và đơn điệu.

Ba bảo tàng được bình chọn là bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á, đây là những đánh giá của độc giả, du khách quốc tế khi tới Việt Nam. Thế nhưng, trong số những người dân cả nước, thử hỏi mấy ai liệt kê được tên của ba bảo tàng ấy?

Hạn chế và bất cập

Theo Tiến sĩ Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, vấn đề bảo tàng ở Việt Nam không thu hút được khách tham quan xảy ra ở nhiều bảo tàng trải dài khắp cả nước. Đầu tiên có thể thấy là do dân trí, đời sống kinh tế thấp, nên việc người dân dành thời gian quan tâm tới trưng bày ở các bảo tàng là điều rất hiếm. Thứ hai do giáo dục công chúng, PR, marketing chưa đến được với công chúng, hơn nữa hoạt động bảo tàng chưa đa dạng, chưa đem lại sự hấp dẫn và hứng thú cho thế hệ trẻ. Sự đầu tư hiện nay cho công nghệ, trưng bày, ánh sáng, nghe nhìn chưa tương xứng nên không đem lại hiệu quả trưng bày.

Trong nhiều năm qua, mạng lưới bảo tàng vẫn ở tình trạng mất cân đối về loại hình. Hiện tại hầu hết bảo tàng ở Việt Nam là bảo tàng thuộc loại hình lịch sử xã hội, còn quá ít các bảo tàng lịch sử tự nhiên, bảo tàng chuyên ngành về khoa học kỹ thuật. Cấu tạo nội dung trưng bày theo tiến trình lịch sử, nhiều phần trùng lặp nhau giữa các bảo tàng làm cho hệ thống bảo tàng trở nên đơn điệu. Sự trùng lặp về nội dung chủ yếu tập trung ở 3 loại bảo tàng: bảo tàng cấp tỉnh, bảo tàng thuộc Bộ Quốc phòng và nhóm bảo tàng lâu nay vẫn được xếp vào hệ thống các chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại các tỉnh, thành phố.

Bảo tàng Dân tộc học được bình chọn trong top bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á

Các bảo tàng cấp tỉnh, được thành lập và chịu sự quản lý của cấp tỉnh, phần nhiều chưa quan tâm hoặc chưa có điều kiện tổ chức trưng bày nhằm làm nổi bật đặc trưng lịch sử, văn hóa của địa phương và chưa gắn với quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phát triển du lịch. Nhiều tỉnh, thành phố lớn đến nay vẫn chưa có bảo tàng xứng tầm như Quảng Ninh, Huế, Nha Trang, Đà Lạt, Cần Thơ… Ví dụ như ở thành phố Quảng Ninh, hướng phát triển bảo tàng sẽ bao gồm: văn hóa biển đảo, than, văn hóa đa sắc tộc, di sản văn hóa Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử…

Sự trùng lặp trong trưng bày còn thể hiện ở việc không phân loại hiện vật cụ thể cho từng bảo tàng, hiện vật không phải bản gốc như các bảo tàng trên thế giới mà là bản sao chép. Như đôi dép của Bác Hồ được trưng bày ở rất nhiều bảo tàng, từ Bảo tàng Hồ Chí Minh, Di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng nhà Rồng cho tới cả Bảo tàng Cách mạng... Cách trưng bày của chúng ta cổ điển của năm 60 của thế kỷ trước và của thế kỷ XIX.

Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực có tiềm năng để hình thành các bảo tàng nhưng vẫn chưa được quan tâm: giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, nghề thủ công truyền thống… nên nhiều sưu tập hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học cao vẫn chưa được khai thác, phát huy, giới thiệu với đông đảo công chúng, như các bộ sưu tập ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Địa chất Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam…

Thực tế, rất ít bảo tàng được xây dựng trên cơ sở các bộ sưu tập hiện vật bảo tàng có khả năng phản ánh đầy đủ phạm vi và nội dung của bảo tàng. Nhiều bảo tàng đã triển khai xây dựng công trình kiến trúc, nhưng nội dung vẫn chưa được chuẩn bị theo yêu cầu khoa học chuyên ngành hoặc còn theo nếp cũ, chủ yếu là những mong đợi, phụ thuộc vào hiện vật sẽ sưu tầm nên khó phát huy giá trị. Cách trưng bày theo lối cổ điển những năm 60 của thế kỷ XIX.

Không chỉ thế, trong lĩnh vực chuyên môn bảo tàng, thiếu đội ngũ chuyên gia và cán bộ giỏi, tính chuyên nghiệp chưa có, đội ngũ cán bộ chưa được đào tạo, chưa say sưa. Việc tổ chức hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của các cán bộ bảo tàng còn chưa mang tính chuyên nghiệp, khả năng thực hành các mặt công tác nghiệp vụ cụ thể còn nhiều bất cập. Nguyên nhân chủ yếu là do công tác đào tạo cơ bản còn chậm đổi mới, do điều kiện hoạt động thực tế của bảo tàng chưa được đáp ứng, do thiếu điều kiện nâng cao kiến thức, cập nhật thông tin về nghề nghiệp… Vì vậy, bảo tàng học Việt Nam còn có nhiều vấn đề chưa kịp hội nhập, thậm chí còn tụt hậu so với sự phát triển của bảo tàng thế giới, nhất là về quản lý thiết chế; nghiên cứu xây dựng nội dung trưng bày bảo tàng; ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại trong bảo tàng; xây dựng và tổ chức các chương trình tham quan, giáo dục, marketing bảo tàng…

Những hình ảnh đìu hiu về Bảo tàng Hà Nội lớn nhất Việt Nam là minh chứng rõ nét nhất cho thấy một bức tranh ảm đạm của bảo tàng ở Việt Nam. Chuyện làm sao thu hút được khách tham quan là chuyện không hề đơn giản, là một bài toán khó mà các cấp quản lý phải giải sớm để bảo tàng Việt Nam không chỉ đông vui vài lần một năm khi có ngày lễ, sự kiện rồi lại trở về vắng tanh, vắng ngắt thường ngày.

Thanh Huyền