Nới "room" cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu

21:19 | 13/08/2024

26 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát các điều kiện để làm căn cứ điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII, trên cơ sở sẽ nới "room" cho điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nhất là ở miền Bắc.

Sáng 13/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp rà soát, cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần có sự nhất quán, khoa học trong cách tiếp cận về kỹ thuật, hiệu quả kinh tế khi xây dựng Nghị định đặt trong tổng thể quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, vì trách nhiệm chung, không được chậm trễ trong bảo đảm an ninh năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Nới "room" cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Công Thương, EVN, các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Ảnh: VGP)

Chính sách đơn giản, thuận lợi, không phát sinh thủ tục mới

Sau khi tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia, Bộ Công Thương đã điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích theo hướng: Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không đấu nối với hệ thống điện quốc gia được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất và được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đấu nối với hệ thống điện quốc gia được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực.

Trường hợp điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có công suất lắp đặt trên 1 MW và lựa chọn bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, tổ chức, cá nhân phải thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương đã tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ, ngành và UBND thành phố Hà Nội về việc rút gọn, đơn giản các thủ tục đăng ký phát triển, quá trình thực hiện đầu tư, xây dựng, nghiệm thu điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Theo đó, hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ cung cấp bản vẽ thiết kế lắp đặt, bản sao giấy phép công trình xây dựng công trình hiện hữu (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Đối tượng còn lại (nhà xưởng, khu công nghiệp, công sở…) cung cấp bản vẽ thiết kế lắp đặt điện mặt trời, bản sao chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy, kết quả nghiệm thu công trình xây dựng hiện hữu…

UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xây dựng và ban hành quy trình rút gọn việc thực hiện theo trình tự, thủ tục của pháp luật để bảo đảm thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện đăng ký phát triển, đầu tư xây dựng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; phân cấp quản lý nhà nước cho các cơ quan cấp dưới để hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện phát triển, đầu tư xây dựng, lắp đặt, nghiệm thu, vận hành theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, phòng cháy và chữa cháy, môi trường, điện lực.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương xem xét quy định cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện mặt trời tự sản, tự tiêu ở nhà dân, công sở phải đơn giản nhất, không làm phát sinh thủ tục hành chính mới.

Được bán tối đa 20% công suất lắp đặt

Về phương án mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia, Bộ Công Thương đề xuất tỉ lệ 20% công suất lắp đặt thực tế tại miền Bắc và 10% tại các khu vực còn lại.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia với giá áp dụng nhỏ hơn hoặc bằng giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Anh Tuấn cho biết toàn bộ miền Bắc hiện có khoảng 700 MW điện mặt trời mái nhà, trong khi năng lực hệ thống có thể tiếp nhận khoảng 7.000 MW.

Ông Đỗ Văn Năm, Thành viên Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực miền Bắc tính toán, với quy định trong dự thảo Nghị định, người dân sẽ tiết kiệm được khi sử dụng điện vào giờ cao điểm, cùng với mức giá bán điện dư vào hệ thống thì sau khoảng 5-6 năm, hộ gia đình có thể thu hồi vốn đầu tư, trong khi thời hạn sử dụng của một tấm pin mặt trời hiện nay khoảng 12-15 năm.

"Dư địa phát triển điện mặt trời mái nhà ở miền Bắc còn nhiều, vì vậy, phải có chính sách để khuyến khích đầu tư, phát triển hiệu quả", Phó Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu Bộ Công Thương rà soát nhu cầu phụ tải, khả năng truyền tải, an toàn hệ thống làm căn cứ điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch thực hiện, trên cơ sở sẽ mở "room" cho điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, nhất là ở miền Bắc.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương nghiên cứu, thống nhất tỉ lệ bán điện dư của nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu vào hệ thống điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt thực tế.

Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định về nghiệm thu hệ thống đo đếm và thu thập dữ liệu đo đếm từ xa, hệ thống giám sát, điều khiển tại chỗ và kết nối thông tin với hệ thống thu thập, giám sát, điều khiển của cấp điều độ phân phối của điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia. Theo đó, mức công suất lắp đặt nhỏ hơn 100 kWh sẽ kết nối vào hệ thống của đơn vị điện. Mức công suất lắp đặt trên 100 kWh (bán hoặc không bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia) đều phải kết nối vào cấp điều độ phân phối điện.

Phó Thủ tướng lưu ý phải có giải pháp quản lý kỹ thuật để kiểm soát công suất đối với các nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu bảo đảm an toàn hệ thống; nhất là những nguồn điện đấu nối đưa lên lưới điện trung áp.

P.V