Tại sao Ấn Độ chọn trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine?

19:02 | 25/05/2022

1,508 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trang tin Nihon Keizai (đơn vị của hãng thông tấn Nikkei, Nhật Bản) mới đây đã có bài viết xoay quanh vấn đề này với nhận định rằng, phương Tây lo ngại về việc Ấn Độ không muốn từ bỏ quan điểm trung lập để phản đối Nga xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với tầm nhìn chiến lược của quốc gia Nam Á này. Ấn Độ cần tình bạn với Nga để chống lại Trung Quốc.
Tại sao Ấn Độ chọn trung lập trong cuộc xung đột Nga-Ukraine?

Theo Nihon Keizai, các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Mỹ, Úc và Ấn Độ sẽ gặp nhau tại thủ đô Tokyo vào cuối tháng 5 này trong khuôn khổ Đối thoại An ninh bốn bên (QUAD). Các quốc gia đang củng cố sự đoàn kết của họ trước Trung Quốc.

Phương Tây cũng như Nhật Bản và Úc đã lên án Nga, đồng thời gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với nước này. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn bày tỏ quan điểm trung lập và kêu gọi các bên ngừng bắn. Nước này không tán thành các biện pháp trừng phạt.

Theo hãng tin Reuters, chính quyền Ấn Độ thậm chí đang xem xét gia tăng mua dầu giá rẻ từ Nga. Trong khi đó, phía Nhật Bản, Mỹ và Úc dự kiến sẽ yêu cầu Ấn Độ thay đổi lập trường và tham gia trừng phạt Nga tại cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới. Các quan chức phương Tây cho rằng, việc Ấn Độ hạn chế áp đặt các biện pháp trừng phạt và giữ thái độ trung lập là đáng thất vọng.

Tình huống khó khăn

Theo Nihon Keizai, việc gây áp lực để Ấn Độ thay đổi chính sách là động thái không khôn ngoan. Những nỗ lực này có thể không chỉ vô ích mà còn làm suy yếu các lợi ích chiến lược của Nhật Bản, Mỹ và Úc.

Ấn Độ và Nga vốn đã là bạn từ lâu, kể từ thời Chiến tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô. Các quan chức Ấn Độ và các cựu chính trị gia của nước này đều nhất trí cho rằng, Ấn Độ không thể cắt đứt quan hệ hữu nghị với Nga vì chiến lược đối với Trung Quốc. Nguyên nhân chính là cuộc xung đột với Trung Quốc, bắt đầu từ năm 1962 và chưa kết thúc cho tới nay. Hai năm trước, những cuộc đụng độ tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc đã khiến nhiều binh sĩ thiệt mạng. Trong thời điểm hiện tại, hai nước vẫn đang trong tình trạng đối đầu và căng thẳng lên cao. Hơn hết, Ấn Độ lo ngại rằng Nga sẽ đứng về phía Trung Quốc trong cuộc xung đột này. Ngay cả khi Nga không can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột, Ấn Độ vẫn lo ngại rằng, Nga có thể giúp Trung Quốc trong cuộc chiến tình báo và ngoại giao.

Cho đến nay, Nga vẫn giữ thái độ trung lập đối với xung đột Ấn Độ - Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu Ấn Độ thể hiện thái độ thù địch bằng lời nói hoặc hành động, rất có thể chính quyền Nga sẽ bắt đầu giúp đỡ Trung Quốc. Theo các chuyên gia ngoại giao Ấn Độ, Nga có thái độ thù địch với QUAD và coi đây là công cụ bá quyền của Mỹ. Nước này cũng đề nghị Ấn Độ không nên tăng cường hợp tác trong khuôn khổ QUAD.

Theo đuổi chính sách đa cực

Việc cắt đứt quan hệ với Nga sẽ là một đòn giáng mạnh vào lĩnh vực quân sự của Ấn Độ. Điều này được cho là xuất phát từ sự phụ thuộc lớn vào vũ khí Nga. Theo các ước tính khác nhau, khoảng 70% vũ khí của Ấn Độ được sản xuất tại Nga. Điều này một phần là do trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, nước này không thể mua những vũ khí tối tân nhất từ Mỹ. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đã tăng cường nhập khẩu vũ khí từ Pháp và Israel, đồng thời nỗ lực giảm tỷ trọng vũ khí của Nga.

Theo một số chuyên gia từng là trợ lý cố vấn an ninh quốc gia của Ấn Độ, tỷ lệ nhập khẩu vũ khí Nga của nước này đã giảm từ mức 80% vào năm 2000 xuống còn 35% trong năm 2019. Tuy nhiên, nhiều dự báo cho rằng, Ấn Độ sẽ mất hơn một thập niên nữa để thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Nếu xung đột với Nga nổ ra ngay từ thời điểm này và việc cung cấp các thiết bị quân sự bị ngừng lại, các lực lượng vũ trang Ấn Độ sẽ rơi vào tình thế khó khăn. Không giống như Nhật Bản và các nước thuộc liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), vốn nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ, Ấn Độ phải độc lập giải quyết xung đột với Trung Quốc và các nước khác, cũng như tự bảo vệ quan điểm liên quan tình hình ở Ukraine một cách chính đáng. Xung đột ở Ukraine ngày càng được quan tâm tại Ấn Độ. Trong môi trường an ninh khó khăn như vậy, chính quyền Ấn Độ không thể lựa chọn phương án thù địch với Nga.

Tại sao Ấn Độ không ủng hộ Nga?

Phân tích sâu hơn về sự khác biệt giữa Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Ấn Độ đối với chính sách của Nga dẫn đến những thế giới quan, quan điểm rất khác nhau. Các nước phương Tây tin rằng, họ có lợi ích trong việc bảo vệ trật tự tự do do Mỹ lãnh đạo, vốn đã trở thành nền tảng cho sự thịnh vượng của thế giới kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Còn theo các chiến lược gia Ấn Độ, nước này có góc nhìn khác. Ấn Độ không tìm kiếm một trật tự đơn cực do Mỹ lãnh đạo mà là một thế giới đa cực, trong đó một số cường quốc lớn đứng ngang hàng với nhau. Đối với Ấn Độ, một quốc gia không dựa vào một đồng minh cụ thể nào và một thế giới không có siêu cường thống trị mang ý nghĩa an ninh lớn hơn. Đặc biệt trong thời điểm mà Ấn Độ đang cố gắng ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc. Vì lý do này, Ấn Độ không chỉ muốn Mỹ mà cả Nga trở thành một cường quốc trong việc kiềm chế Trung Quốc.

Một điều phức tạp nữa là phía Ấn Độ cũng có những sự ngờ vực lâu dài đối với Mỹ và châu Âu, liên quan đến những sự kiện chính trị lớn trong quá khứ. Phương Tây đã không phản ứng đúng với các cuộc xung đột đang diễn ra ở Afghanistan, Trung Đông, châu Phi và nhiều nơi khác, cũng như đối với dòng người tị nạn. Ngay chỉ khi các hành động quân sự bắt đầu diễn ra tại châu Âu, phương Tây mới kêu gọi thế giới đoàn kết. Đây được xem là thói đạo đức giả.

Không kỳ vọng cao

Câu hỏi đặt ra hiện nay là Nhật Bản, Mỹ, Úc nên làm gì trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Theo các chuyên gia của Nihon Keizai, thứ nhất, họ cần chứng minh được rằng, vì lợi ích của các nước phương Tây, Ấn Độ sẽ có đủ tiềm lực quân sự để kiềm chế Trung Quốc và ngăn chặn sự leo thang tranh chấp biên giới. Thứ hai, điều quan trọng là phương Tây phải đẩy nhanh hợp tác quân sự với Ấn Độ nhằm giảm sự phụ thuộc vào vũ khí do Nga sản xuất. Thứ ba, Mỹ, Nhật Bản và Úc không nên đặt nhiều hy vọng vào thực tế là quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ sẽ không bị gián đoạn. Những nước này cần tập trung công việc của QUAD vào các vấn đề liên quan đến Trung Quốc hơn là nhằm vào Nga.

Hiển nhiên là không có gì bất hợp lý khi Mỹ, Nhật Bản và Úc đang hướng tới hợp tác ngoại giao với Ấn Độ về vấn đề Nga. Tuy nhiên, nếu sự đoàn kết của bộ tứ bị phá hủy do chịu quá nhiều áp lực từ bên trong thì mọi thành quả sẽ mất sạch. Khi đó, Trung Quốc và Nga sẽ hưởng lợi nhiều nhất.

Tiến Thắng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc