Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam

18:48 | 04/01/2022

74 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 21/12/2021, Hội thảo “Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức với sự hỗ trợ của Văn phòng UNESCO Hà Nội và Hội đồng Anh đã diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Ảnh minh họa.https://kinhtexaydung.petrotimes.vn
Hà Nội là thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ kế hoạch xây dựng Đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO do Bộ VH-TT&DL được Chính phủ giao chủ trì thực hiện.

Bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT&DL), cho biết: Đề án sẽ tập trung nghiên cứu tiềm năng, lợi thế về sáng tạo của một số thành phố Việt Nam như: TP HCM, Huế, Đà Nẵng, Hạ Long, Hội An, Đà Lạt và Vũng Tàu, từ đó đánh giá tổng hợp tính khả thi của việc hình thành mạng lưới thành phố sáng tạo của Việt Nam nằm trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) ra đời năm 2004. Hiện đã có 246 thành phố tham gia mạng lưới này và cùng hướng tới một mục tiêu chung: Đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương, tích cực hợp tác ở cấp quốc tế.

Tại Đông Nam Á hiện nay có hơn 10 thành phố sáng tạo, chủ yếu trong lĩnh vực thủ công nghiệp và thiết kế. Tháng 10/2019, Hà Nội đã được UNESCO công nhận là thành phố sáng tạo trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Một số thành phố ở Việt Nam như: TP HCM, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Hạ Long, Vũng Tàu, Đà Lạt có nhiều tiềm năng phát huy sáng tạo để phát triển bền vững, có khả năng tham gia vào mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO theo các tiêu chí cơ bản.

Các đại biểu tham dự hội thảo đã có nhiều ý kiến thiết thực để góp ý, gợi mở cho sự phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo ở Việt Nam. Đã đến lúc chúng ta cần hướng tới mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO; bảo tồn những di sản văn hóa bằng cách mang đến cho nó những cơ hội mới để trở thành một phần của môi trường sống đương đại, giúp xác định lại mô hình du lịch và tăng trưởng bền vững. Đó sẽ là một cách tiếp cận để bảo tồn di sản, đặt nền tảng văn hóa và di sản ở trung tâm của sự phát triển bền vững.

Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, việc các thành phố của Việt Nam tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO cần được tính toán, cân nhắc dựa trên tiềm năng của các thành phố và lựa chọn những lĩnh vực phù hợp. Việc này cần được thể hiện bằng ý chí chính trị, khoa học và sự đồng thuận của cộng đồng, vì khi tham gia vào mạng lưới này, có thể sẽ làm thay đổi bộ mặt của thành phố, thổi “luồng gió sáng tạo” vào từng “tế bào” của thành phố.

Hạnh Mai