Suy ngẫm từ những ngày cuối năm

16:12 | 09/01/2012

1,043 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cuối năm, mọi người thường viết tổng kết về những mặt được và hạn chế trong nhiều lĩnh vực của năm qua. Tôi thì lang thang đi tìm cảm xúc khác, về những nét đặc trưng mà chỉ có những ngày cận tết, những ngày mùa đông rét mướt chỉ Hà Nội mới có…

Hà Nội những ngày này bắt đầu chìm trong giá rét, có nơi chỉ 9-10oC và nhiều đống lửa đã được nhóm lên trên đường phố để sưởi ấm. Ở thành phố Hồ Chí Minh, dù không lạnh tái tê như Hà Nội, song cái lạnh về khuya những ngày cuối năm cũng làm cho Sài Gòn thêm phần se sắt. Cái co ro của những người lao động về đêm nơi góc phố Hà Nội, Sài Gòn cũng làm nhiều người cảm nhận một vẻ mặt khác của những nơi phồn hoa đô thị bậc nhất nước ta. Phía sau những đống lửa này không chỉ là cái rét tái tê của chuyện thời tiết mưa phùn, gió bấc mà đó là gương mặt thật của một Hà Nội, Sài Gòn cần lao. Trong cái giá rét tái tê, nhiều đống lửa được đốt lên từ những người bán hàng rong, những anh xe ôm. Đống lửa giúp họ sưởi ấm thân mình khi chờ khách, đống lửa nhỏ mang lại chút hồng hào tạm bợ cho những gương mặt xạm đen vì sương gió. Đó là một khuôn mặt khác của Hà Nội những ngày cuối năm. Một khuôn mặt dường như không ăn nhập vào đâu so với những góc phố nơi họ dừng chân. Những góc phố Hà Nội đang bập bùng ngọn lửa của giới cần lao có giá trị rất cao. Mỗi mét vuông đất ở đó được thị trường định giá từ 200 đến 300 triệu đồng và một ngôi nhà nhỏ cũng trở thành tài sản của triệu phú đôla.

Cái rét tái tê dường như khiến Hà Nội trở nên quyến rũ với những hàng cây se sắt tạo dáng u hoài trầm mặc bên phố cũ. Nhưng cái rét tái tê của những ngày đông cũng làm người ta thấy Hà Nội hay Sài Gòn thật hơn với những dáng vẻ của những con người cần lao đốt lửa sưởi dưới đường. Những con người co ro, cúm rúm bên lửa hồng khiến người ta nhất thời quên đi lớp vỏ hào nhoáng của thành phố được cố công bày biện, trang hoàng thời gian qua. Ngày đông, có những đống lửa hồng khiến ta nhớ rằng có những câu chuyện thời sự đáng quan tâm hơn rất nhiều.

Sự chênh lệch khủng khiếp về mức sống của những con người cùng thành phố. Người nghèo ở Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh không phải là cá thể bởi những đống lửa hồng, những con người co ro kia không phải chỉ xuất hiện ở vài góc phố. Những con đường dài hun hút gió, bất kỳ góc khuất nào cũng nhen lên trước đống lửa hồng, những con người co ro. Những anh xe ôm trên vỉa hè đường Giải Phóng, chị bán mũ bên đường Láng, những người bán hoa tươi trên đường Hồ Tùng Mậu… họ sưởi ấm thân phận mình bằng những thứ cỏ rác bỏ đi. Chỉ có cái rét tái tê như thế này, chỉ dưới những ánh lửa thì người ta mới dễ dàng nhận ra một phần của Hà Nội, Sài Gòn dưới dáng vẻ co ro đến thế. Khoảng cách giàu nghèo là điều tất yếu phải nảy sinh trong quá trình phát triển kinh tế. Song, thật khó có thể quen khi khoảng cách này bỗng dưng quá lớn, thật khó quen khi sự chênh lệch ấy không phải lỗi ở những người nghèo mà chính sự quyết tâm kéo gần khoảng cách người nghèo còn quá thiếu.

Khi tiếng nói của người nghèo không tác động được đến những chương trình, chính sách dành cho chính họ thì những chính sách ấy sẽ trở nên méo mó và khó lòng tiếp cận với thực tiễn. Và khi đó người nghèo chỉ có thể tìm những cơ hội nhỏ nhoi để tồn tại và thoát nghèo; đó là hy vọng có những đứa con ngoan, học giỏi để đổi đời. Niềm hy vọng ấy cũng nhỏ bé vô cùng, nhỏ bé như những đống lửa hồng mùa đông nơi góc phố!

Các chuyên gia kinh tế và xã hội dự báo năm 2012 sẽ là năm căng thẳng của vấn đề di dân, thanh niên và thất nghiệp; khủng hoảng kinh tế sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của mỗi cá nhân và gia đình. Tôi còn nhớ tết năm rồi, trong lần đưa tin về 4 thanh niên ở Bình Dương bị bắt vì tội ăn cướp, 4 thanh niên ấy khai với Công an Bình Dương rằng: “Bọn cháu không có tiền về quê ăn tết, chẳng biết làm sao nên rủ nhau đi cướp. Dạ đây là lần đầu ạ!”. Cả 4 còn rất trẻ, lớn nhất là 25, người bé nhất 18 tuổi, tất cả đều quê ở Nghệ An, Hà Tĩnh vào Bình Dương làm công nhân. Tiền lương không đủ sống, thưởng tết cũng không, ngày tết đã cận kề, nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ nhà, nhớ quê! Nhưng đi ăn cướp quả là một lựa chọn sai lầm và ngu ngốc! Những ngày tết ngồi ở trại giam, chắc những chàng trai trẻ tuổi sẽ có điều kiện để nghĩ nhiều hơn về cái giá phải trả cho sự bồng bột và sốc nổi của mình. Song, họ nghĩ đi rồi nghĩ lại, nghĩ tới nghĩ lui vẫn chỉ thấy là mình sai lầm và ngu ngốc nhưng chẳng thể biết thế nào mới là đúng, là khôn. Không phải thanh niên nào thiếu tiền về quê ăn tết cũng nghĩ đến việc đi ăn cướp như những chàng trai kia. Song sự bế tắc về sinh kế như những chàng trai kia thì đã là chuyện của đa số của những người cùng hoàn cảnh.

Những người di cư ra thành phố, họ buộc phải chấp nhận vị trí của công dân hạng 2 với đủ những thiệt thòi. Từ việc tiếp cận đến những dịch vụ công đến việc tiếp cận những phúc lợi xã hội. Một phần trong số họ có xu hướng thể hiện sự phản kháng với vị trí của mình và bộc lộ qua những hành vi tiêu cực, điển hình là trộm cướp. 4 chàng trai trẻ đi ăn cướp lấy tiền về quê ăn tết trên không phải là tội phạm chuyên nghiệp, chưa tiền án tiền sự. Hành vi ăn cướp của họ chỉ nảy sinh nhất thời do hoàn cảnh. Tuy nhiên, nếu không bị bắt ngay lần ấy thì rất có thể hành động đó sẽ lặp lại và hành động đó là con đường khá truyền thống để hình thành nên các băng nhóm tội phạm. Từ đó cho thấy tình trạng bất ổn xã hội từ đời sống thanh niên nhập cư là vấn đề quan trọng của cuộc sống hôm nay.

Hình ảnh đống lửa và câu chuyện 4 thanh niên ăn cướp của những ngày năm hết, tết đến khiến người ta phải nghĩ nhiều đến những vấn đề tưởng chừng nhỏ nhưng lại là vấn đề rất cấp bách của thời đại. Đó là người nghèo đô thị, là di dân nông thôn, là thất nghiệp, là đồng lương công nhân không đủ sống… Vấn đề này đã được nêu ra rất nhiều nhưng dường như chưa đi đúng hướng và chưa được quan tâm sâu sắc. Nó cần có một chiến lược quốc gia hơn rất nhiều so với những mục tiêu như chiến lược quốc gia về việc phát triển văn hóa đọc hay chương trình bình chọn Quốc hoa, Quốc phục, Quốc tửu… Thay cho những cuộc bình chọn phù phiếm như Quốc hoa, Quốc tửu đã đến lúc ta cần định hướng người dân đến những cuộc bình chọn thiết thực hơn như bình chọn những vấn đề quốc kế dân sinh phải ưu tiên thực hiện trong tương lai chẳng hạn…

Lê Trúc