Phận thanh niên xung phong thời hậu chiến (Kỳ 2)

14:00 | 30/04/2013

1,055 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Những ngày lang thang ở Thái Bình, tôi bắt đầu thấm thía những mất mát của lịch sử mà lớp trẻ như chúng tôi chẳng bao giờ hiểu, muốn hiểu. Tôi ngộ ra rằng, chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống dù khó khăn đến đâu thì vẫn có những niềm hy vọng để con người bấu víu mà sống, mà hướng về tương lai. Nhưng với những cựu thanh niên xung phong (TNXP) mà tôi đã gặp thì lại khác. Họ đang phải sống một cuộc sống “lùi xa quá khứ” chứ không phải là cuộc sống “tiến về tương lai” như nó phải vậy…

Kỳ 2: Lay lắt giữa đời thường

Ký ức bi tráng

Nói đến lực lượng TNXP trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ người ta nhắc nhiều đến tên tuổi của các nữ Anh hùng gắn với các cung đường, các địa danh như: Ngã ba Đồng Lộc, cầu Hàm Rồng, Chuông Bồn, Núi Lấp… Có một địa danh mà ở góc độ nào đó vẫn đang còn khuất lấp đó là Ga Gôi (nay thuộc huyện Ý Yên, Nam Định) với những người xả thân cứu tàu đầy bi hùng và cũng là vụ nhiễm độc lớn trong lịch sử.

Ga Gôi là khu tập kết hàng hóa để chuyển vào chiến trường. Vì vậy nó là một trong các trọng điểm oanh tạc của máy bay Mỹ. Một trong những lần mà ta bị thiệt hại nặng nề nhất là vụ ngày 20/8/1966. Bà Nguyễn Thị Kiều, nguyên Tiểu đội trưởng của Đại đội TNXP C895 kể: Hôm ấy vào khoảng 17 giờ, đoàn tàu vừa đến Ga Gôi đang chờ lệnh vượt cầu Ninh Bình để đưa vũ khí, hàng hóa vào chiến trường thì bất ngờ một tốp máy bay địch đến thả bom, một số toa bị trúng bom và bốc cháy. Mọi người chạy vội ra ga để tham gia cứu hàng, cứu tàu.

Gần đầu tàu có một toa bốc cháy dữ dội, khói da cam mờ xanh từ đó bốc lên mù mịt và nồng nặc. Lúc ấy chẳng ai nghĩ gì, người thì lấy nước dập lửa, người thì bốc vác hàng từ trong toa ra. Mọi người quên cả đói mệt, đi lại liên tục như con thoi. Trong lúc đó, một đồng chí cán sự huyện đội vào trong toa kiểm tra thấy các thùng hàng có dán ký hiệu đầu lâu xương chéo liền báo với chỉ huy và ngay lập tức lệnh cấp cứu được phát ra.

Chị Nguyễn Thị Lương bên người con trai và 2 cháu ngây dại

Lúc này, một số nữ TNXP bị ngạt và ngất đi. Chị Phạm Thị Nhớn, đội viên TNXP của Đại đội 895 là người gục ngã đầu tiên và hy sinh tại chỗ. Tiếp theo, hàng loạt người tham gia cứu hàng, cứu tàu sùi bọt mép và ngã xuống ngất xỉu. Chỉ sau ít phút, số người ngất xỉu tăng lên chóng mặt. Anh chị em nằm la liệt ở sân đình thôn Phú Thứ.  Bệnh viện của huyện và tỉnh chật cứng bệnh nhân. Đến sáng hôm sau, 23 người gồm TNXP, công nhân đường sắt và dân quân địa phương đã hy sinh, 256 người khác bị nhiễm độc nặng phải cấp cứu.

“Thật không thể cầm lòng được khi chứng kiến cảnh đồng đội mình vật vã và tắt thở trong đau đớn. Có 12 TNXP của Đội 895 đã hy sinh, rất nhiều anh chị em bị nhiễm độc nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống sau này. Lúc ấy anh em tôi cũng chưa biết đó là loại chất độc gì mà gây hậu quả ghê gớm vậy. Sau này mới biết đấy là loại thuốc trừ sâu có độc tính rất cao, được vận chuyển với số lượng lớn…”, bà Kiều xúc động.

Trong kháng chiến chống Mỹ, quê lúa Thái Bình đã có tới gần 30.000 TNXP làm nhiệm vụ trên các tuyến đường huyết mạch. Hầu hết là những cô gái tuổi mười tám đôi mươi hồn nhiên trong sáng. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, họ tình nguyện “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Hầu hết các chị em đều gánh trọn hai nhiệm kỳ. Nhiệm kỳ đầu phải phơi mình dưới tầm mưa bom ác liệt ở các trọng điểm Núi Lấp, Núi Nhồi, Cầu Hàm Rồng, ga Minh Khôi, Núi Gôi và hàng chục trọng điểm giao thông vận tải những Bãi Cháy, Quảng Ninh những Phà Đen, Hà Nội, ga Hải Phòng, Cầu Đuống v.v...

Nhiệm kỳ 2 bắt đầu từ năm 1968, đơn vị TNXP của chị tại đường 12 Trường Sơn, đường 20 Quyết Thắng, ngoài những trận oanh tạc bất thần luôn là tầm ngắm, tầm rơi của các đợt bom tọa độ khủng khiếp. Bám trụ trên những cung đường Trường Sơn khói lửa.

Cảnh đơn chiếc, chị Dương Thị Bạn chỉ còn biết làm bạn với những con mèo

Chị Dương Thị Bạn, cựu TNXP C869 nhớ lại: “Vùng tuyến lửa Quảng Trị là trọng điểm đánh phá ác liệt của Mỹ - ngụy nhằm cắt đứt liên lạc, không cho lưu thông vận chuyển hàng, vũ khí, đạn dược, thuốc men... từ hậu phương vào tiền tuyến. Ngày cũng như đêm máy bay địch quần nát cả bầu trời, bom đạn xé tung những con đường. Trong lúc máy bay Mỹ bắn phá ác liệt, chúng tôi tay vác mìn, tay cầm cuốc xẻng, xông pha ra mặt đường vừa gỡ bom nổ chậm vừa san lấp hố bom… Khẩu hiệu của chúng tôi lúc đó là: “Máu có thể ngừng chảy, tim có thể ngừng đập, đường không thể tắc một giây”. Chúng tôi vừa lao động cật lực vừa hát bài “Cô gái mở đường” thật lãng mạn trên rừng Trường Sơn.

Có những chị em nặng chưa đầy 40kg mà vác những bao gạo nặng 50-70kg hằng tháng trời liên tục. Nhiều đêm cáng thương binh từ huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình ra Bệnh viện 46 Hà Tĩnh. Đường dài trên 50 cây số, một bên là núi cao, một bên là vực thẳm, giữa đường lầy lội… Phải tận dụng ánh sáng từ những tia chớp mà đi, vậy mà chị em vẫn cáng thương binh ra tuyến ngoài an toàn. Thời tiết ở đây vô cùng khắc nghiệt. Mùa khô phải đi bộ gần chục cây số mới lấy được nước về dùng, mùa mưa, nước trên thượng nguồn đổ về gập tràn cả đường đi.

Nhiều chị em phải ngâm mình cả ngày dưới nước để làm “cọc tiêu sống” cho những chuyến xe qua như ở ngầm Tân Đức. Mưa nhiều, đường lầy lội, chúng tôi phải vào rừng chặt tre về chống lầy cho đường, mặc cho vắt cắn vào đầu, vào cổ, thậm chí vào cả những chỗ kín…”.

Chị Nguyễn Thị Lương, cựu TNXP C895 nhớ lại hình ảnh khi máy bay Mỹ rà soát những cánh rừng rồi phun ra một chất màu trắng như sương, đồng đội không biết đó là chất gì nên cứ ngước lên xem, mấy ngày sau lá cây rụng hết, trơ cả thân, cây chết mòn... Mục đích của chúng là không cho bộ đội ta ẩn nấp, để phát hiện mục tiêu, tiêu diệt nhanh gọn.

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong tâm trí những TNXP vẫn hằn sâu hình ảnh đau thương về sự hy sinh của đồng đội. Có chị bị mảnh bom trúng mặt, hy sinh khi tay vẫn còn nắm chặt con châu chấu vừa kết lá dừa. Có chị bị bom hất tung xuống ruộng, người cháy đen. Có chị bị bom trúng chân, máu chảy lênh láng, đỏ thẫm mặt đường, đỏ thẫm băng ca… Tàn khốc hơn, khi có lần vừa vui đùa với nhau nhưng chỉ sau tích tắc đã phải lượm từng mảnh xác đồng đội rồi chia ra mà chôn cất…

Tôi ngồi nghe. Như có tiếng gió rừng tuôn chảy trong ký ức. Ký ức Trường Sơn bi hùng. Đã gần nửa thế kỷ, chiến tranh đã lùi xa, mà sao những năm tháng ấy vẫn như còn nguyên vẹn, vẫn làm thổn thức lòng người mỗi khi nhắc đến.

Bi kịch đời thường

Sau khi hoàn thành hai nhiệm kỳ TNXP, chị Phạm Thị Lanh được chuyển ngành về làm giáo viên tại Hòn Gai, Quảng Ninh. Những tưởng cuộc sống sẽ êm đềm, hạnh phúc khi chị đã yêu và xây dựng gia đình với một chàng trai đất mỏ. Niềm vui lớn chẳng tày gang, khi đứa con thứ nhất, rồi đứa thứ hai chị mang nặng đẻ đau đã không thành hình người. Bác sĩ kết luận, chị khó có thể sinh con vì cơ thể đã nhiễm chất độc hóa học.

Chiến tranh đã cướp đi cái quyền làm mẹ thiêng liêng của chị. Dù đau đớn tột cùng nhưng chị vẫn gắng gượng để sống. Sau nhiều đêm suy nghĩ, chị đã quyết định làm cái việc “trần đời có một” đó là đi hỏi vợ cho chồng. Chị đã thầm lặng kiếm tìm người phụ nữ thay thế mình. Và tiếp theo là nghĩ cho mình một đường rút lui êm ả bằng một khóa học ngành Sư phạm trên Tây Bắc.

Ngày chị ra đi cũng là ngày chị cắt đứt mọi liên lạc với chồng. Chị dự định khi học xong sẽ quay về quê hương sống nốt quãng đời còn lại dưới mái trường làng. “Nói là cắt đứt liên lạc nhưng thực ra chỉ cắt “một chiều” thôi, còn mình vẫn thường xuyên dõi theo cuộc sống mới của anh ấy”, chị Lanh chia sẻ. Thế thành quả của “bà mối bất đắc dĩ” thế nào ạ? Đáp lại câu hỏi có phần tếu táo của tôi, chị vui vẻ nói: Thành công mỹ mãn. Một trai, một gái (cười).

Trở lại cuộc sống của chị, đúng như dự định, sau khi học song, chị quay về Thái Bình, nhưng không về nhà mà xin dạy ở một trường cách nhà hơn chục cây số. Và chị đã sống cuộc sống đơn thân cho đến bây giờ.  Sao chị không nhận con nuôi cho gia cảnh đỡ neo người? - anh bạn đồng nghiệp của tôi hỏi. Vẫn giọng đầy lạc quan, chị trả lời: Có đấy, tôi nuôi hai đứa cháu, nhưng giờ chúng học hành thành đạt, có công việc ổn định trên Hà Nội cả rồi.

Ông Trần Hùng Khái bên người con điên dại

Gần chọn cuộc đời chiến đấu và hy sinh, giờ đây, khi đã ở tuổi xế chiều chị phải sống trong cảnh đơn chiếc. Người chị gái của chị, chồng đi bộ đội và anh dũng hy sinh khi hai người chưa có với nhau mụn con. Còn trẻ mỗi người một phận, nay cuối đời, chị đã mời chị gái về ở cùng cho bớt phần cô quạnh.

Địa chỉ tiếp theo mà chúng tôi tìm đến là gia đình cựu TNXP Trần Hùng Khái, thôn Chấp Trung, xã Đoan Hùng, Hưng Hà, Thái Bình. Mặc dù đã được ông Trương Công Ánh nói trước nhưng tôi vẫn không khỏi chạnh lòng trước cảnh tượng nhà mốc sân rêu.

- Cán bộ Hà Nội về thăm anh này, anh Khái ơi!

Tiếng bà Nguyễn Thị Kiều, đồng đội của ông Khái gọi.

Người đàn ông nhỏ thó, lật đật từ trong nhà bước ra, tiều tụy, mặc cảm; nỗi đau hằn sâu như những vết cứa trên khuôn mặt. Và kia là con gái ông, ngồi trên giường, đôi mắt đờ đẫn vô hồn, gặp khách cũng không hỏi, không chào mà chỉ lẩm bẩm nói câu gì đó. Khi cả chủ và khách đã an tọa trên những chiếc ghế chỏng trơ trong căn nhà tồi tàn, ông Khái kể cho tôi nghe về những nỗi bất hạnh chồng chất của đời mình.

Từng là TNXP, có mặt trong trận Ga Gôi lịch sử, ông may mắn hơn những đồng đội nữ khi có một gia đình với người vợ hiền tần tảo. Hết nhiệm kỳ TNXP, ông chuyển ngành sang làm công nhân ngành đường sắt. Hạnh phúc đơm hoa kết trái khi những đứa con lần lượt chào đời. Thế nhưng, chính cái lần xả thân cứu tàu ở Ga Gôi đó đã khiến cơ thể ông nhiễm độc. Và những mầm độc ngày hôm đó đã bám đuổi ông đến suốt cuộc đời. Con trai cả của ông bị ung thư máu chết khi vừa tròn 18, con út bị dị tật, qua đời khi chưa đầy tháng, cô con gái còn lại thì có lớn mà chẳng có khôn… Sau khi con trai mất, vợ ông vì quá đau buồn đã sinh bệnh và cũng bỏ ông mà đi. Hiện chỉ còn hai bố con, một già yếu bệnh tật, một ú ớ dại khờ rau cháo qua ngày.

Là một trong số ít nữ TNXP lập gia đình, chi Nguyễn Thị Lương, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà hiện đang phải sống trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Sau trận cứu tàu ở Ga Gôi, chị bị nhiễm độc, sức khỏe giảm sút, chị được chuyển về địa phương và xây dựng gia đình với một người cũng là cựu chiến binh trong kháng chiến chống Mỹ. Sinh được 3 người con nhưng người nào cũng đau yếu, bệnh tật… Người con trai cả là nặng nhất khi di truyền sang cả những đứa cháu. Hai đứa cháu nội đều bị thiểu năng trí tuệ, thỉnh thoảng lại lăn đùng ra ngất xỉu. Người con dâu quá quẫn bách mà bỏ đi, nhưng nhờ sự động viên của người thân và gia đình, đã quay trở về.

Chị Phạm Thị Lanh đang nhổ tóc sâu cho người chị gái

Câu chuyện của chị cũng như hàng nghìn cựu TNXP khác - đầy éo le và nước mắt. “Chuyện của tôi ai cũng biết, nhưng mà Nhà nước lại chả có chính sách nào. Tôi không là thương bệnh binh, con tôi vì thế cũng không là đối tượng được hưởng chính sách của Nhà nước, trong khi thực tế hậu quả của chiến tranh đã là một tai nạn trong gia đình tôi. Chẳng may tôi chết đi, ai nuôi các cháu, hả anh?”.

Tôi sững lại trước câu hỏi có phần bất ngờ của chị Lương, ngẩng lên thấy hai đứa trẻ ngây dại đang quấn quýt bên bà nội cười khành khạch. Còn chị, chị đã khóc từ lúc nào, những giọt nước mắt đùng đục, hiếm hoi kín đáo len lỏi ra khỏi hai mí mắt hơi khép lại.

Còn nhiều những hoàn cảnh éo le khác mà với khuôn khổ của bài viết này tôi không thể kể siết. Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của những người phụ nữ đã từng hy sinh cả tuổi thanh xuân cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhưng đến ngày toàn thắng, họ lại phải gánh chịu những di hại khủng khiếp của chiến tranh. Trong số 85 TNXP của Đại đội 895 bị nhiễm độc đến nay đã có 11 người qua đời đều chịu chung một căn bệnh ung thư quái ác hành hạ như: chị Được (xã Điệp Nông, Hưng Hà); chị Chắt, anh Năm (xã Kim Chung, Hưng Hà); anh Văn (xã Hùng Dũng)…

Những người còn sống, người đi tu, người sống độc thân không nơi nương tựa, đau ốm triền miên. Số anh chị em xây dựng gia đình, nhiều người hạnh phúc không trọn vẹn, hoặc bị vô sinh, hoặc con bị dị tật. Anh Hà Đức Lan (xã Kim Trung, Hưng Hà) có một con trai động kinh, ngay từ nhỏ phải xích lại; Anh Hảo (xã Minh Hòa, Hưng Hà) lấy vợ sinh nhiều lần không đậu, đến nay anh chị có một cháu gái nhưng chân lại khèo; bản thân anh Hảo  đau yếu, bệnh tật triền miên. Anh Len, chị Nga (xã Kim Trung) có một cháu gái câm điếc. Anh Bát (xã Văn Lang, Hưng Hà) có con trai bị thần kinh, đã tự lao đầu vào ôtô và chết…

Rời Thái Bình với cảm giác không bình yên, dù rằng cuộc sống ở nơi đây đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt. Phong trào xây dựng nông thôn mới với  con đường rải nhựa phẳng lỳ chạy đến ngõ từng nhà, hình ảnh những thửa ruộng xanh mướt mắt, đụn khói nhỏ quẩn quanh trên những mái nhà ngói trù phú… Chiến tranh đã cướp đi của họ thiên chức làm vợ, làm mẹ hoặc ngày ngày phải nhìn những đứa con do chính mình đứt ruột đẻ ra mà hình hài dị tật, quằn quại như không phải là con người, không được ăn ngủ, vui chơi học hành như muôn vàn đứa trẻ khác.

Ông Hoàng Công Ánh, Chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh Thái Bình cho biết, hiện Hội có trên 29.000 hội viên là cựu TNXP, trong đó có khoảng 18.200 người chưa được hưởng chế độ do nhiều lý do khác nhau như thất lạc giấy tờ nên không thể giải quyết được. Hơn 3.000 cựu binh TNXP Thái Bình bị phơi nhiễm chất độc hóa học nhưng hằng bao năm nay hết đơn từ này khiếu nại khác nhưng vẫn chưa được giải quyết!


(Xem tiếp kỳ sau)

Văn Dũng

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps