Pháp sẽ theo xu hướng năng lượng nào?

16:02 | 28/04/2022

581 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp đã chính thức bắt đầu với màn tái tranh cử của Tổng thống Emmanuel Macron. Trọng tâm của các cuộc tranh cử là vấn đề điện hạt nhân, năng lượng tái tạo, đặc biệt khi cuộc chiến ở Ukraine đang khiến giá nhiên liệu tăng cao và làm lộ rõ sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga
Pháp sẽ theo xu hướng năng lượng nào?
58% người Pháp mong muốn thoát khỏi điện hạt nhân và phát triển năng lượng tái tạo

Người dân Pháp đang có các luồng ý kiến trái chiều, một số ủng hộ việc thoát khỏi điện hạt nhân trong khi một số khác ủng hộ duy trì điện hạt nhân. Theo một cuộc thăm dò của Viện Dư luận Pháp, 58% người Pháp nói rằng, họ sẵn sàng bỏ phiếu cho ứng cử viên mong muốn thoát khỏi điện hạt nhân và phát triển năng lượng tái tạo.

Điện hạt nhân - Duy trì hay bỏ?

Các ứng cử viên ủng hộ điện hạt nhân chủ yếu là ứng viên thuộc cánh hữu, theo đường lối cực hữu.

Bà Valérie Pécresse, người chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của Đảng Cộng hòa, nhấn mạnh khía cạnh sinh thái của điện hạt nhân: “Điện hạt nhân là năng lượng không phát thải khí carbon, cạnh tranh dựa trên dây chuyền công nghệ độc quyền tiên tiến của Pháp”.

Tổng thống Macron đã xem xét lại quan điểm của mình về điện hạt nhân. Năm 2017, ông Macron muốn giảm tỷ trọng điện hạt nhân trong hỗn hợp năng lượng của Pháp xuống 50%. Nhưng tháng 2-2022, ông Macron đã thông báo một kế hoạch lớn khôi phục điện hạt nhân, với mục tiêu vào năm 2050 xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới EPR2 và nghiên cứu xây dựng thêm 8 lò phản ứng bổ sung. Trong một thông báo khác, ông Macron muốn mở rộng tất cả các lò phản ứng có thể được mở rộng và tránh đóng cửa bất kỳ lò phản ứng nào, trái ngược với mục tiêu năm 2018 là đóng cửa 12 lò phản ứng.

“Chúng ta cần phải phục hồi năng lượng hạt nhân dân sự ở Pháp”, ông Macron nói trong khi các đối thủ của ông khẳng định: “Chúng ta sẽ không cần năng lượng hạt nhân”. Ông Macron thừa nhận: “Sự nghi ngờ của quốc tế về năng lượng hạt nhân trong một thập niên qua, một thời kỳ băng giá có thể thấy rõ sau thảm họa nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima. Một số quốc gia đã quay lưng lại với năng lượng hạt nhân. Tuy Pháp không đưa ra lựa chọn này, nhưng cũng không tái đầu tư vào điện hạt nhân. Dù đã có một sự gián đoạn trong quá khứ, nhưng giờ đây các điều kiện đã sẵn sàng cho sự phục hưng của ngành công nghiệp hạt nhân”. Tổng thống Pháp cam kết đầu tư vài chục tỉ euro cho dự án khôi phục năng lượng hạt nhân tại Pháp. Tập đoàn EDF sẽ xây dựng và vận hành các lò phản ứng hạt nhân EPR thế hệ mới.

Ông Éric Zemmour - nhà báo kiêm nhà văn của đảng cực hữu - thậm chí còn có ý định kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng hạt nhân hiện có lên 60 năm. Còn bà Marine Le Pen - ứng viên của đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” - không thể hiện mình là một người bảo vệ nhiệt tình năng lượng tái tạo. Bà cho rằng, năng lượng gió là sự phi lý về mặt sinh thái, kinh tế và chiến lược, khiến phát biểu của ông Éric Zemmour gây tiếng vang lớn.

Pháp sẽ theo xu hướng năng lượng nào?
Các ứng cử viên tranh cử Tổng thống Pháp năm nay

Trái ngược quan điểm, bà Anne Hidalgo, ứng cử viên của đảng Xã hội đồng thời là Thị trưởng Paris; ông Yannick Jadot, lãnh đạo đảng Sinh thái và ông Jean-Luc Mélanchon, lãnh đạo đảng Nước Pháp bất khuất (La France insoumise) đã bày tỏ mong muốn chung là từ bỏ lĩnh vực hạt nhân. Các ứng cử viên này đều muốn sử dụng năng lượng tái tạo. Do đó, họ muốn dần dần từ bỏ lĩnh vực hạt nhân. Theo lập trường của bà Anne Hidalgo, năng lượng hạt nhân phải là năng lượng chuyển tiếp cho phép chuyển đổi sang năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, ông Yannick Jadot, ông Jean-Luc Mélanchon đều nhấn mạnh sự thiếu triển vọng về điện hạt nhân.

Ngoài ra, ông Jean-Luc Mélanchon tuyên bố sẽ rút khỏi năng lượng hạt nhân vào năm 2045. Đối với ông, năng lượng hạt nhân không tương ứng với bối cảnh khí hậu hiện tại. Ông cũng nêu bật những mối nguy hiểm của điện hạt nhân và điều cốt lõi là phải tập trung vào việc đổi mới trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thống nhất phát triển năng lượng tái tạo

Tổng thống Macron thừa nhận một thực tế: Pháp đã bỏ lỡ các mục tiêu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và Pháp cần phải xem xét lại thời gian phát triển các dự án năng lượng tái tạo bằng cách đơn giản hóa các thủ tục.

Hiệp hội Năng lượng gió Pháp (FEE) đã hoan nghênh những tham vọng của Tổng thống Macron về kế hoạch xây dựng khoảng 50 trang trại điện gió, tức sẽ đạt được công suất 40 gigawatt trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi vào năm 2050.

Jean-Louis Bal, Chủ tịch Nghiệp đoàn năng lượng tái tạo (SER), vẫn giữ ý định phát triển năng lượng tái tạo kết hợp và mong muốn đẩy nhanh các dự án năng lượng tái tạo. Ông Bal đánh giá điện gió trên bờ nên phối hợp với điện gió trên biển, chứ không phát triển lệch như phát biểu của Tổng thống Macron.

Theo FEE, điện gió trên đất liền giúp bảo đảm cung cấp điện và ổn định giá cả.

Những tranh cãi đó sẽ được hoàn thiện trong năm nay để lộ trình phát triển năng lượng mới của Pháp (PPE) sẽ được thông qua vào năm 2023 và dự kiến thực hiện từ năm 2024 đến năm 2033. Ngoài các mục tiêu đó, SER yêu cầu kể từ bây giờ Nhà nước Pháp cần thực hiện thí điểm quá trình chuyển đổi năng lượng.

Tổng thống Macron cũng nói: Việc tiếp tục đầu tư vào các đập thủy điện và năng lượng tái tạo, chẳng hạn như điện sinh khối và khí sinh học, là rất cần thiết. Kế hoạch năm 2030 của Pháp là sẽ dành 1 tỉ euro cho sự đổi mới trong năng lượng tái tạo.

Năm 2017,Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn giảm tỷ trọng điện hạt nhân trong hỗn hợp năng lượng của Pháp xuống 50%. Nhưng tháng 2-2022, ông Macron thông báo một kế hoạch lớn khôi phục điện hạt nhân, với mục tiêu vào năm 2050 xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới EPR2 và nghiên cứu xây dựng thêm 8 lò phản ứng.

S.Phương