Những thách thức năng lượng của Iran

19:50 | 25/06/2023

446 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong năm 2015 – 2016, với chủ đề “chương trình hạt nhân” nhạy cảm và tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận dầu mỏ có liên quan đến thỏa thuận hạt nhân, Iran đã trở thành tâm điểm của nhiều thời sự năng lượng và địa chính trị. Qua nhiều năm, nỗi sợ hãi về một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân đã trở thành chủ đề của nhiều cuộc họp quốc tế giữa những cường quốc thế giới.
Những thách thức năng lượng của Iran
Mặc dù giàu tài nguyên nhưng Iran cũng đối mặt với nhiều thách thức về năng lượng

Cộng hòa Hồi giáo Iran hiện chỉ có một lò phản ứng hạt nhân dân dụng – dùng để sản xuất điện, đang hoạt động. Tuy nhiên, quốc gia này có rất nhiều cơ sở làm giàu uranium. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) không thể xác định rõ ràng hoạt động của những cơ sở này. Do đó, trước tình trạng thiếu đảm bảo về bản chất dân sự của chương trình hạt nhân Iran, từ năm 2012, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt gắt gao hơn. Đặc biệt, họ nhắm mục tiêu vào xuất khẩu dầu của Iran, như một cách gây áp lực lên Tehran.

Nhờ IAEA, phần lớn những biện pháp trừng phạt này đã được dỡ bỏ vào ngày 16 tháng 1 năm 2016. Cụ thể, vào tháng 7 năm 2015, Iran và nhóm "5+1" (năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, gồm có Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh và Pháp + Đức) đã ký một thỏa thuận.

Trong lúc thế giới vẫn đang bàn luận về vấn đề hạt nhân của Iran, hãy nhớ rằng: Những năm gần đây, gần 98% nhu cầu năng lượng của quốc gia này được đáp ứng bằng khí đốt tự nhiên và dầu mỏ. Iran là một trong những cường quốc năng lượng lớn nhất trên toàn thế giới, nhờ vào nguồn hydrocarbon dồi dào dưới lòng đất. Đáng chú ý, quốc gia này có trữ lượng khí đốt tự nhiên (đã qua chứng minh) cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Nga. Thật vậy, trữ lượng của quốc gia này còn đứng trên cả Qatar. Tuy nhiên, khí đốt do Iran khai thác chỉ phục vụ chủ yếu cho tiêu dùng trong nước.

Thách thức: Khai thác và xuất khẩu dầu khí sụt giảm

Do cơ sở hạ tầng xuống cấp và những lệnh trừng phạt quốc tế, sản lượng dầu khí của Iran đã giảm mạnh trong năm 2013 (vào năm 2014, sản lượng khí đốt của Iran giảm 17% so với năm 2011). Một nguyên nhân khác gây sụt giảm là do nhiều giếng dầu có tỷ lệ thu hồi thấp (20-30%).

Những hạn chế về mặt thanh toán và bảo hiểm cũng khiến cho nhiều công ty nước ngoài lớn (TotalEnergies, Shell, Repsol) rút khỏi thị trường Iran, làm sản lượng dầu thô giảm đi khoảng 5%/năm. Sau đó, tuy Tehran đã chuyển sang hợp tác với những nước khác như Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, những nước này cũng đã giảm nhập khẩu đi khoảng 20% ​​trong năm 2012 và 2013.

Sau khi đã dỡ bỏ những lệnh trừng phạt quốc tế kể từ tháng 1 năm 2016, Iran đã rất muốn tăng cường năng lực xuất khẩu. Vào năm 2017, sản lượng dầu quốc gia đã trở lại mức tương đương với năm 2011 – thời điểm trước khi có lệnh trừng phạt. Dù vậy, năng suất vẫn thấp hơn so với của những năm 1976 – 1977. Tại thời điểm đó, sản lượng dầu của Iran vượt hơn 5,5 triệu thùng/ngày.

Hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân

Iran có 8 địa điểm cơ sở hạt nhân, bao gồm một lò phản ứng đang hoạt động tên Bouchehr (với công suất 915 MW). Cơ sở này bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 1974, với sự giúp đỡ của công ty Siemens của Đức. Sau khi bị dội bom trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq, Tehran đã ký một thỏa thuận với Nga và đưa lò phản ứng đi vào hoạt động trở lại từ năm 1995.

Nhiều địa điểm nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của IAEA, trong đó có lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân nước nặng Arak. Ban đầu, cơ sở này dự tính sẽ đi vào vận hành từ năm 2014. Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt và một số vụ phá hoại đã làm trì hoãn kế hoạch. Địa điểm Parchin gần Tehran cũng thu hút sự chú ý đặc biệt của IAEA. Họ cho rằng, đây là địa điểm thử nghiệm đầu đạn hạt nhân cho tên lửa.

Những cơ quan năng lượng chính của Iran

Hội đồng An ninh Năng lượng Tối cao (Supreme National Security Council - SNSC) có chức năng giám sát lĩnh vực năng lượng của Iran. Cơ quan này được thành lập vào năm 2001, với cựu Tổng thống Iran Hassan Rohani làm người đầu tiên giữ chức thư ký. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng luôn thuộc về nhà Lãnh tụ Tối cao Iran - người đứng đầu nhà nước Iran kiêm nhà lãnh đạo tối cao về chính trị và tôn giáo trong nước. Lãnh tụ Tối cao hiện nay là ông Ali Khamenei, lên nắm quyền từ năm 1989, sau khi cựu Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Khomeni qua đời.

Những bộ trưởng dầu mỏ và năng lượng lần lượt chịu trách nhiệm về lĩnh vực hydrocarbon và điện trong nước. Còn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử của Iran chịu trách nhiệm đưa quyết định về chiến lược phát triển hạt nhân.

Tìm kiếm thỏa hiệp về vấn đề hạt nhân

Những nghi ngờ về mong muốn sở hữu vũ khí hạt nhân của Iran xuất hiện từ ngày 14 tháng 8 năm 2002, khi ông Alireza Jafarzadeh - một cá nhân bất đồng quan điểm người Iran, tiết lộ sự tồn tại của hai cơ sở hạt nhân bí mật. Vào năm 2003, bộ ba Đức - Pháp - Vương quốc Anh (được gọi là "EU3") bắt đầu đàm phán với Iran về năng lượng hạt nhân. Những sự kiện này đã thúc đẩy Iran đưa cam kết áp dụng bổ sung thủ tục theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), cho phép IAEA kiểm tra mà không báo trước. Sau lần tạm dừng đầu tiên vào năm 2004 và sự kiện Mahmoud Ahmadinejad đắc cử chức Tổng thống Iran vào năm 2005, chương trình làm giàu uranium của Iran đã trở lại với một bước ngoặt mới. Theo ước tính, số lượng máy ly tâm dùng trong hoạt động làm giàu uranium đã tăng từ gần 3.000 (năm 2005) lên hơn 18.000 (năm 2013).

Vào năm 2006, dưới sự thúc đẩy của nhóm "UE3", IAEA đã trình hồ sơ chương trình hạt nhân của Iran lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Bất chấp nghị quyết 1696 của Liên hợp quốc - văn bản ràng buộc pháp lý đầu tiên nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân của Iran, nước này vẫn tiếp tục thực hiện chương trình này. Họ cũng tuyên bố có thể tập hợp đủ lượng uranium làm giàu để chế tạo bom hạt nhân trong vòng chưa đầy một năm.

Thỏa thuận về hồ sơ hạt nhân Iran

Vào năm 2009, chính sách ngoại giao cởi mở của cựu Tổng thống Barack Obama đối với Iran đã cho phép nối lại đàm phán giữa Tehran và nhóm "5+1" sau 14 tháng gián đoạn. Tuy nhiên, Iran từ chối làm giàu uranium ở nước ngoài. Những biện pháp trừng phạt mới đã xuất hiện vào năm 2012, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ, đóng băng tài sản của một số công ty và tổ chức Iran, cũng như bãi bỏ thị thực.

Vào ngày 24 tháng 11 năm 2013, Tehran và nhóm "5+1" đã thống nhất được một văn bản sơ bộ chung về vấn đề chương trình hạt nhân của Iran.

Các cuộc đàm phán giữa nhóm "5+1" và Iran đã được nối lại vào năm 2012. Vào tháng 8 năm 2013, khi ông Hassan Rouhani đắc cử chức Tổng thống, nội dung đàm phán dần dần hướng đến việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Iran. Được biết, ông Hassan Rouhani có lòng tin của vị Lãnh tụ Tối cao Iran, cũng như nhiều cơ hội thuận lợi khác, dù rằng ông không có được sự hậu thuẫn hoàn toàn của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (tổ chức bán quân sự nằm trực tiếp dưới quyền của Lãnh tụ Tối cao). Trên thực tế, đội Vệ binh là nguyên nhân gây thất bại của nhiều vòng đàm phán.

Vào ngày 24 tháng 11 năm 2013, Tehran và nhóm "5+1" đã thống nhất được một văn bản sơ bộ về chương trình hạt nhân của Iran. Thông qua thỏa thuận này, Iran cam kết ngưng làm giàu uranium trên 5% và phá dỡ những cơ sở cho phép làm giàu uranium trên tỷ lệ này. Iran cũng cam kết sẽ vô hiệu hóa kho uranium được làm giàu 20% của họ (với bồi thường tài chính) và cho phép IAEA đến thăm tất cả những địa điểm và cơ sở sản xuất máy ly tâm. Đổi lại, nhóm "5+1" cam kết không áp đặt biện pháp trừng phạt mới và giảm nhẹ một số biện pháp trừng phạt khác, nhất là những biện pháp gây ảnh hưởng đến thương mại kim loại quan trọng, ngành công nghiệp ô tô và hóa dầu.

Thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 20 tháng 1 năm 2014, sau đó được gia hạn vào ngày 24 tháng 11 năm 2014 với thời hạn 7 tháng. Khoảng thời gian này sẽ tạo điều kiện để hai bên bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận toàn diện và dài hạn.

Cuối cùng, một thỏa thuận mang tính “lịch sử” giữa Iran và nhóm “5+1” đã được ký kết tại Vienna vào tháng 7 năm 2015, với những điều khoản chính như sau:

- Iran đồng ý hạn chế khả năng làm giàu uranium của mình trong 10 năm. Cụ thể, họ phải cam kết chỉ làm giàu uranium đến 3,7% để có nhiên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất điện.

- Iran cam kết ký bổ sung thủ tục, cho phép IAEA thực hiện những chuyến thăm nhanh đến tất cả những địa điểm hạt nhân mà họ muốn thanh sát trong 15 năm tới.

- Trong một số điều kiện nhất định, Iran cũng sẽ cho phép IAEA đến thăm những địa điểm quân sự nếu xét thấy cần thiết.

Vào ngày 16 tháng 1 năm 2016, IAEA đã bật đèn xanh cho việc dỡ bỏ hầu hết những biện pháp trừng phạt quốc tế chống lại Iran. Ngay sau đó, Tehran tuyên bố ý định nâng sản lượng dầu mỏ thêm 500.000 thùng/ngày, và tiếp tục thêm 500.000 thùng/ngày trong vòng sáu tháng tới. Thật vậy, tuy giá dầu thô đã sụt giảm, Tehran vẫn muốn giành lại thị phần.

Hiện tại và tương lai

Vào ngày 8 tháng 5 năm 2018, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ - ông Donald Trump, tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Thông báo này đặt ra nhiều câu hỏi, bao gồm cả tác động có thể xảy ra với nguồn cung trên thị trường dầu mỏ.

Theo IEA, từ năm 2020, Trung Đông sẽ chiếm một vị trí quan trọng hơn trên thị trường dầu mỏ. Sản lượng dầu của Iran có thể đạt 5,4 triệu thùng/ngày vào năm 2040. Mặt khác, sản lượng của Iraq có thể tăng gấp đôi và đạt gần 8 triệu thùng/ngày vào năm 2040.

Theo ước tính của IEA, trong năm 2023, Iran sẽ nằm trong số những quốc gia góp phần làm tăng nguồn cung dầu mỏ thế giới, bỏ xa Mỹ. Vào cuối năm 2016, Tehran đã thông qua một hợp đồng dầu mỏ mới nhằm thu hút những nhà đầu tư nước ngoài: Hợp đồng IPC, tức “Iranian (or Integrated) Petroleum Contract” -“Hợp đồng Dầu khí Iran (hoặc Hợp đồng Dầu khí Tích hợp)”.

Nhà máy điện hạt nhân gây tranh cãi của Anh nhận phán quyếtNhà máy điện hạt nhân gây tranh cãi của Anh nhận phán quyết
Các công ty năng lượng của Mỹ giảm hoạt động khai thác và thăm dò trong tuần thứ tám liên tiếpCác công ty năng lượng của Mỹ giảm hoạt động khai thác và thăm dò trong tuần thứ tám liên tiếp
Đức và Mỹ ký thoả thuận LNG dài hạn, quyết Đức và Mỹ ký thoả thuận LNG dài hạn, quyết "cai nghiện" khí đốt Nga

Ngọc Duyên

AFP