Nội chiến đã kìm hãm ngành công nghiệp dầu khí Libya như thế nào

08:42 | 12/08/2021

451 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tạp chí Pipeline &Gas Journal số tháng 7/2021 có bài phân tích về ảnh hưởng của cuộc nội chiến kéo dài ở Libya kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp đường ống dẫn dầu và khí Libya. Các công ty dầu khí quốc tế chỉ còn lựa chọn là hợp tác đầu tư sửa chữa và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng vận chuyển dầu khí hiện có.

Thiếu đầu tư cho các dự án mới, bảo trì đường ống và bể chứa dầu của Libya bị hư hại nghiêm trọng

Cuộc nội chiến kéo dài ở Libya đã ngăn cản các khoản đầu tư tiềm năng vào các dự án đường ống dẫn dầu và khí với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC). NOC phụ thuộc vào sự phân bổ ngân sách quốc gia qua Ngân hàng Trung ương để sửa chữa và bảo trì mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí dài hơn 6.760 km (4.200 dặm), cùng với các thiết bị trên bề mặt. Việc Ngân hàng Trung ương Libya chậm giải ngân phần vốn được phê duyệt gây trở ngại cho việc sửa chữa và bảo dưỡng đường ống dẫn dầu và khí đốt. Với nguồn tài chính cạn kiệt, Chủ tịch NOC Mustafa Sanalla cho biết Libya không thể đẩy nhanh tiến độ bảo trì các đường ống và bể chứa bị hư hại do các cuộc chiến tranh và hư hại do việc thường xuyên phải đóng cửa các cảng dầu.

Nội chiến đã kìm hãm ngành công nghiệp dầu khí Libya như thế nào
Trụ sở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) ở Tripoli. Ảnh: Reuters.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Tripoli Saddek Elkaber cho biết doanh thu từ dầu mỏ sử dụng cho các dự án đường ống mới, sửa chữa và bảo trì các đường ống hiện có đã giảm từ 53,2 tỷ USD năm 2012 xuống 4,8 tỷ USD năm 2016, và gần bằng 0 vào năm 2020. Saddek Elkaber nhấn mạnh việc ngừng sản xuất và xuất khẩu dầu trong giai đoạn 2013–2020 là yếu tố quan trọng nhất mà nền kinh tế Libya phải đối mặt, dẫn đến thiệt hại hơn 180 tỷ USD. Lệnh cấm vận dầu mỏ kéo dài đối với Libya làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế tới 55%, thiệt hại doanh thu trực tiếp đến cuối tháng 9/2020 là 10 tỷ USD. Doanh thu từ dầu mỏ tháng 9/2020 là 35 triệu USD, chỉ bằng 1,75% so với 2 tỷ USD trong tháng 9/2019.

NOC và các công ty liên quan không thể tiếp cận nguồn tài chính để duy trì hoạt động dầu khí, phải tuyên bố bất khả kháng khi sản xuất và xuất khẩu dầu thô bị gián đoạn vì thiếu tài chính. Tháng 4/2021, NOC đã thông báo về tình trạng bất khả kháng khi công ty Arabian Gulf Oil Company ngừng sản xuất và xuất khẩu dầu thô qua cảng Hariga do Ngân hàng Trung ương Libya từ chối cung cấp ngân sách dầu mỏ trong nhiều tháng liền, khiến cho tình trạng nợ nần của các công ty trầm trọng hơn. Việc gián đoạn sản xuất và xuất khẩu dầu và khí đốt trong thời gian dài làm tăng nguy cơ xuống cấp và nhiễm bẩn đối với một số bể chứa và đường ống dẫn dầu. Châu Âu là thị trường chính thúc đẩy tăng trưởng của ngành công nghiệp đường ống dẫn dầu và khí đốt của Libya do nhu cầu về loại dầu thô chất lượng tuyệt hảo của Libya, với mức lưu huỳnh thấp. Libya sản xuất hỗn hợp dầu thô Amna có mức lưu huỳnh thấp trung bình 0.17%, đủ điều kiện đưa vào danh sách các loại dầu thô chất lượng tốt nhất trong thương mại dầu toàn cầu.

Các cuộc phong tỏa, tấn công của các nhóm vũ trang làm suy giảm xuất khẩu dầu chất lượng tốt và hiệu suất đường ống

Các cuộc phong tỏa, như cuộc tấn công của lực lượng dân quân Bảo vệ các cơ sở dầu khí (PFG), kiểm soát phần lớn cơ sở hạ tầng dầu khí ở miền Đông Libya, là mối đe dọa thực sự làm suy giảm xuất khẩu dầu thô chất lượng tốt và hiệu suất đường ống vận chuyển dầu. Trong Quý I năm 2020, NOC thông báo sản lượng hàng ngày là 1,22 triệu thùng và dự kiến đạt 2,1 triệu thùng năm 2024, nhưng mọi việc đã thay đổi sau khi PFG tấn công và áp đặt lệnh phong tỏa. Mustafa Sanalla cho biết sản lượng ước tính sẽ giảm xuống còn 650.000 thùng/ngày vào năm 2022, do không thể khởi động lại sản xuất dầu ngay lập tức và nhà nước không thể cung cấp ngân sách để giải quyết nhiều thách thức do phong tỏa. Việc phong tỏa của PFG dẫn đến nhiều thiệt hại, có những thiệt hại là vĩnh viễn và không bao giờ có thể sửa chữa được.

Các bể chứa dầu khai thác bị đóng đột ngột sẽ dẫn đến thay đổi về cơ học, cấu trúc, hóa học và thậm chí cả vi sinh, có thể làm chết các giếng dầu. Trong một số giếng dầu, sự phát triển của vi khuẩn sẽ làm tăng hàm lượng lưu huỳnh, giảm chất lượng dầu.

Hợp tác với các công ty dầu khí lớn để bảo vệ hiệu suất tối ưu của mạng lưới đường ống

Libya là thành viên Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), có trữ lượng dầu thô ước tính được kiểm chứng là 48 tỷ thùng. Trong lịch sử, Libya từng thu hút các công ty dầu khí lớn vào các phân ngành thượng nguồn và trung nguồn, như ConocoPhillips, Total, Marathon, Wintershall, Hess, Gazprom, Occidental, Suncor và Eni.

Nội chiến đã kìm hãm ngành công nghiệp dầu khí Libya như thế nào
Đường ống dẫn dầu tại mỏ dầu El Shahara. Ảnh: Reuters.

Hiện nay, một số công ty dầu khí quốc tế vẫn quan tâm đến việc đầu tư vào lĩnh vực dầu khí của Libya, có thể mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu dầu khí khi tình hình an ninh được cải thiện. Tập đoàn dầu khí khổng lồ Total của Pháp đang muốn phát triển các dự án North Jalu và NC 98, một phần của nhượng quyền Waha, với tổng sản lượng ước tính khoảng 180.000 thùng/ngày. Giám đốc điều hành Total Patrick Pouyanné đã thăm trụ sở NOC ở Tripoli cuối tháng 4/2021, nhắc lại việc thực hiện hai dự án và vai trò của Total trong sửa chữa và bảo dưỡng đường ống xuất khẩu dầu. Năm 2019, Total đã ký thỏa thuận với NOC để mua nhượng quyền ở Waha, cam kết cung cấp công nghệ và chuyên môn, phát triển các mỏ North Gialo và NC 98, dự kiến ​​sẽ tăng sản lượng tương đương 180.000 thùng dầu mỗi ngày. Total đã công bố khoản đầu tư 70 triệu USD cho cả North Gialo và NC 98 khi các dự án đi vào hoạt động. NOC sẽ dựa vào chuyên môn và năng lực của Total, một đối tác lịch sử có quan hệ chặt chẽ, để phát triển các dự án quan trọng như North Jalu và NC 98. Mỏ dầu Gialo được nối với mỏ dầu Waha thông qua đường ống dẫn dầu Gialo-Waha dài 244 km (152 dặm), công suất 1,99 mtpa.

Sự tăng trưởng và hiệu suất của thị trường đường ống dẫn dầu và khí đốt của Libya sẽ được thúc đẩy nhờ xu hướng sản xuất và tiêu thụ dầu thô và khí đốt tự nhiên tăng ở các thị trường điểm đến hàng đầu như Trung Quốc, Pháp, Ý và Tây Ban Nha. NOC phải bảo vệ hiệu suất tối ưu của mạng lưới đường ống của Libya bằng cách thu hút tài trợ, thuyết phục các công ty dầu mỏ quốc tế hoạt động tại Libya duy trì hoặc mở rộng quy mô đầu tư, đảm bảo việc sửa chữa và bảo trì cơ sở hạ tầng trung nguồn không chỉ đạt yêu cầu mà còn bền vững.

Việc tăng sản lượng dầu và khí đốt ở Libya và đảm bảo nguồn tài chính dự đoán được cho lĩnh vực dầu mỏ của Libya cũng sẽ phụ thuộc vào việc đạt đồng thuận giữa các phe phái tham chiến ở Libya về cách chia sẻ tài nguyên hydrocacbon của nước này./.

Thanh Bình