Quan hệ Mỹ - Cuba: Còn vướng ở đâu?

12:20 | 21/03/2016

1,513 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama tới Cuba được coi là đỉnh cao ngoại giao giữa hai cựu thù Chiến tranh Lạnh. Đâu là những chướng ngại vật còn lại trên con đường bình thường hóa quan hệ giữa hai nước?
quan he my cuba con vuong o dau
Cờ Mỹ và Cuba trên ban công một ngôi nhà ở phố cổ La Habana

Mối quan hệ không thể đảo ngược

Ngày 20-3, Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt đầu thăm chính thức Cuba - chuyến thăm thứ hai của một Tổng thống Mỹ đương nhiệm tới quốc đảo Caribe này trong 88 năm qua, được coi là một bước tiếp theo hướng tới chấm dứt hơn nửa thế kỷ quan hệ lạnh nhạt và đối địch giữa hai bên.

Trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Obama, hai bên đã có một loạt động thái tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực như khôi phục dịch vụ bưu chính - điện thoại trực tiếp giữa hai nước, ký bản ghi nhớ về hợp tác trắc địa và thủy văn. Mỹ xóa tên Cuba khỏi danh sách những quốc gia không có đủ các biện pháp đảm bảo an ninh tại bến cảng, qua đó gỡ bỏ một rào cản lớn đối với hoạt động di chuyển tự do của tàu thuyền tại eo biển Florida; đồng thời công bố những biện pháp tạo điều kiện cho công dân đi du lịch Cuba, xóa bỏ một số hạn chế về đi lại áp dụng với người dân Cuba; cho phép La Habana tiếp cận dễ dàng hơn các thực thể tài chính của Mỹ và dỡ bỏ những hạn chế đối với việc sử dụng đồng USD trong các giao dịch tại Cuba.

Kể từ sau tuyên bố lịch sử khôi phục quan hệ ngoại giao tháng 12-2014, quan hệ giữa Mỹ và Cuba đã ghi nhận những bước cải thiện đáng kể. Tháng 7-2015, Mỹ và Cuba cũng đã mở lại đại sứ quán tại thủ đô mỗi nước sau hơn nửa thế kỷ gián đoạn; đồng thời khôi phục quan hệ trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, thương mại, viễn thông. Hai bên cũng đã nối lại các chuyến bay thẳng trực tiếp.

Hôm 17-3, Cuba đã có một số quyết định được xem là quà tặng cho Obama, trong đó có việc bỏ thuế đánh trên đồng USD và cho phép một số nhà đối lập sang Mỹ.

Vật cản lớn nhất hiện nay cho quá trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước là lệnh cấm vận của Mỹ với Cuba. Chỉ có quốc hội Mỹ mới có quyền thông qua lệnh dỡ bỏ cấm vận Cuba. Nhưng đảng Cộng hòa còn đang chần chừ, muốn sử dụng con bài này để mặc cả chính trị với đảng Dân chủ của Tổng thống Obama. Chính vì thế, trong chuyến thăm Cuaba, ông Obama dẫn theo một phái đoàn gồm các nhà lập pháp của cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa. William Leogrande, giáo sư trường Đại học American, nói: “Ông Obama phải chứng minh là chính sách ấy mang lại kết quả, rằng nó đem lại kết quả trong lãnh vực thương mại, rằng nó đem lại kết quả trong lĩnh vực ngoại giao. Để cho vị tổng thống sắp tới, cho dù là ai đi nữa, sẽ nhìn vào những gì ông Obama đã làm với Cuba và nói rằng ‘Chính sách này có tác dụng. Nó đem lại lợi ích cho quốc gia’”.

Nhà Trắng nói chuyến thăm lịch sử của ông Obama nhắm mục tiêu làm cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa hai nước “không thể đảo ngược được” dù sau này đảng Cộng hòa có lên nắm quyền đi chăng nữa.

Mỹ được gì ở Cuba?

Theo giới quan sát, việc quốc hội Mỹ dở bỏ lệnh cấm vận Cuba sẽ sớm được thông qua vì chính quyền lợi của các doanh nghiệp Mỹ. Việc Cuba được xóa bỏ lệnh phong tỏa cấm vận sau gần 60 năm được coi là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Mỹ. Báo Les Echos của Pháp vừa có bài phóng sự điều tra mang tiêu đề: “Nước Mỹ định tràn sang Cuba thế nào?”. Ngay từ lúc này, khi mà tiến trình hòa hợp Mỹ - Cuba mới chỉ có thể gọi là hé mở, Les Echos nhận thấy lĩnh vực Internet đã đi tiên phong đổ bộ lên hòn đảo tự do. Không chờ đợi, các nhà kinh doanh từ nước Mỹ đã tận dụng công cụ Internet để có thể nhảy vào Cuba sớm. Internet giúp cho họ tiếp cận thị trường mà không phải bỏ một đồng xu trực tiếp nào vào Cuba.

Các địa chỉ về dịch vụ du lịch như Airbnb đã bắt đầu hoạt động quảng bá tiếp cận khách hàng. Amazon đang tính những tháng tới sẽ mở dịch vụ chuyển hàng về Cuba. Ngay từ giờ, người Cuba lướt trên mạng khi chọn một sản phẩm nào đó có thể đã bắt gặp đi kèm theo mục “Gửi đến Cuba”. Chức năng này chưa hoạt động nhưng nó cho thấy các doanh nghiệp đã khởi động công đoạn thử nghiệm và đã sẵn sàng tràn vào Cuba một khi rào cản được gỡ bỏ. Ngoài Amazon, Netflix, chuyên về phim ảnh trên mạng, cũng đã bắt đầu khởi động các dịch vụ cho Cuba.

Facebook còn có tham vọng lớn và xa hơn khi mở một cuộc thi mã hóa tin học để tìm cách tốt nhất xâm nhập vào hòn đảo, mời các chuyên gia tin học hàng đầu tham gia cuộc thi để nghiên cứu làm thế nào để triển khai các ứng dụng đơn giản, phù hợp với tốc độ đường truyền Internet chậm chạp như ở Cuba.

Chưa bao giờ hòn đảo Cuba lại được các doanh nghiệp và các nhà chính trị Mỹ quan tâm đổ xô đến như bây giờ. Ông chủ của Google cách đây không lâu cũng đã tới Cuba. Không muốn là kẻ chậm chân, Hoa Vi, tập đoàn tin học hàng đầu Trung Quốc, đang thương lượng với chính quyền La Habana để mở mạng lưới thương mại đầu tiên của họ trên hòn đảo. Hàng loạt các ông chủ như của hãng hàng không Jet Blue, dược phẩm Pfizer, tài chính có MasterCard hay thực phẩm .... lần lượt theo chân các nhà chính trị đã đến Cuba thăm dò, tìm hiểu.

Nhiều công ty du lịch, ngân hàng của Mỹ đã chuẩn bị tấn công vào Cuba, mặc dù cấm vận vẫn còn là rào cản lớn cho hoạt động đầu tư của các công ty này. Frank Del Rio, một kiều dân Cuba rời khỏi quê hương khi mới 7 tuổi, hiện là chủ một công ty tàu biển lữ hành lớn hàng đầu thế giới Norwegian Cruise Line tại Miami. Ông này cho hay: “Ngày mà Washington thông báo gỡ bỏ cấm vận, ông sẽ lấy chuyến bay đầu tiên tới La Habana đề về thăm quê và ngay buổi chiều đó ông sẽ tới gặp chính quyền để hỏi xem vấn đề thuế má ra sao đối với các chuyến tàu lữ hành của ông trong tương lai”. Suy nghĩ của doanh nhân này cho thấy một thực tế hiện nay các chủ danh nghiệp ở Mỹ đang sẵn sàng tất cả để được đầu tư vào mảnh đất Cuba duy nhất còn hoang sơ trong thế giới toàn cầu hóa ngày nay.

Ngày 20-3, Starwood là công ty khách sạn của Mỹ đầu tiên ký hợp đồng làm ăn với Cuba kể từ cuộc cách mạng năm 1959 trên đảo quốc này.

Ngoài lợi ích về kinh tế, Mỹ còn thu về được cả uy tín chính trị từ việc dở bỏ phong tỏa Cuba. Trước giờ vai trò của Mỹ tại khu vực sân sau, Mỹ Latinh, đã bị suy yếu do điều mà các nhà phân tích cho là tình trạng suy giảm kinh tế của Mỹ và do mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba.

Việc Mỹ cấm vận Cuba đã là một vấn đề đối với các chính phủ châu Mỹ Latinh trong nhiều năm qua. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Cartagena, Colombia, năm 2012, các nhà lãnh đạo trong vùng đã phản đối việc Washington loại trừ chính quyền La Habana ra khỏi các cuộc họp này. Ngoài ra, Mỹ còn bị nhiều nước Mỹ Latinh phản đối việc thiết lập các căn cứ quân sự tại khắp khu vực châu Mỹ Latinh, trong đó có cả ở Cuba (Vịnh Guantánamo), Brazil, Puerto Rico, và Honduras.

Việc Mỹ hôm 9-3 tuyên bố Venezuela là một mối đe doạ an ninh quốc gia đồng thời tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào hàng loạt quan chức cấp cao của Venezuela đã gây ra một làn sóng phản đối gay gắt của các nước châu Mỹ Latinh. Các nước này đã thể hiện tinh thần đoàn kết với Venezuela trong cuộc đối đầu với Mỹ. Nhưng tại Thượng định châu Mỹ sau đó, Tổng thống Obama đã có cuộc gặp chớp nhoáng với Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro. Theo ông Maduro, cuộc gặp đã diễn ra một cách nghiêm túc và thực chất. Đây có thể là động thái mở đường cho các cuộc đối thoại giữa hai nước trong tương lai. Như vậy có thể thấy, khi bình thường hóa quan hệ với Cuba, Mỹ đã có cơ hội để tăng cường mối quan hệ với các nước châu Mỹ Latinh sau một thời gian dài lạnh nhạt.

Du lịch Cuba tăng vọt

Với Cuba, việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ sẽ mở ra một thị trường tiêu thụ mới và đầy tiềm năng. Xét về mặt kinh tế-xã hội, Cuba có lợi rất nhiều khi các giao thương, trao đổi được mở lại với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Còn về mặt chính trị thì trước mặt chưa thể đánh giá được tác động của quyết định trên.

Sự xích lại gần nhau với Mỹ đã giúp ngành du lịch Cuba tăng vọt. Theo thống kê chính thức, các chuyến thăm của du khách Mỹ - nhờ các điều kiện dễ dàng mà ông Obama đã ban hành - đã tăng 50,1%. Lượng du khách Pháp tăng 28,5%, Anh 27,5% và Đức 21,7%. Riêng Canada, nước đứng đầu về số khách đến Cuba, chiếm 1/3 trong số 3 triệu du khách đến đảo năm 2014, thì trong 6 tháng đầu 2015 đã tăng thêm 13,2%.

Đối với các chuyên gia, số liệu khả quan bất ngờ của du lịch Cuba trong nửa đầu năm 2015 không xa lạ gì với tiến trình bình thường hóa bang giao với Mỹ, được công bố vào trung tuần tháng 12-2014 sau hơn nửa thế kỷ thù địch.

Kinh tế gia người Cuba Pavel Vidal, thuộc trường đại học ở Colombia ghi nhận: “Trong bối cảnh quốc tế mới của Cuba, du lịch có vẻ là lĩnh vực sẽ được hưởng những tác động tích cực nhất…Khu vực này sẽ thu hút các dự án đầu tư và địa ốc nước ngoài, chuẩn bị đón bước tiếp theo trong chính sách của Mỹ là cho đi du lịch Cuba một cách hoàn toàn tự do”.

Các hệ thống khách sạn lớn trên thế giới, các hãng hàng không và hàng hải đã đua nhau tiến hành thủ tục thiết lập các tuyến nối liền nước Mỹ với Cuba chỉ cách bang Florida của Mỹ khoảng 160 km. Du lịch bùng nổ quả là một cơ hội tốt cho Cuba, vì du lịch là một trong những nguồn thu ngoại tệ quan trọng cho quốc gia này. Trong năm 2014 chẳng hạn, du lịch đã mang về cho Cuba 2,6 tỷ USD, và nằm trong số ba khu vực kinh tế sinh lợi nhiều nhất của nước này.

Trở ngại nào cho quan hệ Mỹ-Cuba sắp tới?

Cho đến nay, yêu sách chủ yếu của Cuba vẫn là Washington phải bãi bỏ lệnh cấm vận vẫn còn đè nặng lên nền kinh tế đất nước. Tổng thống Obama đã yêu cầu Quốc hội tiến hành bãi bỏ cấm vận Cuba, nhưng ông đang gặp phải sự chống đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ của cả hai phe Cộng hòa và Dân chủ.

Ngoài yêu cầu bãi bỏ cấm vận, Chủ tịch Raul còn đòi Mỹ phải trao trả lại Cuba phần lãnh thổ “chiếm đóng trái phép” để xây căn cứ Guantanamo. Đáp lại các yêu sách về tài chính của phía Cuba, Mỹ đòi chính quyền La Habana trả lại các tài sản của công dân Mỹ bị tịch biên sau cuộc cách mạng của Fidel Castro, được ước lượng lên tới 7 tỉ USD, tính luôn cả tiền lãi.

Đó là chưa kể một số vấn đề khác chờ được giải quyết trong quan hệ giữa hai nước, như việc Cuba vẫn đòi Mỹ ngưng phát các chương trình phát thanh của cộng đồng Cuba lưu vong, được thực hiện với tiền tài trợ của chính phủ Mỹ. Washington thì đòi La Habana phải nhận về những người Cuba có tiền án tiền sự chạy sang Mỹ tỵ nạn.

Đặt mối quan hệ Mỹ-Cuba vào hoàn cảnh sắp tới, giới quan sát cho rằng nếu hai bên muốn đạt được những tiến triển mới, họ sẽ còn phải nỗ lực hơn rất nhiều. Tổng thống Obama sẽ hết nhiệm kỳ vào cuối năm 2016, còn Đảng Cộng sản Cuba đã ấn định lịch trình tổ chức Đại hội VII vào tháng 4-2016 và bầu cử toàn quốc vào năm 2018. Bước đầu của một trong những quá trình bình thường hóa quan hệ được quan tâm nhất trên trên thế giới đã xuôi, nhưng những bước tiếp theo liệu có lọt hay không thì chưa ai dám quả quyết.

quan he my cuba con vuong o dau

Obama thăm phố cổ Cuba dưới trời mưa tầm tã

Ngay khi Tổng thống Obama đặt chân xuống Cuba, trời bắt đầu mưu lâm thâm. Nhưng khi ông từ đại sứ quán mới mở cửa lại của Mỹ đi thăm phố cổ La Habana thì bầu trời thủ đô Cuba xám xịt, mưa như trút nước. Bất chấp trời mưa tầm tã, ông Obama vẫn quyết định thăm khu phố cổ La Habana.

quan he my cuba con vuong o dau

Tổng thống Obama đã nói gì khi đến Cuba?

¿Que bolá Cuba? (Cuba có khỏe không?). Đó là dòng Tweet bằng tiếng Tây Ban Nha đầu tiên của Tổng thống Obama khi đặt chân xuống sân bay Jose Marti ở La Habana, Cuba, vào lúc 16 giờ 15 (20giờ15 GMT).

quan he my cuba con vuong o dau

Mỹ-Cuba: Một sự khởi đầu mới

Chuyến đi của Tổng thống Obama tới thăm Cuba ngày 20/3 (theo giờ Mỹ) đang được nhiều người trông đợi như một cơ hội lịch sử để làm tan băng các quan hệ với La Habana.

S.Phương

Năng Lượng Mới