Nợ toàn cầu "phình" to, cơn ác mộng liệu có trở lại?

06:00 | 24/09/2023

179 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Núi nợ toàn cầu tăng thêm 10.000 tỷ USD, lên mức cao kỷ lục trong nửa đầu năm nay. Đỉnh điểm nợ toàn cầu trước đó là vào đầu năm 2022, trước khi các ngân hàng trung ương bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất.

Nợ toàn cầu "phình to"

Nợ toàn cầu - bao gồm nợ Chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình - lên mức cao kỷ lục 307.000 tỷ USD trong nửa đầu năm 2023, Viện tài chính quốc tế (IIF) cho biết trong báo cáo giám sát nợ toàn cầu được công bố vào ngày 19/9.

Tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu tăng lên mức 336% vào tháng 6 năm nay. Con số này tăng 2 điểm phần trăm kể từ đầu năm, nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh 360% đã xác lập trong đại dịch. IIF bày tỏ quan ngại về mức nợ Chính phủ tăng cao, tập trung vào các khoản nợ bằng nội tệ, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi và cận biên.

Nợ toàn cầu phình to, cơn ác mộng liệu có trở lại? - 1
(Ảnh: Freepik).

"Nợ Chính phủ hiện ở mức báo động tại nhiều quốc gia. Điều đáng lo ngại nhất là cơ cấu tài chính toàn cầu chưa được chuẩn bị đầy đủ để quản lý rủi ro liên quan đến căng thẳng trên thị trường nợ trong nước", IIF nhấn mạnh.

Nợ toàn cầu phình lên vào thời điểm lãi suất cao hơn ở hầu hết các nước đẩy tăng chi phí vay, yếu tố quyết định chính đến xếp hạng tín dụng quốc gia. Nhu cầu vốn từ quá trình chuyển đổi khí hậu gây áp lực lên các Chính phủ trong việc tăng cường chi tiêu.

Đầu năm nay, Fitch Ratings cũng đã hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ. Chi phí trả lãi ở các thị trường phát triển gần như đi ngang trong giai đoạn 2007-2021, dù mức nợ ngày càng tăng.

Rủi ro lớn dần

"Chúng tôi lo ngại các nước sẽ phải chi ngày càng nhiều hơn cho chi phí lãi vay", Emre Tiftik, tác giả chính của báo cáo IIF, chia sẻ với Financial Times. "Điều này sẽ có tác động dài hạn tới chi phí vốn và khoản nợ của các quốc gia".

IIF cho biết hơn 80% trong số nợ tăng thêm của toàn cầu trong nửa đầu năm đến từ các thị trường phát triển, với Mỹ, Nhật Bản, Anh và Pháp có mức tăng lớn nhất.

"Lãi suất ngày càng cao là rủi ro chính đối với tình hình tài chính công và xếp hạng tín nhiệm nợ quốc gia, đặc biệt là ở các thị trường phát triển", Edward Parker, trưởng bộ phận nghiên cứu nợ của công ty xếp hạng tín dụng Fitch Ratings, chia sẻ với Financial Times.

Nợ toàn cầu phình to, cơn ác mộng liệu có trở lại? - 2
Lãi suất ngày càng cao là rủi ro chính đối với tình hình tài chính công và xếp hạng tín nhiệm nợ quốc gia (Ảnh: iStock).

IIF dự báo chi phí lãi vay tiếp tục tăng do ngày càng có nhiều khoản nợ cần tái cấp vốn trong khi lãi suất vẫn được giữ ở mức cao để chống lạm phát. Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khuyến nghị các ngân hàng trung ương nên giữ lãi suất ở mức cao hoặc tăng thêm để chống lạm phát bất chấp dấu hiệu căng thẳng kinh tế ngày càng tăng.

IIF hiện tỏ ra cực kỳ lo ngại về đà tăng của chi phí lãi vay đối với các khoản nợ bằng đồng nội tệ của các thị trường mới nổi, hiện chiếm hơn 80% tổng chi phí lãi vay của các thị trường này.

Báo cáo của IIF được đưa ra sau khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kêu gọi các Chính phủ nên thực hiện các bước khẩn cấp để giúp giảm thiểu rủi ro nợ và đảo ngược xu hướng nợ dài hạn.

Điểm sáng trong báo cáo là nợ hộ gia đình tính theo tỷ trọng của GDP ở các nền kinh tế tiên tiến đã giảm xuống mức thấp nhất trong 2 thập niên. "Giảm gánh nặng nợ sẽ tạo ra không gian tài chính và cho phép đầu tư mới, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm tới", IMF cho biết.

Nợ quốc gia vượt 33.000 tỷ USD

Khối nợ của Mỹ vừa chạm cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên vượt 33.000 tỷ USD, ngay thời điểm Chính phủ liên bang phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa vì thiếu ngân sách.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, nợ của chính phủ đã lên tới 33.040 tỷ USD vào ngày 18/9. Cơ quan này cho biết chi tiêu liên bang đã tăng khoảng 50% kể từ năm tài khóa 2019 đến 2021, góp phần khiến khối nợ phình to.

Các đợt cắt giảm thuế, chương trình cứu trợ và sự sụt giảm doanh thu thuế trong đại dịch là những yếu tố đưa nợ của chính phủ Mỹ lên mức đỉnh mới. Theo CNBC, vấn đề nợ đang là tâm điểm tại Quốc hội Mỹ. Các nhà lập pháp đang bế tắc về một dự luật chi tiêu mới có thể giúp chính phủ duy trì hoạt động đến kỳ cấp ngân sách tiếp theo.

Trong khi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa muốn Mỹ giảm chi tiêu, đảng Dân chủ lại ủng hộ các chính sách của Tổng thống Joe Biden, chẳng hạn như Đạo luật giảm lạm phát, chương trình ước tính tiêu tốn hơn 1.000 tỷ USD trong thập kỷ tới.

Chia sẻ với CNBC, phát ngôn viên Nhà Trắng cho rằng khối nợ phình to là do các chính sách cắt giảm thuế "ưu ái những tập đoàn lớn và giàu có" của đảng Cộng hòa trong 20 năm qua. Vị này ước tính doanh thu thuế của Washington đã hụt hàng nghìn tỷ USD vì những chính sách đó.

Nợ toàn cầu phình to, cơn ác mộng liệu có trở lại? - 3
Tỷ lệ nợ công trên GDP của Mỹ qua các đời tổng thống (Ảnh: WSJ).

Ông Michael Kikukawa, trợ lý thư ký báo chí Nhà Trắng, nhấn mạnh các nghị sĩ đảng Cộng hòa đang muốn gia hạn các đợt cắt giảm thuế của cựu Tổng thống Donald Trump và bãi bỏ những cải cách thuế doanh nghiệp của ông Biden.

Vị này cũng cho rằng các chính sách của ông Biden - nhằm yêu cầu các tập đoàn lớn đóng thuế công bằng hơn - sẽ giúp Mỹ giảm thâm hụt ngân sách khoảng 2.500 tỷ USD nếu được thông qua.

Mức nợ công của Mỹ đang trên đà vượt mốc 50.000 tỷ USD vào cuối thập kỷ này, ngay cả khi chi tiêu đã được cắt giảm theo kế hoạch nói trên, do lãi vay ngày càng lớn và chi phí của các chương trình phúc lợi xã hội không ngừng tăng. Tuy nhiên, việc "hãm phanh" tăng trưởng nợ công của Mỹ là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Ngân sách liên bang tiếp tục thâm hụt nặng. Báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ vào tuần trước cho thấy thâm hụt ngân sách của nước này trong 11 tháng đầu của năm tài khóa hiện tại là 1.500 tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Cơn ác mộng" liệu có trở lại?

Cuộc khủng hoảng trần nợ hồi tháng 5 đã kết thúc bằng một thỏa thuận giữa 2 đảng đình chỉ trần nợ trong 2 năm. Bên cạnh đó, các bên đã thống nhất cắt giảm chi tiêu liên bang một khoản 1.600 tỷ USD trong vòng 1 thập kỷ bằng cách đóng băng một số khoản chi trước đó, rồi hạn chế tăng trưởng chi tiêu ở mức chỉ tăng thêm 1 điểm phần trăm vào năm 2025.

Trước đại dịch, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã tăng trong nhiều thập kỷ. Nợ công toàn cầu đã tăng gấp 3 lần kể từ giữa những năm 1970, lên mức 92% GDP vào cuối năm 2022. Nợ tư nhân cũng tăng gấp 3 lần lên 146% GDP, nhưng trong khoảng thời gian dài hơn, từ năm 1960 đến năm 2022.

Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong xu hướng gia tăng nợ toàn cầu trong những thập kỷ gần đây khi vay nợ nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ nợ so với GDP đã tăng lên ngang bằng với Mỹ, trong khi tính theo đồng USD, tổng nợ của Trung Quốc vẫn thấp hơn đáng kể so với Mỹ.

Nợ toàn cầu phình to, cơn ác mộng liệu có trở lại? - 4
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ chia sẻ rằng bà thoải mái với tình hình tài khóa quốc gia vì tỷ lệ của lãi vay so với quy mô nền kinh tế vẫn trong tầm kiểm soát (Ảnh: The Economist).

Nợ ở các nước đang phát triển thu nhập thấp cũng tăng đáng kể trong 2 thập kỷ qua, mặc dù từ xuất phát điểm ban đầu thấp hơn. Hơn một nửa số quốc gia đang phát triển thu nhập thấp đang có nguy cơ gặp khó khăn về nợ nần cao và khoảng 20% các thị trường mới nổi có giao dịch trái phiếu chính phủ ở mức khó khăn.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen chia sẻ rằng bà hoàn toàn thoải mái với tình hình tài khóa quốc gia vì tỷ lệ của lãi vay so với quy mô nền kinh tế vẫn trong tầm kiểm soát. Dù vậy, bà cũng nói rằng việc quan trọng là cần thận trọng với việc chi tiêu trong tương lai.

"Tổng thống đã đề xuất một loạt biện pháp nhằm giảm dần thâm hụt ngân sách trong quá trình đầu tư vào nền kinh tế. Và đó là điều mà chúng ta cần làm trong thời gian tới", bà Yellen nhấn mạnh.

Theo Dân trí

IMF: Nợ toàn cầu tăng nhanh nhất kể từ Thế chiến thứ hai

IMF: Nợ toàn cầu tăng nhanh nhất kể từ Thế chiến thứ hai

Nợ toàn cầu tăng lên 226.000 tỷ USD vào năm 2020, đây là mức tăng lớn nhất trong một năm kể từ Thế chiến thứ hai, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết.