Quên tết trồng cây?

15:09 | 14/02/2016

1,508 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước đây, ngày mồng 5 tết được các địa phương trong cả nước tổ chức trồng cây. Lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể từ Trung ương tới địa phương đều tham gia trồng cây với toàn dân. Nhưng mấy năm gần đây, việc phát động tết trồng cây có phần xao nhãng, không thấy rầm rộ như trước nữa. 
quen tet trong cay
Trồng cây đầu xuân là nét đẹp văn hóa của người Việt.

Đã qua dịp nghỉ tết Nguyên Đán mà chưa thấy nơi nào tổ chức ra quân trồng cây cả. Có lẽ các quan chức bận nhiều việc quá, nhân dân thì mải lễ hội và lo kiếm ăn nên đã quên luôn tục lệ trồng cây đầu năm mới mà từ ngày 28/11/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây”.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có rất nhiều điều phải làm, trong đó có việc trồng cây, gây rừng mà Bác từng nhắc nhở toàn dân phải chăm lo “vì lợi ích 10 năm”. Bây giờ các địa phương quên trồng cây, gây rừng thì chứng tỏ đã quên lời Bác dạy và không học tập và làm theo Bác!

Sinh thời, mùa xuân Kỷ Dậu năm 1969, sức khỏe của Bác đã giảm sút, việc bố trí để Bác trồng cây ở một địa phương nào đó theo ý của Bác là một vấn đề rất khó khăn. Những người phục vụ Bác rất lo lắng nên nhiều lần đề nghị Bác hoãn lại việc trồng cây. Nhưng Bác rất kiên quyết. Người nói: “Đây là dịp kỷ niệm 10 năm ngày phát động Tết trồng cây nên các chú phải bố trí cho Bác trồng cây ở một địa phương nào đó có nhiều thành tích...”. Sau đó, Bác gợi ý chọn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây là nơi có phong trào trồng cây tốt.

Đã từng thành tập quán, nhiều năm sau đó, mỗi độ Tết đến, Xuân về, Bộ NN&PTNT phối hợp với Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” theo chỉ đạo của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Năm nay, buổi lễ này dự kiến được tổ chức long trọng tại khu cách mạng tỉnh Tuyên Quang.

Ngay trong tháng 12/2015, Bộ NN&PTNT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương cả nước phát động phong trào trồng cây gây rừng và tổ chức Tết trồng cây Xuân Bính Thân 2016 phù hợp, thiết thực, hiệu quả, coi như hoạt động có ý nghĩa chào mừng thành công Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là cuộc thi đua “tốn kém ít mà hiệu quả nhiều”, “một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người, từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng thực hiện nghiêm túc. Hơn nữa, phải làm sao cho toàn dân tự giác tham gia phong trào chứ không chỉ làm lễ phát động rồi mấy vị lãnh đạo đến trồng mấy cây lưu niệm ở những khu di tích.

Cây xanh bảo vệ môi trường sống cho con người nên quốc gia nào cũng quan tâm đến trồng rừng và trồng nhiều cây xanh quanh môi trường sống. Ở nước ta, tình trạng phá rừng đầu nguồn, khai thác gỗ trái phép xảy ra ở nhiều nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thời tiết, khí hậu, gây lụt lội và lũ quét, thiệt hại rất lớn đến đời sống người dân. Ở miền núi và trung du, nhiều diện tích đồi núi trọc chưa được phủ cây xanh, mất rừng. Ở nhiều đô thị và khu dân cư, tỷ lệ cây xanh cũng chưa đáp ứng nhu cầu cần thiết. Có thành phố còn thay thế cây bóng mát bằng loại cây cao vút, tán lá nhỏ. Vì thế, việc trồng rừng ở miền núi và trồng cây bóng mát ở đô thị vẫn là vấn đề cấp thiết lâu dài.

Trước tình trạng phá rừng bừa bãi, thiếu bóng mát cây xanh nơi đô thị và các khu công nghiệp, môi trường ngày một ô nhiễm, nếu không duy trì phong trào trồng cây, gây rừng thì đời sống con người ở đất nước gần 100 triệu dân còn tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thế mà phong trào thi đua trồng cây, gây rừng lại bị nhiều nơi quên lãng là điều đáng báo động. Càng tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta càng phải có ý thức bảo vệ môi trường mà trồng cây xanh là nhu cầu không thể thiếu!

Cần khôi phục lại phong trào trồng cây gây rừng ngay từ mùa xuân này!

Đức Toàn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc