Những lần “xé rào” của ông Năm Công khôi phục sản xuất sau chiến tranh

09:02 | 21/10/2020

193 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khôi phục ngành hải sản, khắc phục tình trạng bỏ HTX sau chiến tranh, Phó Thủ tướng Võ Chí Công khi đó phải đưa ra quyết định “xé rào” để ngư dân có ngư cụ, xăng dầu, còn xã viên được giao ruộng đất.
Những lần “xé rào” của ông Năm Công khôi phục sản xuất sau chiến tranh - 1

Ông Đinh Văn Niệm - Trợ lý Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (tức Chủ tịch nước) Võ Chí Công nhớ lại, sau khi đất nước thống nhất, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thiếu thốn. Trong khi đó cơ chế sản xuất tập trung bao cấp không còn phù hợp nhưng vẫn được duy trì trong nhiều nhăm khôi phục và phát triển nền kinh tế nên không hiệu quả.

“Lúc bấy giờ, anh Năm Công trúng Ủy viên Trung ương Đảng, ra Bắc giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản đầu tiên của Việt Nam. Nhưng hải sản thì đâu đã có gì, vì ngư cụ đánh bắt không có, xăng dầu cũng không được cấp, nên các tàu thuyền nằm bờ hàng loạt. Do vậy, các cơ sở đánh bắt cá dù lớn hay nhỏ đều bế tắc”, ông Đinh Văn Niệm kể.

Theo ông Niệm, điển hình nhất, xí nghiệp quốc doanh Chiến Thắng ở Vũng Tàu có đến 7 tàu đánh cá cỡ lớn nhập của Ba Lan về nhưng không ra khơi được cũng chỉ vì không được cấp ngư cụ và xăng dầu. Nắm được thông tin như vậy, ông Năm Công (ông Võ Chí Công) vào thẳng Vũng Tàu để tìm hiểu lý do cơ sở không thể đưa tàu vào sản xuất.

Những lần “xé rào” của ông Năm Công khôi phục sản xuất sau chiến tranh - 2

“Trực tiếp xem từng con tàu, anh Năm Công tiếc lắm, vì hải sản không đánh bắt được, còn tàu dù có nhưng phải nằm bờ. Họp với công nhân, Ban Giám đốc xí nghiệp quốc doanh Chiến Thắng mấy ngày, họ phát biểu rầm rầm, đầy khí thế muốn ra khơi. Họ nói “nếu nhà nước không cung cấp được thì giao chúng tôi tự làm”. Anh Năm Công hỏi lại: “Giao cho thì các anh tự giải quyết khó khăn thế nào?”. Các ngư dân trả lời: Nhà nước không có ngư cụ, xăng dầu, nhưng bên ngoài bán rất nhiều, chúng tôi có thể gom tiền mua được, sau này có lãi sẽ trả lại cho Nhà nước”, ông Đinh Văn Niệm hồi tưởng về buổi đối thoại.

Những lần “xé rào” của ông Năm Công khôi phục sản xuất sau chiến tranh - 3

Sau nhiều ngày họp với công nhân và Ban Giám đốc của xí nghiệp quốc doanh Chiến Thắng, ông Năm Công kết luận, giao cho xí nghiệp cùng công nhân tự lo liệu, tự chịu trách nhiệm toàn bộ từ ngư cụ, xăng dầu, tàu bè.

Ông Đinh Văn Niệm phân tích, đây là quyết định mang tính “xé rào” của Bộ trưởng Hải sản Võ Chí Công, bởi lúc đó chưa có quy định nào về việc giao tài sản nhà nước cho xí nghiệp và người dân tự lo, tự chịu trách nhiệm và không phải đóng thuế trong thời gian đầu.

Lúc về Hà Nội, Bộ trưởng Hải sản Võ Chí Công cũng trăn trở bởi quyết định như vậy là vượt quy định của Nhà nước về quản lý tài sản công. Vì vậy, ông đã làm báo cáo Chính phủ, Bộ Tài chính cho phép thí điểm, thử cách làm mới xem hiệu quả đến đâu. Thực tế, chỉ trong 2 năm (1976-1977), xí nghiệp Chiến Thắng đã tự lo liệu được ngư cụ và xăng dầu, thậm chí đến giữa năm 1978 đã có hải sản để xuất khẩu.

“Từ thành công của xí nghiệp Chiến Thắng, anh Năm Công cùng các Bộ ngành liên quan đã tìm ra cách tháo gỡ bế tắc trong đánh bắt hải sản bằng cách xóa bỏ cơ chế bao cấp”, ông Niệm nói.

Những lần “xé rào” của ông Năm Công khôi phục sản xuất sau chiến tranh - 4

Thành công trong việc dần xóa bỏ bao cấp ở các xí nghiệp quốc doanh đánh bắt hải sản, ông Võ Chí Công được giao phụ trách cả ngành nông nghiệp cũng đang rất phức tạp, nhất là việc nhiều người dân bỏ hợp tác xã.

“Cuối những năm 1970, tình hình ở một số hợp tác xã bi đát lắm, sản xuất bị đình đốn, lúa chín rũ ra đồng không ai đi gặt. Trước những khó khăn như vậy, anh Năm Công đốc thúc cán bộ của ngành đi xem xét thực tế như thế nào, vì “ngồi một chỗ thì không giải quyết được vấn đề”, ông Niệm cho nay.

Những lần “xé rào” của ông Năm Công khôi phục sản xuất sau chiến tranh - 5

Xuống hợp tác xã Đồ Sơn (Hải Phòng), ông Võ Chí Công ra đồng gặp Ban Chủ nhiệm và các xã viên hỏi: “Tại sao lúa chín mà không gặt?”. Anh em xã viên nói: “Gặt để làm gì? Gặt chúng tôi cũng không thu được gì, vì Ban Chủ nhiệm - những người làm gián tiếp thì được chấm công, ghi điểm nhiều hơn”.

Ông Năm Công cũng đi thăm một số hợp tác xã khác nữa ở Đồ Sơn, nơi có sáng kiến chia ruộng, sửa lại cách khoán, bỏ hình thức đánh kẻng ra đồng. Hợp tác xã giao đất sản xuất cho từng xã viên tự làm, tự chịu trách nhiệm. Các xã viên này phải đóng sản lượng theo phần nhà nước quy định, còn vượt bao nhiêu thì được hưởng bấy nhiêu. Thực tế, cách làm như vậy đã khích lệ được tinh thần sản suất của xã viên, như ở Đồ Sơn năng suất tăng từ 5-10%.

Ông Công cử cán bộ xuống Hà Nam Ninh tìm hiểu nguyên nhân máy cày, máy kéo nhập từ Liên Xô về hơn 3 năm “đắp chiếu” không được cho xuống đồng cày bừa.

Về Hà Nội, ông Võ Chí Công nghe báo cáo ở Thổ Tang (Vĩnh Phú) đã giao khoán đất cho xã viên tự làm tự chịu trách nhiệm nhưng không dám báo cáo. Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc “làm chui” như vậy vì điều lệ hợp tác xã do nhà nước quy định, kế hoạch sản xuất do nhà nước quy định, làm khác đi là sai.

Từ việc đi khảo sát những hợp tác xã “khoán chui” ruộng đất cho xã viên, kết quả năng suất tăng lên từ 5-10%, đoàn công tác và ông Năm Công kết luận, thực tế cách làm này đem lại kết quả thực sự cho dân.

Để sáng tỏ hơn nữa, ông Võ Chí Công về Vĩnh Phú bàn với Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Quy (người kế nhiệm ông Kim Ngọc) bàn phương án thí điểm mở rộng khoán hộ ra 4-5 hợp tác xã và được ủng hộ. Ông Đinh Văn Niệm cho biết, vụ mùa năm 1979 ở Vĩnh Phú còn khá hơn Hải Phòng. Năm ấy, sản lượng lúa tăng lên từ 10-15%, cá biệt có hợp tác xã tăng lên 20% do cách làm mới này.

“Anh Năm Công báo cáo Trung ương cách làm mới đem lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp ở Vĩnh Phú và Hải Phòng và đề nghị sửa đổi hợp tác xã. Từ năm 1980-1981, Bộ Chính trị họp nhiều cuộc về vấn đề này. Cuộc nào cũng kéo dài và rất quyết liệt. Có đồng chí nói làm như vậy coi như là phá làm ăn tập thể. Chủ tịch Trường Chinh phát biểu như búa bổ, cho rằng người có tư tưởng làm như vậy là tiểu tư sản nông dân”.

Những lần “xé rào” của ông Năm Công khôi phục sản xuất sau chiến tranh - 6

“Cuối cùng anh Ba Duẩn (Tổng Bí thư Lê Duẩn - PV) và tập thể Bộ Chính trị thống nhất kết luận: Cách làm này thực sự hiệu quả. Nhưng còn phải lấy ý kiến tập thể xem có sửa đổi hợp tác xã sang khoán hộ hay không. Sau đó, Trung ương biểu quyết thống nhất cách làm mới. Được sự đồng ý của anh Ba Duẩn, anh Năm Công đứng lên phát biểu: Việc này Bộ Chính trị giao cho tôi phụ trách, nếu thực hiện không đem lại kết quả thì tôi chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Sau phát biểu quan trọng đó, Trung ương đứng lên vỗ tay, cười vang, nhất trí thông qua cách làm mới này”, ông Niệm nhớ lại.

Những lần “xé rào” của ông Năm Công khôi phục sản xuất sau chiến tranh - 7

Ông Đinh Văn Niệm cho biết, sau cuộc họp, đến ngày 13/1/1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 100-CT/TW về mở rộng công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong các hợp tác xã. Chỉ thị ra đời, gần như tất cả các hợp tác xã trong cả nước đều hoan nghênh. Được khoán đất, hàng triệu nông dân phấn khởi lao động sản xuất. Chỉ một thời gian ngắn, năng suất lúa của miền Bắc tăng lên rất nhanh.

“Tôi đặc biệt nhớ câu nói của anh Phạm Hùng (lúc đó là Phó Thủ tướng phụ trách phân phối, lưu thông) với anh Năm Công trong một buổi họp: “Anh Năm Công ơi, tôi đang thở phào nhẹ nhõm đây. Miền Bắc chưa bao giờ được như thế này, còn chúng tôi thì không phải ngồi phân chia từng cân lương thực nữa”, ông Niệm nói với vẻ tiếc nuối vì không có máy ảnh để ghi lại cảm xúc của ông Phạm Hùng và Năm Công khi đó.

Theo Dân trí

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc