Tài năng mọc lên ở đâu?

11:04 | 17/07/2013

605 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Em rất tài năng, tôi thích em”, “Em có giọng hát rất tuyệt vời, hãy về đội của tôi để tỏa sáng”… Phải nói chưa bao giờ trên sóng truyền hình lại thừa những lời khen ngợi, lại tìm ra nhiều tài năng đến thế. Nhưng đáng tiếc, sau rất nhiều mùa tìm kiếm tài năng, chưa có nhân tài nào tỏa sáng. Chưa kể, trong rất nhiều cuộc thi tìm kiếm tài năng, có nhiều nhân tố chưa là tài năng năm trước lại muốn trở thành tài năng năm sau. Nhìn vào sự “ráo riết” săn lùng tài năng như thế của nhà đài, người ta ngán ngẩm lắc đầu: Tài năng ở đâu mọc ra nhanh thế?

Tài năng… nhai lại

Format chung của các chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm tài năng đều có điểm giống nhau là phát hiện ra những gương mặt có khả năng từ chuyên đến không chuyên. Tức là mọi thành phần có cơ hội tham gia và tỏa sáng như nhau. Nhưng nhìn mật độ xuất hiện dày đặc của các chương trình tìm kiếm tài năng ca hát cũng dễ giật mình. Cuộc thi hát có từ lứa tuổi nhi đồng như “Đồ rê mí”, cho thiếu niên như “The Voice Kids”, cho người trưởng thành thì một loạt: “The Voice”, “Vietnam Idol”, “Sao Mai điểm hẹn”. Chưa kể là: “Tiếng ca học đường”, “Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Vietnam Got Talent)”.

Ngoài thi hát, tìm kiếm người đẹp như là mốt của nhiều năm gần đây. Từ Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam, Hoa hậu Thế giới người Việt, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam… Chưa kể, xen kẽ các cuộc thi lớn là những cuộc tuyển lựa của những cuộc thi á khôi, hoa khôi, hoa hậu vùng không chính thức. Danh hiệu từ các cuộc thi người đẹp nhiều đến mức ngành quản lý có khi cũng không nhớ nổi. Mặc dù, vì cảm thấy thừa các cuộc thi nhan sắc, mấy năm trước đây Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã phải ra công văn chỉ cho phép mỗi năm mới có một cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Ấy thế nhưng, không sợ cản ngăn, nhiều hình thức “né” xuất hiện nhan nhản.

Nhiều thí sinh năm trước xuất hiện trong các cuộc thi năm sau

Điều đáng nói, tiếng là các cuộc thi tìm kiếm tài năng nhưng chỉ sau một hai mùa, người chưa thành tài năng năm trước lại trở lại tìm kiếm cơ hội trở thành tài năng năm sau. Vì thế, trên truyền hình nhan nhản các gương mặt cũ. Gần đây trong “The Voice”, khi giải Nhất dòng nhạc nhẹ Sao Mai Hà Linh xuất hiện làm khán giả quá đỗi giật mình. Vì Hà Linh không chỉ là một thí sinh quen mặt, cô đã trở thành ca sĩ chuyên nghiệp, đi hát trong nhiều chương trình nghệ thuật lớn. Ngay sau đó, giọng ca làm bùng nổ sân khấu “The Voice” lại xuất hiện thêm Dương Hoàng Yến, một cô gái từng lọt top 12 Sao Mai điểm hẹn 2008 khi 17 tuổi, là giọng ca trong một nhóm nhạc có tiếng. Đặc biệt, cô từng tốt nghiệp Thủ khoa Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội và hiện làm giảng viên tại đây.

Trường hợp hot boy Bùi Anh Tuấn cũng từng tìm kiếm cơ hội nhiều lần ở các cuộc thi hát trước như “Tiếng ca học đường”. Đức Quang, Hồng Dương cũng tương tự. Chưa kể, có nhiều thí sinh trong “The Voice” năm nay từng là thí sinh cũ của cuộc thi năm trước, thí sinh của các cuộc thi trước đó.  Tương tự như thế, trên sân khấu “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”, nhiều thí sinh thi năm trước lại xuất hiện trong cuộc thi năm sau.

Trường hợp này cũng xảy ra ở sân khấu khiêu vũ. Sau sự thành công của “Bước nhảy hoàn vũ”, hàng loạt cuộc thi nhảy nhót ở mọi lứa tuổi cũng được mua format về Việt Nam. Và cuộc đấu của những tài năng từ nhí đến người lớn liên tục tiếp diễn. Nhưng điều đáng nói, dường như tài năng tìm được từ các cuộc thi năm sau càng ngày càng kém tài hơn cuộc thi năm trước. Cũng như vậy, hoa hậu, người đẹp ngày càng kém sắc hơn trước đây.

Một giám khảo của “The Voice Kids”, ca sĩ Lưu Hương Giang từng thừa nhận, các cuộc thi mọc lên như nấm thực sự là tài năng cũng cạn kiệt rồi.

Đừng để ảo tưởng mọc ra từ những lời khen

Tuy thế, trong tất cả các mùa, các chương trình phát sóng vẫn giữ đúng format của chương trình mua lại, giám khảo có nhiệm vụ “tung hoa” và hò hét, ca ngợi tài năng của thí sinh. Đến nỗi, khán giả còn đọc lời bình luận của giám khảo “Vietnam Got Talent”, người mẫu Thúy Hạnh trước cả khi chị buông lời: “Tôi thích tiết mục của bạn, bạn rất tuyệt vời”. Hoặc trong “The Voice”, mọi người gần như đoán ra đáp án của Mr Đàm khi ca ngợi thí sinh: “Em chính là một tài năng, hãy về với đội của anh, anh sẽ làm cho em tỏa sáng”. Phải nói, nếu trong showbiz, sự cạnh tranh gay gắt diễn ra ở mọi ngõ ngách và hiếm khi người ta thấy người cùng nghề ngồi ngợi khen nhau. Nhưng khi xuất hiện ở cuộc thi, vẫn những gương mặt đó không tiếc lời khen ngợi: Em rất tuyệt vời, giọng hát của em quá đỉnh, em tài năng thế, sao bây giờ mới xuất hiện… là những mỹ từ được buông ra không giới hạn.

Không ai kiểm soát được sự chân thành trong những lời khen trên sóng truyền hình ấy. Nhưng rõ ràng, mỗi người trong cuộc chơi là các thí sinh phải tự kiểm soát bản thân mình, không để những lời khen ấy làm mình ảo tưởng. Trên thực tế, trong nhiều cuộc thi, nếu là thi hát, người hát hay nhất chưa chắc có cơ hội nổi tiếng bằng người có ngoại hình đẹp. Trong các cuộc thi hoa hậu, chưa chắc người đẹp nhất là hoa hậu. Đó là những nghịch lý đã xảy ra. Vậy nên, những Hà Linh, Dương Hoàng Yến đang dự thi, chưa chắc đã có nhiều hy vọng. Dù giọng hát của các cô gái này không phải bàn về kỹ thuật.

Nhưng cũng như thế, các cô từng được đánh giá cao ở những cuộc thi lần trước, được khen ngợi ở cuộc thi hiện tại nhưng đường sự nghiệp vẫn long đong. Bởi ở showbiz Việt hiện nay, tài năng là thứ gì thực mà lại vô cùng khó xác định. Bởi thời của những chiêu trò đã và đang lấn lướt những gì là đích thực. Và còn nữa, nếu không đủ tỉnh táo và khôn ngoan, lời khen chính là thứ đưa các cô vào ma trận rồi lại hạ gục các cô trên đường tìm kiếm cơ hội. Bởi truyền hình thực tế là cái nôi của các chiêu trò. Cho dù, ở cuộc thi năm nay, với huấn luyện viên toàn nhạc sĩ, diva có tiếng, nhưng điều đó sẽ giảm thiểu hay không, hồi sau mới rõ. Bởi nhãn tiền là các cuộc thi vừa qua, đầy điều tiếng bất ngờ.

Trong thế giới phù phiếm và đầy ảo tưởng đó, công việc của một người làm nghệ thuật, ngoài tài năng còn cần đến nhiều đam mê, mài giũa và hơn cả là sự tỉnh táo. Thời gian qua đã chứng minh, nếu những ai dành thời gian và coi trọng việc tự học, tự mài giũa, người đó sẽ có con đường dài để đi. Còn những thí sinh bị cơn mưa lời khen cuốn đi, từ đó không biết kiểm soát bản thân thì sẽ rơi vào tình trạng “sớm nở tối tàn”. Trường hợp của Uyên Linh Idol và Bùi Anh Tuấn The Voice có thể thấy rõ điều đó. Sự xuất hiện trên báo chí là quan trọng, sự nổi tiếng là cần thiết đối với người làm nghệ thuật. Thế nhưng, trên thực tế, những người có thể sống bằng nghề một cách đàng hoàng như trường hợp những Tấn Minh, Lưu Hương Giang, hay cả Uyên Linh Idol, họ đều biết cách né mình trước truyền thông một cách thông minh, biết xuất hiện khi cần thiết. Sự tiết chế chứ không phải sự khen ngợi, tâng bốc là thứ giúp họ đi được bền lâu với nghề.

Tài năng là thứ phải tìm kiếm và lâu lâu mới xuất hiện. Chẳng ở đất nước nào có nhiều tài năng đến thế. Tuy nhiên, không chỉ có tài năng bẩm sinh, mà sự rèn luyện và đam mê thực sự cũng có thể đưa con người tới thành công. Những cuộc chơi trên sóng truyền hình là cầu nối đưa những đam mê đến gần công chúng, nhưng đừng ảo tưởng rằng, sau show truyền hình đó mình đã có đủ hành trang để bước vào nghề. Bởi show truyền hình sinh ra là để kiếm tiền hơn là kiếm tài năng. Đó là thực tế.

Linh Chi

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.