Những nhân tố mới chi phối Trung Đông

07:00 | 07/02/2016

1,519 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trung Đông ngày nay đang bị chi phối bởi 3 nhân tố quyền lực lớn, trong đó dầu mỏ có ảnh hưởng lớn tới 2 nhân tố còn lại là Iran và Arập Xêút - hai quốc gia đứng đầu hai nhánh Hồi giáo Sunni và Shiite. Giá dầu thấp khiến cho Iran không thể hiện thực kỳ vọng về sự thịnh vượng và làm Arập Xêút bị suy yếu.  

Trung Đông đã bước vào giai đoạn mới kể từ khi bắt đầu bùng nổ các cuộc cách mạng Arập, biến khu vực này thành một cái vạc của sự hỗn loạn và bạo lực. Sự rút lui của Mỹ khỏi vai trò tích cực sau cuộc chiến tranh Iraq càng làm trật tự khu vực thêm rối ren. Nga, Arập Xêút, Thổ Nhĩ Kỳ và  Iran đang cố lấp khoảng trống ảnh hưởng quyền lực mà Washington để lại. Còn Trung Quốc thì cũng đang cố “đu dây” vào Trung Đông vừa để tìm kiếm các cơ hội làm ăn kinh tế béo bở, vừa mở rộng dấu ấn chính trị.

Yếu tố thứ 3 tạo nên Trung Đông mới chính là sự lao dốc suốt 18 tháng qua của giá dầu - chất bôi trơn cho các bánh xe kinh tế khu vực. Yếu tố cuối cùng vừa xuất hiện là thỏa thuận hạt nhân Iran vừa có hiệu lực mới đây.

nhung nhan to moi chi phoi trung dong

Hãy xem xét thế mạnh và điểm yếu của 3 nhân tố quyền lực lớn chi phối Trung Đông hiện nay.

Một câu hỏi lớn đối với khu vực hiện nay là Iran sẽ trỗi dậy như thế nào từ thỏa thuận hạt nhân? Cuộc đua quyền lực giữa 2 lực lượng theo đường lối cứng rắn và ôn hòa tại nước này vẫn chưa ngã ngũ nên phần nào giải thích thái độ mâu thuẫn của Iran trong những tuần qua: Tehran đã đáp ứng các điều kiện của thỏa thuận hạt nhân sớm hơn nhiều người dự đoán, tiến hành thử tên lửa đạn đạo thách thức lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc, bắn rocket đe dọa tàu chiến Mỹ, bắt giữ và nhanh chóng trao trả các thủy thủ Mỹ.

Các sự kiện này cho thấy phe ôn hòa dường như đang dẫn điểm trước, nhưng khó có thể duy trì khoảng cách này. Phe cứng rắn dự kiến sẽ giành mọi quyền lực vào tay họ, trừ chức Tổng thống. Phe cứng rắn đã dựng lên những rào cản về thể chế đối với chương trình cải cách kinh tế và đầu tư nước ngoài nhằm ngăn dòng vốn đầu tư mà phe ôn hòa đang kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế và tăng vị thế trong nước của họ.

Người ta có thể thấy tràn lan các thông tin về các giao dịch thương mại và đầu tư liên quan tới Iran sau khi được gỡ cấm vận, chẳng hạn như thỏa thuận mua 114 máy bay Airbus ký giữa Hãng Hàng không Quốc gia Iran (Iran Air) và Tập đoàn Chế tạo máy bay Airbus ngày 27-1, hay các hoạt động rục rịch xuất khẩu dầu sang Liên minh châu Âu vào đầu tháng 2-2016… Có căn cứ để khẳng định rằng nền kinh tế Iran sẽ phục hồi vì có xuất phát điểm quá thấp, nhưng thực tế Tehran chưa chắc đã hấp dẫn lâu dài với giới đầu tư phương Tây.

Trong khi đó, Arập Xêút đã trở thành một đối thủ khu vực tự tin chưa từng có. Nước này vẫn sử dụng lợi nhuận dầu mỏ để lặng lẽ lan tỏa ảnh hưởng như thường lệ. Tuy nhiên, giờ đây Riyadh đang theo đuổi các mục tiêu theo cách thẳng thắng và hung hăng hơn, như ném bom Yemen, cắt đứt quan hệ với Iran và cố hạ bệ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Riyadh không còn có thể dựa vào Washington để duy trì trật tự trong khu vực theo ý của mình nên phải tự đảm nhiệm vai trò này.

Quốc vương Salman dường như thích thú với hình ảnh “cơ bắp” của Arập Xêút, nhưng thực tế là sức mạnh của Riyadh không bền vững. Nền kinh tế của nước này dựa vào dầu mỏ và không có bất kỳ khả năng công nghiệp nào. Mặc dù đầu tư hàng trăm tỉ USD để xây dựng các trường đại học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng, song quốc gia này vẫn là một nước thuộc thế giới thứ 3. Người nước ngoài, chiếm 1/3 dân số, đang nắm giữ khu vực tư nhân “còi cọc” của nước này. Arập Xêút có ngân sách quốc phòng hàng đầu thế giới, nhưng chưa được thử thách và rất có thể thiếu hiệu quả, trừ việc duy trì ổn định tại Bahrain và thực hiện chiến dịch ném bom ở Yemen.

Nhưng trên hết, sức mạnh thực sự ở Trung Đông là dầu mỏ. Nếu không có lợi nhuận từ dầu mỏ, Arập Xêút là một kẻ yếu đuối. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng Riyadh bắt đầu bị thâm hụt ngân sách khi giá dầu xuống dưới 98USD/thùng. Do đó, mức giá khoảng 30USD/thùng hiện nay khiến Arập Xêút phải cầm chừng rót tiền cho các cuộc chiến tại Syria và Yemen, không thể giúp duy trì nền kinh tế Ai Cập và đảm bảo những khoản trợ cấp vô thời hạn cho người dân.

Trong khi đó, Iran ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn nhưng chính phủ nước này đang hy vọng dầu mỏ sẽ tạo ra nguồn lực để vực dậy nền kinh tế, với kế hoạch tăng thêm nguồn cung lên 500.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, dầu mỏ không thể sớm đem lại sự thịnh vượng như Iran kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh giá dầu xuống thấp do Arập Xêút vẫn đang bơm dầu ồ ạt và nền kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu mỏ nhiều nhất thế giới đang hiển hiện nguy cơ giảm phát.

Việc Arập Xêút và Iran tuyệt giao sau vụ Riyadh tử hình Nimr al-Nimr - một lãnh tụ người Shiite có khuynh hướng bạo động vốn kêu gọi chấm dứt chế độ quân chủ ở quốc gia này là một bước ngoặt nguy hiểm cho một khu vực vốn đã bất ổn và bị chiến tranh tàn phá. Sự đối đầu giữa Arập Xêút và Iran sẽ kéo theo sự thay đổi chính sách giữa các nước nhỏ thân hữu hoặc nằm trong vòng ảnh hưởng của hai nước lớn này. Tình trạng đối đầu, bất ổn lan tràn ở Trung Đông chính là cơ hội phát triển sức mạnh, mở rộng lãnh thổ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sự đối đầu giữa hai nước khai thác và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới này cũng sẽ tác động không nhỏ tới thị trường dầu mỏ thế giới, vốn đang trong tình trạng cung vượt quá cầu. Các nước thành viên thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) khó có thể đạt được thỏa thuận giảm sản lượng. Nói cách khác, giá dầu vẫn sẽ giữ ở mức thấp do mất cân bằng về cung cầu. Trung Đông có thể trở nên hỗn loạn hơn vì cả Iran và Arập Xêút đều không có các nguồn lực để tăng hiệu quả cho các cuộc chiến của họ. Tình hình Syria sẽ vẫn bế tắc. Iraq vẫn sẽ phải sống chung với IS, còn Ai Cập sẽ phải vật lộn để duy trì nền kinh tế và kiềm chế lực lượng Hồi giáo.

Israel có lẽ là người hưởng lợi hơn cả trong sự hỗn loạn của Trung Đông mới vì các kẻ thù của quốc gia này đã bị phân tâm và suy yếu bởi các cuộc chiến cũng như những hệ quả của nó, như việc di dân ồ ạt của người tị nạn khỏi khu vực đang tạo gánh nặng lên châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan.

Tín hiệu lạc quan duy nhất về sự phục hồi của giá dầu hiện tại là thông tin về khả năng Arập Xêút sẽ thay đổi chiến thuật trong cuộc chiến dầu mỏ với các nước ngoài OPEC và Iran. Một nguồn tin ở Vùng Vịnh nói với Hãng tin CNN rằng những nước xuất khẩu dầu ở khu vực này “sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để ổn định thị trường và tất cả các lựa chọn đều để ngỏ”. Điều này bao gồm một cuộc họp khẩn cấp có thể diễn ra trong tháng 2 giữa OPEC và các quốc gia ngoài OPEC như Nga. Theo tờ Russia Today, Chủ tịch Hãng vận chuyển năng lượng Nga Transneft Nikolay Tokarev cho biết Arập Xêút đã tiên phong, đưa ra lời đề nghị họp nhóm với các nước khai thác dầu lớn nhất thế giới, trong đó có những thành viên không thuộc OPEC, để bàn về tình hình giá dầu hiện tại và khả năng giảm hạn ngạch.

Linh Phương

Năng lượng Mới số 496

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc