Phải biến rác thải thành năng lượng

16:40 | 23/07/2017

2,831 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Rác thải hiện đang gây ô nhiễm môi trường sống một cách khủng khiếp. Trong khi ở nhiều nơi trên thế giới, rác là nguyên liệu để sản xuất điện thì ở nước ta, rác vẫn chủ yếu được xử lý rất thô sơ là chôn lấp! Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Lê Huy Bá - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường Đại học Công nghiệp TP HCM - xung quanh vấn đề này.

Chôn lấp rác chưa hợp vệ sinh

PV: Thưa ông, lượng rác thải sinh hoạt ở TP HCM đang gia tăng hằng ngày trong khi những bãi chôn lấp như Đa Phước đã quá tải. Đó thật sự là vấn đề rất đáng lưu tâm?

phai bien rac thai thanh nang luong

GS.TSKH Lê Huy Bá: Thật ra các bãi rác đã quá tải nhiều năm nay và ngày càng trầm trọng. Hiện ở TP HCM có hơn 7.000 tấn rác mỗi ngày, nhân lên 365 ngày thì mỗi năm là một núi rác nếu phải chôn lấp khoảng 70% như cách xử lý hiện nay. Số lượng rác nhiều như thế mà hầu hết chỉ đem chôn lấp thì quá tải là đương nhiên.

Chúng ta nói xử lý rác thải nhưng kỳ thật chỉ đơn giản là thu gom và mang về chôn ở các bãi rác. Hơn nữa, chôn rác cũng chưa hợp vệ sinh khiến nước rỉ rác khắp nơi, mùi hôi bay khắp thành phố. Công ty VWS ký hợp đồng với Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, sau đó phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic và phần còn lại không sử dụng được thì mới chôn lấp. Tuy nhiên, sau 10 năm hoạt động, VWS chưa thực hiện phân loại tái chế mà chôn lấp với công suất hơn 5.000 tấn rác/ngày, chiếm trên 70% lượng rác của thành phố. Bởi, trong các cách xử lý rác thì chôn lấp là dễ dàng nhất.

Nếu không có những thay đổi về ý thức gìn giữ môi trường sống thì rất có thể con người sẽ chết vì đủ thứ bệnh tật sinh ra từ rác thải.

Trong khi đó, giá xử lý 1 tấn rác đã tăng từ 8USD lên hơn 20USD. Theo tính toán thì TP HCM phải mất khoảng 3 triệu USD mỗi năm để Đa Phước xử lý rác, nhưng bãi rác này có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường thành phố.

PV: Và việc xử lý rác lạc hậu bằng cách chôn lấp sẽ dẫn đến nhiều rủi ro về ô nhiễm môi trường. Ông nhận xét thế nào về hậu quả của tình trạng đó?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Tình trạng mùi hôi thối bay khắp nơi từ bãi chôn lấp ở Đa Phước vừa qua là một ví dụ nhãn tiền. Nhưng đáng lo ngại hơn là nước rỉ rác phát sinh từ bãi chôn lấp, bởi nó chứa nhiều chất độc hại đối với sinh vật và con người như COD (nhu cầu oxy hóa học), amoniac, coliform… Ngoài ra, nước rỉ rác còn chứa nhiều kim loại nặng hòa tan có thể gây ra các bệnh về tiêu hóa, gan mật và cả ung thư cho con người. Mùi nước rỉ rác khi lan truyền trong không khí sẽ làm nám phổi khi con người hít phải. Còn nếu nước rỉ rác chứa ở các hố đất mà không có biện pháp chống thấm hiệu quả, nước rỉ rác sẽ thẩm thấu ngấm ra môi trường, vào mạch nước ngầm.

Chính vì những tính độc hại như vậy nên theo quy định, việc thu gom, lưu chứa nước rỉ rác phải bảo đảm an toàn, không cho ngấm xuống đất và không cho bốc hơi. Xử lý chất thải rắn hợp vệ sinh phải có các lớp lót đáy, chống thấm, thu khí và nước thải từ rác, phun chất chống phát tán mùi hôi, chôn lấp xong phải phủ kín và có hệ thống giám sát rỉ rác... Nhưng rõ ràng, việc mùi hôi ở bãi rác Đa Phước cho thấy, việc chôn lấp ở đây cũng chưa hợp vệ sinh.

Nếu ngay bây giờ chúng ta không phân loại, tái chế rác mà cứ đem chôn lấp như vậy thì không bao lâu nữa bãi rác lại đầy, không còn chỗ mà chôn, rồi tiếp tục gây ô nhiễm trầm trọng.

phai bien rac thai thanh nang luong
Bên trong nhà máy điện rác ở Hà Nam

PV: Nhưng, sau nhiều năm tuyên truyền, nhiều chương trình, dự án lớn đã có, hầu hết các nơi ở TP HCM vẫn chưa làm được việc phân loại, tái chế rác hiệu quả. Vậy theo ông, nguyên nhân do đâu?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Có thể thấy, việc thu gom, trung chuyển và xử lý rác thải hiện nay đều yếu kém. Nguyên nhân là do cả hai, tuyên truyền chưa đủ, ý thức người dân kém và khâu tổ chức cũng kém, có dấu hiệu ỷ lại vào dự án. Như ở TP HCM từng có những dự án phân loại rác thải tại nguồn được tài trợ 3 triệu USD, rác sẽ được phân ra ba loại: hữu cơ, tái chế và chôn lấp. Thế nhưng khi hết tiền, người ta cũng hết phân loại rác luôn.

Đó là chưa kể có hiện tượng rác quăng xuống kênh rạch, như kênh Thị Nghè bây giờ vẫn đầy rác. Rồi rất nhiều người dân cứ tiện tay đâu là vứt rác đấy, nhất là tình trạng vứt rác vào các miệng cống thoát nước, gây tắt nghẽn và ngập lụt mỗi khi có mưa ở thành phố.

Sai nguyên tắc bảo vệ môi trường

PV: Gần đây, có nơi còn cho phép đổ bùn thải xuống biển…

Đầu năm 2017, trên cơ sở tham khảo dây chuyền sản xuất điện rác tại tỉnh Hà Nam, UBND TP HCM cho phép Công ty TNHH Thủy lực - Máy cùng Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM đầu tư xây dựng nhà máy thực nghiệm sản xuất điện rác tại Gò Cát.
Hiện tại, toàn bộ hệ thống dây chuyền sản xuất điện rác của nhà máy đã được hoàn thành và dòng điện được sản xuất từ rác đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.

GS.TSKH Lê Huy Bá: Tôi không hiểu vì sao người ta có ý nghĩ như vậy? Nên nhớ, biển là tài nguyên quý giá của đất nước chứ không phải là hố rác. Và bản chất của vấn đề này chính là xả thải xuống biển chứ không phải dìm vật chất xuống biển như giải thích của họ. Ở vài nơi trên thế giới, người ta cũng có dìm, chôn chất thải xuống biển, nhưng chất thải phải được đựng trong các container kín, được bao bọc chắc chắn để không phát tán ra ngoài môi trường. Còn ở đây là múc bùn thải đổ xuống biển, mà bùn đó có bao nhiêu chất độc thì phân tích chưa kỹ. Nếu nói chỉ có cát và vỏ sò thì không phải, đó là phân tích rất sơ sài. Bởi đơn giản có những chất bình thường không độc hại, nhưng khi đi ra biển thì chuyển hóa thành chất độc do môi trường thay đổi, độ mặn thay đổi.

Và quan trọng nhất là những rạn san hô ven biển. San hô giống như rừng nhiệt đới của biển, có san hô thì hệ sinh thái đáy biển mới phong phú. Đổ bùn thải xuống biển thì hỏng, bởi san hô rất nhạy cảm, là sinh vật sống trong môi trường nước trong, phải có ánh sáng mặt trời để chuyển hóa năng lượng, do đó, khi nước biển đục, thiếu ánh sáng thì san hô sẽ bị vôi hóa ngay.

Và, nếu đổ hàng triệu tấn bùn thải như thế thì không chỉ san hô mà toàn bộ hệ sinh thái tầng đáy biển sẽ chết hết. Sau đó, muốn khôi phục lại hệ sinh thái mới thì phải mất đến 20 năm sau. Cho nên, đổ bùn thải xuống biển là hành động hủy diệt hệ sinh thái biển. Hành động đó cũng hoàn toàn sai nguyên tắc bảo vệ môi trường: Không lấy ô nhiễm chỗ này làm ô nhiễm chỗ khác. Chưa kể, nếu đổ bùn thải như thế sẽ tạo nên một tiền lệ rất nguy hiểm, nhiều người sẽ muốn làm theo.

Biến rác thải thành năng lượng

PV: Có một tin đáng mừng là, vừa qua tỉnh Hà Nam và TP HCM đã vận hành thành công nhà máy điện rác. Đây là một dấu hiệu tích cực trong vấn đề xử lý rác thải, biến rác thành năng lượng. Cảm nghĩ của ông thế nào?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Đây là tin vui, nhưng nên hiểu đó chỉ mới là thành công bước đầu thôi, còn để tiếp tục đi đường dài, phát triển rộng ra thì điều quyết định là chính sách của Nhà nước, cụ thể là có những chính sách hỗ trợ giá điện của những nhà máy điện rác này làm ra. Công nghệ thì không khó, thậm chí có sẵn, nhưng đầu tư nhà máy điện rác khá đắt. Giá điện bán ra phải cao hơn giá xử lý để có lãi.

phai bien rac thai thanh nang luong
Bãi rác Đa Phước TP HCM

Tôi nhớ cách đây khoảng 10 năm, nước ta có một số nhà máy chế biến rác thải thành dầu DO để chạy máy, quy mô nhỏ thôi. Có nghĩa là từ lâu rồi, việc xây dựng nhà máy chế biến rác thành năng lượng chúng ta đã làm được, nhưng vấn đề vẫn là Nhà nước đầu tư, khuyến khích cho những dự án chế biến rác thành năng lượng thế nào, chủ trương ra sao để thu hút các nhà đầu tư. Còn nếu để mặc cho nhà đầu tư tự mình xoay sở thì không được.

Ở Đức, chỉ có 3% rác được chôn, còn lại đều được tái chế. Nhà nước Đức mua điện rác cao hơn giá thành sản xuất khoảng 70 cent để nhà đầu tư có lợi nhuận.

Đặc biệt, cần quán triệt quan điểm, rác cũng là tài nguyên chứ không phải thứ bỏ đi. Các cơ quan chức năng phải hiểu biết, quản lý, điều hành sao cho rác thành tài nguyên, thành điện. Rất nhiều nước trên thế giới đã chế biến rác thành điện, một số nước thậm chí đi mua rác nước ngoài về sản xuất điện. Tôi cũng đã đến thăm nhà máy chế biến rác ở ngay trung tâm thủ đô Viên của Áo. Khi mới đi vào, bạn sẽ không biết đây là nhà máy chế biến rác thải bởi không có rác, không khói bụi, không tiếng ồn, không mùi hôi. Chúng ta phải làm sao làm được những nhà máy như thế.

phai bien rac thai thanh nang luong
Lò khí hóa đa nhiên liệu, rác thải đưa vào lò sẽ được chuyển hóa từ thể rắn sang thể khí

PV: Cách đây vài ngày, Mỹ có công bố kết quả một nghiên cứu của nhiều nhà khoa học rằng, trái đất đang bước vào thời kỳ tuyệt chủng hàng loạt lần thứ 6 trong lịch sử, khoảng 75% chủng loài sẽ biến mất vĩnh viễn. Viễn cảnh đáng sợ này là do con người “đóng góp” một phần không nhỏ từ việc gây ô nhiễm môi trường. Quan điểm của ông thế nào?

GS.TSKH Lê Huy Bá: Kết quả đó là tất yếu trước những hành động hủy hoại môi trường của con người. Còn riêng ở nước ta, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói về việc “không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế”, nhưng nhiều nơi chưa làm được. Môi trường vẫn đang bị tàn phá vì những “cơn mê” lợi ích.

Và, nhiều người có thói quen là cái gì hư hỏng thì vứt cho khuất mắt. Ý thức con người về môi trường còn rất kém. Tôi thường cảnh báo về thói quen dùng túi nilon ở nước ta. Theo thống kê, Việt Nam là 1 trong 5 nước thải nilon ra biển nhiều nhất thế giới. Tác hại của nó rất lớn, bởi có nhiều loại nilon hàng trăm năm sau vẫn chưa thể phân hủy được. Bây giờ, rác thải nilon vẫn tràn ngập và cũng chẳng có mấy ai để ý đến điều đó nữa. Sử dụng túi nilon như là thói quen cố hữu của người dân, ăn sâu vào máu rồi.

Tóm lại, chúng ta phải làm sao biến rác thành tài nguyên, thành năng lượng chứ không phải là thứ bỏ đi như hiện tại.

PV: Trân trọng cảm ơn ông.

Công nghệ điện rác không khó

Công nghệ xử lý rác thải rắn bằng phương pháp khí hóa thiếu oxy tạo ra khí tổng hợp (syngas) làm nhiên liệu chạy máy phát điện (gọi tắt là công nghệ điện rác - WTE) đã được khảo nghiệm thành công tại Khu công nghiệp Đồng Văn, tỉnh Hà Nam. Đây là công trình sáng tạo của người Việt, là nhà máy điện rác đầu tiên tại Việt Nam.

Đặc điểm của công nghệ WTE là không cần phân loại rác từ đầu nguồn, không tốn quỹ đất chôn lấp, không phát thải thứ cấp, dây chuyền khép kín, không ống khói, không gây ô nhiễm không khí.

Biến rác thành điện

Vừa qua, UBND TP HCM có văn bản đồng ý cho Công ty Hitachi Zosen Corporation (Hitz) và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị (Citenco) hợp tác triển khai “Mô hình thử nghiệm nhà máy xử lý chất thải hữu cơ dễ phân hủy sinh học tái sinh năng lượng phát điện”.

Nhà máy có công suất 200kg/ngày sử dụng chất thải thực phẩm được lấy từ chương trình phân loại chất thải rắn tại nguồn phường Bến Nghé, quận 1. Mô hình thử nghiệm được đặt tại bãi chôn lấp Phước Hiệp do Citenco quản lý.

Lê Trúc

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps