Những tỉnh nào xin bổ sung nguồn điện vào Quy hoạch Điện 8?

13:00 | 13/01/2022

1,985 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình và nhiều tỉnh ở khu vực miền Trung xin bổ sung hàng chục nghìn MW điện năng lượng tái tạo vào Quy hoạch Điện 8...

Tại buổi họp báo thường kỳ Quý IV và cả năm 2021 của Bộ Công Thương chiều 12/1/2022, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ nhận được nhiều đề nghị của các địa phương về bổ sung các nguồn điện vào Quy hoạch Điện 8 đặc biệt từ các địa phương có nguồn năng lượng tái tạo lớn như điện mặt trời, điện gió.

Theo tìm hiểu của Năng lượng Mới, một trong số các tỉnh đề xuất xin bổ sung nguồn điện vào quy hoạch điện 8 có tỉnh Quảng Ninh, với đề xuất khoảng 5.000 MW điện gió, trong đó 3.000 MW là điện gió ngoài khơi, 2.000 MW điện gió trên bờ.

Tỉnh Quảng Ninh cũng đề xuất Bộ Công Thương xem xét, trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiến độ đầu tư nhà máy điện khí LNG 1.500 MW giai đoạn 2 vào vận hành 2026-2027, đồng bộ với dự án điện khí giai đoạn 1.

Những tỉnh nào xin bổ sung nguồn điện vào Quy hoạch Điện 8?
Dự án điện gió ngoài khơi (Ảnh minh họa)

Tỉnh Hải Phòng cũng đề xuất bổ sung 3.900 MW điện gió ngoài khơi vào quy hoạch và được chia làm 3 giai đoạn vận hành từ năm 2029 đến năm 2037.

Tỉnh Thái Bình cũng đề xuất 3 dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi với tổng công suất 8.700 MW, cùng dự án Trung tâm Điện-Khí LNG Thái Bình, tổng công suất khoảng 4.500 MW vào Quy hoạch điện VIII.

Tại khu vực miền Nam, nhiều tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận cũng có những đề xuất bổ sung. Trong đó, Ninh Thuận đã đề nghị bổ sung tổng công suất 42.595 MW nguồn điện mới. Bình Thuận cũng đề nghị bổ sung gần 30.000 MW nguồn điện mới. Trong số này, có 7 dự án điện gió ngoài khơi đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương với quy mô 17.600 MW...

Theo đại diện Bộ Công Thương tại cuộc họp báo thường kỳ, trong thời gian qua chúng ta đã phát triển số lượng rất lớn điện mặt trời, điện gió. Trong khi năng lượng tái tạo chỉ sử dụng với tỷ lệ phù hợp, hợp lý đảm bảo kết nối cung cầu và đáp ứng được nhu cầu phụ tải, không phải muốn dùng bao nhiêu cũng được.

"Chính vì vậy, chúng tôi đã cân đối, tính toán kỹ lưỡng giữa cơ cấu các nguồn điện một cách hợp lý nhất nhằm đảm bảo đáp ứng yêu cầu đặc biệt phát huy được nguồn năng lượng sạch. Trong Quy hoạch Điện 8 sẽ tính toán đưa vào phân bố theo từng vùng, từng khu vực với nhu cầu cả các địa phương”, ông Hùng cho biết.

Trước đó, trong thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành tại hội nghị lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (Quy hoạch điện VIII) được Văn phòng Chính phủ ban hành hồi tháng 11/2021, Phó thủ tướng giao Bộ Công Thương rà soát một số nguồn điện than sau năm 2030 theo hướng chuyển đổi nhiên liệu hoặc không tiếp tục phát triển.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, hoàn thiện các phương án cơ cấu nguồn điện phù hợp đến năm 2045 trên cơ sở cập nhật giải pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, như cam kết của Thủ tướng tại hội nghị COP 26.

Với điện than, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu rà soát lại quy hoạch nguồn điện này sau năm 2030 theo hướng chuyển đổi nhiên liệu hoặc không tiếp tục phát triển nếu dự án không có các ràng buộc, có nguy cơ gây thiệt hại về kinh tế. Quy hoạch điện VIII cũng cần tính toán, tăng thêm quy mô và nghiên cứu cơ chế phát triển điện gió ngoài khơi. Còn nguồn điện mặt trời, nhà chức trách cần đưa ra chính sách, giải pháp cho giai đoạn phát triển tiếp theo, trong đó có giải pháp công nghệ lưu trữ điện.

Bộ Công Thương nói gì khi rất nhiều nơi xin bổ sung vào Quy hoạch điện 8?Bộ Công Thương nói gì khi rất nhiều nơi xin bổ sung vào Quy hoạch điện 8?
Vì sao Việt Nam chưa thể dừng phát triển mới các dự án nhiệt điện than?Vì sao Việt Nam chưa thể dừng phát triển mới các dự án nhiệt điện than?
Kiến nghị góp ý một số nội dung trong Quy hoạch điện VIIIKiến nghị góp ý một số nội dung trong Quy hoạch điện VIII

Xuân Hinh