Shell: Thương mại LNG toàn cầu tăng 6% vào năm 2021 trong bối cảnh giá khí đốt biến động

09:24 | 22/02/2022

781 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Reuters ngày 21/2/2022 đưa tin hôm thứ Hai (21/2), Shell cho biết thương mại toàn cầu về khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) năm 2021 tăng 6% so với cùng kỳ, lên 380 triệu tấn khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Shell cũng cho biết nhu cầu LNG sẽ tăng gần gấp đôi, lên 700 triệu tấn vào năm 2040, đồng thời khí hóa lỏng sẽ có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ năng lượng tái tạo và dự phòng trong trường hợp nguồn cung năng lượng không liên tục.
Shell: Thương mại LNG toàn cầu tăng 6% vào năm 2021 trong bối cảnh giá khí đốt biến động
Shell kiên trì mục tiêu phát triển LNG ngay cả khi giá LNG xuống mức thấp kỷ lục năm 2020, hiện kiểm soát 1/5 thị trường LNG và tin tưởng vào tương lai tương sáng. Ảnh:Shell.

Giá LNG đã từ mức thấp kỷ lục, dưới 2 USD/mmBtu vào năm 2020, tăng lên mức cao kỷ lục 56 USD/mmBtu vào tháng 10/2021 khi các thị trường vật lộn để theo kịp đà phục hồi của các nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch. Giá chuẩn LNG hiện đang ở mức 25 USD/mmBtu.

Giám đốc Shell về khí đốt, năng lượng tái tạo và các giải pháp năng lượng Wael Sawan cho biết thị trường năm 2021 đã cho thấy khí đốt và LNG đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc cung cấp năng lượng cần thiết cho cộng đồng trên toàn thế giới.

Shell cho biết cần phải đầu tư nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu LNG đang gia tăng, đặc biệt là ở châu Á. Trung Quốc và Hàn Quốc dẫn đầu tăng trưởng nhu cầu LNG trong năm 2021. Trung Quốc tăng nhập khẩu LNG từ 12 triệu tấn lên 79 triệu tấn và mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060 dự kiến ​​sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu LNG của Trung Quốc.

Shell: Thương mại LNG toàn cầu tăng 6% vào năm 2021 trong bối cảnh giá khí đốt biến động
Một dự án LNG của Shell ngoài khơi nước Úc. Ảnh:Shell.

Trong năm 2021, xuất khẩu LNG tăng trưởng bất chấp một số sự cố bất ngờ ngừng hoạt động, làm giảm khả năng cung cấp LNG cho việc giao hàng. Năm 2021 là năm mà Trung Quốc và các nền kinh tế lớn khác ở châu Âu và châu Á tranh giành nguồn cung cho hệ thống sưởi và sản xuất điện. Năm ngoái, các khách hàng Trung Quốc mua LNG đã ký hợp đồng dài hạn hơn 20 triệu tấn/năm.

Năm 2021, Mỹ dẫn đầu tăng trưởng xuất khẩu LNG với mức tăng cả năm là 24 triệu tấn. Mỹ có nguồn cung dồi dào, dự kiến ​​sẽ tăng thương mại LNG trong những năm tới. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự kiến ​​xuất khẩu LNG của Mỹ sẽ đạt 11,5 tỷ feet khối mỗi ngày (bcfd) vào năm 2022, trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, vượt qua Úc và Qatar./.

Thanh Bình