Rằm tháng Giêng: Đến hẹn lại… chen

20:39 | 24/02/2013

901 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Cứ đúng dịp Rằm tháng Giêng, người người đã đổ về các đình, chùa, phủ... để cầu khấn đầu năm khiến những nơi này trở nên quá tải và tạo cơ hội cho nhiều kẻ trục lợi.

Đền, chùa quá tải, cơm chay “cháy hàng”

Đúng dịp Rằm tháng Giêng năm nay, thời tiết khá thuận lợi cho việc lễ chùa. Từ tối 23/2, hàng nghìn người dân Thủ đô đã đổ dồn về phố Tây Sơn dự lễ dâng sao giải hạn tại tổ đình Phúc Khánh.

Nhiều người đến tổ đình này rất sớm, khoảng 8 giờ những người đến sau khó có thể chen vào trong đặt lễ, thắp hương.

Tại một số chùa lớn trên địa bàn Thủ đô như phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ, chùa Hà, chùa Thánh Chúa, đền Quán Thánh… đều chật cứng người, khói hương nghi ngút.

Chen chúc đi lễ Rằm tháng Giêng.

Sau khi dâng hương lễ Phật cầu an, hầu hết mọi người đều chọn ăn chay để tỏ lòng thành. Cũng vì thế, hầu hết các điểm bán đồ chay gần như “cháy hàng”. Lượng thức ăn được chuẩn bị gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với ngày thường mà vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu.

Theo một số nhân viên phục vụ tại các quán cơm chay Nàng Tấm (Trần Hưng Đạo), An Lạc (Hàng Cót), Khải Tường (Kim Mã)… dù đã chuẩn bị hơn 50 món ăn chay khác nhau nhưng chỉ sau hơn một giờ mở cửa, nhiều món đã được hết sạch.

Do nhu cầu người dân, cơm chay trở nên "đắt khách".

Một chủ cửa hàng đã kinh doanh đồ ăn chay được nhiều năm trên phố Linh Lang, Đội Cấn thì cho hay, vào những năm trước, lượng người đổ về quán ăn chay trong dịp Rằm tháng Giêng là rất cao. Cửa hàng phải tăng lượng thức ăn và gọi thêm nhân viên nhưng trong những khung giờ cao điểm vẫn không thể đáp ứng đủ nhu cầu của thực khách.

Chị Nguyễn Thị Khánh (Quảng Bá, Hà Nội) cho biết: “Cứ vào ngày Rằm và mùng Một, tôi lại cùng người thân trong gia đình đi chùa và ăn chay cả ngày để tỏ lòng thành tâm và mong muốn một năm lao động mới có nhiều sức khỏe và may mắn”.

Được dịp “chặt, chém”

Rằm tháng Giêng nào cũng thế, tất cả các chùa, đình, đền dù to hay nhỏ đều tổ chức khóa lễ, nhà nhà làm cơm, dâng chút hương hoa thơm cúng tổ tiên. Điều này khiến giá cả một số loại hàng hóa, dịch vụ tăng đột biến.

Mặc giá cao, khu trông xe của phủ Tây Hồ luôn đông nghịt.

Các loại thực phẩm, rau xanh tăng giá từ 20 đến 50%. Các đồ cúng tăng “phi mã”. Nếu như thường ngày một cặp trầu cau chỉ có giá từ 2 đến 3 nghìn đồng thì ngày Rằm có giá từ 7.000 đến 10.000 đồng. Một cành hoa hồng có lộc, nụ có giá từ 8.000 đến 15.000 đồng. Đặc biệt, dịch vụ đổi tiền lẻ trước cổng các đền, chùa hốt bạc với tỷ lệ 7/10 hoặc 8/10 (tức là 100 nghìn đồng đổi được 70 hoặc 80 tờ tiền có mệnh giá 1.000 đồng).

Cùng với đó, dịch vụ trông giữ xe mọc lên nhan nhản, thi nhau “chặt chém” du khách. Cụ thể, giá vé xe đạp ngày thường chỉ 1.000 đồng/lượt gửi thì nay tăng lên 5.000 đồng/lượt; xe máy phổ biến với mức giá 10.000-20.000 đồng/lượt gửi, tăng từ 5.000-15.000 đồng/lượt tùy theo địa điểm. Còn gửi ôtô thì được hét giá “trên trời”, theo quy định của thành phố là 30.000 đồng/lượt gửi, nhưng nhiều bãi đỗ xe thu từ 50.000-100.000 đồng/lượt…

Người người đi lễ, dịch vụ ăn theo xung quanh các đền, chùa vì thế đua nhau tăng giá, khiến những không gian thiêng trở nên xô bồ, lộn xộn.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc