Những vấn đề còn tồn đọng ở các KCN, KCX

15:10 | 19/02/2012

551 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), các bộ, ngành đã phân tích nhiều thực trạng và nguyên nhân còn tồn đọng trong các KCN, KCX hiện nay.

Kể từ năm 1991, khi KCX Tân Thuận ra đời, đến nay cả nước đã có 267 KCN, KCX được thành lập với tổng diện tích 72.000 ha. Hàng năm, đóng góp 40% tổng vốn FDI, trên 30% giá trị sản xuất công nghiệp, 20% giá trị xuất khẩu và thu hút 1,6 triệu lao động trực tiếp.

Tuy nhiên, đến nay mới có 180 KCN, KCX đi vào hoạt động, còn lại 87 KCN, KCX đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Theo TS Nguyễn Văn Trung – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì do quy hoạch KCN còn chưa thực sự thống nhất với quy hoạch kinh tế – xã hội, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp, sử dụng đất, đô thị, kết cấu hạ tầng và chưa tính toán đến toàn diện khả năng, điều kiện, tiềm năng, lợi thế riêng có của địa phương và của vùng.

Hội nghị nhìn lại 20 năm xây dựng KCN, KCX, KKT, đồng thời bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn còn tồn đọng.

Về cơ chế chính sách, quá trình triển khai cơ chế, chính sách phát triển KCN, KCX đã bộc lộ một số vướng mắc, những điểm bất hợp lý, chưa phù hợp của các quy định pháp luật về KCN, KCX gây khó khăn cho địa phương và doanh nghiệp trong triển khai thực hiện.

Ông Vũ Đại Thắng – Vụ trưởng Vụ Quản lý các KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Nguyên nhân là việc phân cấp, ủy quyền cho Ban quản lý KCN, KKT trong một số lĩnh vực còn chưa thực hiện đầy đủ. Ngoài ra, hiện nay, chính sách ưu đãi đối với KCN, KCX, KKT không thống nhất, thiếu ổn định. Hiện nay, KCN không còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu (trừ một số ít các KCN thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn). Ngoài ra, các dự án đầu tư mở rộng không còn được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này đang gây bức xúc cho các nhà đầu tư. Chính sách ưu đãi đối với dự án đầu tư vào KCN và dự án mở rộng nêu trên trong thực tế đã ảnh hưởng không nhỏ tới quyết định đầu tư của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có uy tín trên thế giới.

Một vấn đề còn gây nhức nhối là ô nhiễm môi trường. Hiện nay chỉ có 108/267 KCN đã và đang xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải công nghiệp. Lượng chất thải rắn còn nhiều, tập trung chủ yếu ở các KCN phía Bắc và phía Nam.

Ô nhiễm không khí được coi là vấn đề nan giải nhất, đặc biệt là các KCN được thành lập trên cơ sở các doanh nghiệp cũ có công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa đầu tư hệ thống xử lý chất thải khí.

Nguyên nhân được đưa ra là ý thức của các doanh nghiệp về xử lý chất thải còn chưa cao. Việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải gây tốn kém cho doanh nghiệp, nên nhiều doanh nghiệp đã lờ đi việc này. Hơn nữa, việc kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước lại chưa hiệu quả. Một số địa phương, việc thực hiện ủy quyền cho ban quản lý các KCN, KCX chưa triệt để. Do vậy nảy sinh vấn đề cơ quan này cấp phép về môi trường song cơ quan khác lại là đơn vị kiểm tra, gây chồng chéo, va đập nhau về mặt lợi ích.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết năm 2010 có 1,75 triệu người được đào tạo nghề nhưng chất lượng của lao động nước ta còn thấp. Theo xếp hạng năm 2008 chất lượng lao động của nước ta xếp thứ 11 trong 12 nước ở châu Á được khảo sát. Năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Nhật Bản 50,4 lần, thấp hơn Hàn Quốc 18,6 lần, thấp hơn Malaysia 7,8 lần, Thái Lan 1,96 lần và Indonesia 1,6 lần.

Việt Nam còn thiếu lao động lành nghề khiến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Năm 2011 Việt Nam xếp thứ 65/141 nước được xếp hạng.

Nhận thức được vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo Tổng cục Dạy nghề chuẩn bị chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011 – 2020. Chiến lược dạy nghề sẽ lấy vấn đề nâng cao chất lượng và dạy nghề chất lượng cao là khâu đột phá. Một vấn đề khác liên quan đến người lao động là điều kiện lao động. Do giá cả hàng hóa thiết yếu tăng nhanh nên thu nhập thực tế của người lao động trong các khu công nghiệp của người lao động có xu hướng giảm. Lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng 60 – 70% nhu cầu sinh hoạt của người lao động.

Mặc dù đã có 24 dự án về nhà ở cho người lao động được xây dựng nhưng giá tiền thuê trọ trung bình thường gấp từ 2 đến 4 lần mức tiền nhà được cơ cấu trong tiền lương của người lao động. Nhà nước và các công ty kinh doanh bất động sản mới chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu nhà ở cho người lao động. Những mặt chăm sóc sức khỏe, an ninh nơi ở, nhu cầu vui chơi giải trí, giáo dục đào tạo còn chưa được quan tâm.

Đó là những vấn đề còn cản trở sự phát triển của các KCN, KCX. Và tầm nhìn đến năm 2020, Chính phủ sẽ trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động ở các KCN, KCX và KKT đã được quy hoạch đầu tư. Chính phủ không thành lập thêm các KKT và có kế hoạch và bước đi rõ ràng trong việc thành lập các KCN tại các địa phương.

Đức Chính