Những cựu tù Phú Quốc lập bảo tàng "có một không hai"
Mô hình phòng biệt giam B2
Từ trung tâm huyện Phú Xuyên, đi thêm khoảng gần 2 km qua hầm chui dân sinh của đường cao tốc Cầu Giẽ - Pháp Vân, chúng tôi tìm về "Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày" của những người cựu tù binh Phú Quốc tại thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Một ngày ngắn ngủi nhưng chúng tôi có thêm cơ hội để được biết đến việc làm bình dị mà cao cả của những người cựu binh đã từng vào sinh ra tử một thời ở những nhà tù hoặc nơi chiến trường đầy khói lửa. Dù chiến tranh đã đi qua bao nhiêu năm, vẫn có những nỗi đau còn đọng lại, có những mất mát mãi không thể lấp đầy, có những vết sẹo dù liền da nhưng vẫn luôn nhức nhối. Đó chính là những mảng kí ức không thể nào quên!
Bảo tàng độc đáo "có một không hai"
Bảo tàng được xây dựng trên một khu đất rộng chừng 2.000 m2. Lúc mới thành lập, bảo tàng có tên là "Phòng truyền thống chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày". Đến năm 2007, UBND tỉnh Hà Tây cũ đã ký quyết định công nhận phòng truyền thống ấy là "Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày".
Tuy là bảo tàng lịch sử tư nhân nhưng với 3.000 hiện vật, kỷ vật vô giá được trưng bày tại 3 khu chính: Khu tư liệu ảnh về Bác Hồ; Khu kỉ vật thời chiến; Khu tội ác chiến tranh. Ít ai biết rằng, bảo tàng ấy lại là của một người cựu chiến binh từng bị bắt và tù đày ở nhà tù Phú Quốc - ông Lâm Văn Bảng, Phó ban liên lạc cựu tù Phú Quốc.
Để có được bát hương đặt trong đền thờ vong linh các liệt sĩ, ông Bảng cùng đồng đội đã đi khắp các nghĩa trang, nhà tù của mọi miền Tổ quốc như nhà tù Sơn La, nghĩa trang Trường Sơn, nhà tù Phú Quốc… xin mỗi nơi một ít đất, một chân hương mang về.
Ngoài ra, "Bảo tàng này còn là nơi tự tay anh em chúng tôi phục chế những hình ảnh của quá khứ đau thương", ông Bảng cho biết. Bảo tàng này không giống bất cứ bảo tàng nào khác bởi vì những nhân viên trong bảo tàng đều là những nhân chứng sống đã có một thời bị địch bắt giam và tra tấn như thời trung cổ.
Chuồng cọp và những đòn tra tấn dã man tại nhà tù Côn Đảo được tái hiện chân thật.
Trong cuộc hành trình tìm kiếm khắp mọi miền Tổ quốc, có sự góp sức của nhiều đồng đội, mỗi hiện vật trong bảo tàng là một câu chuyện bi hùng mà những chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày phải đổi bằng xương, bằng máu và cả tính mạng để giữ gìn, bảo quản để mang từ nhà tù của địch ra.
Ông Lương Mạnh Dũng ở tận Khánh Hòa có chiếc bấm móng tay 5 tác dụng làm từ chiếc cà mèn bằng inox. Chiếc bấm móng tay đặc biệt này được truyền từ ông cụ thân sinh ra ông Dũng, qua đời chú rồi đời em ông Dũng, 3 thế hệ từng bị tù đày ở nhà tù Phú Quốc, một kỉ vật gia truyền có ý nghĩa quan trọng được coi trọng hơn cả tính mạng của các thành viên trong gia đình. Khi biết ông Bảo sưu tầm, tìm kiếm để phục vụ cho mục đích lưu lại cho con cháu đời sau nhớ đến trang sử hào hùng của dân tộc, ông Dũng đã không ngần ngại tặng lại cho Bảo tàng.
Lá cờ Đảng và tấm chân dung Hồ Chủ tịch được nhuộm bằng máu của đồng chí Nguyễn Thế Nghĩa và các chiến sĩ Cách mạng trong nhà tù Phú Quốc.
Trong số những kỷ vật thiêng liêng ấy phải kể đến lá cờ Đảng và tấm chân dung Hồ Chủ tịch được nhuộm bằng máu của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Phú Quốc. Hình búa liềm ở giữa lá cờ được tạo nên từ những viên thuốc ít ỏi mà các chiến sĩ Cách mạng có được đem mài ra, pha thành màu để vẽ.
Ông Bảng cho biết, trong tù, một viên thuốc còn quý hơn máu. Tuy vậy, nhiều người tù sức khỏe yếu song dứt khoát không uống thuốc, để dành làm màu vẽ cờ Đảng. Đặc biệt, nơi đây còn có những hiện vật còn ẩn hiện đâu đó linh hồn của các liệt sĩ như tảng đá đập vào đầu, đinh đóng vào người hay đầu đạn ghim trong hài cốt…
Bên cạnh các gian trưng bày những mô hình, thủ đoạn tra tấn của giặc với những chiến sĩ Cách mạng, bảo tàng còn có phòng đọc sách báo, phòng trưng bày những kỷ vật, bút ký của Bác cùng những người chiến sĩ.
Tâm nguyện người còn sống
Hiện giờ, bảo tàng luôn có 15 người đều là cựu tù Phú Quốc thường trực, thay phiên nhau chăm sóc, bảo vệ và hướng dẫn khách tham quan bảo tàng. Ngoài ra còn có 10 người làm việc không thường xuyên, cũng đều là những cựu chiến binh trên địa bàn huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Trong 4 năm, 8 tháng, 7 ngày bị địch bắt và tù đày tại lao tù Phú Quốc, ông Bảng đã từng phải chịu đựng và chứng kiến những thủ đoạn tra tấn dã man, tàn bạo của kẻ thù. Lúc ra tù, ông luôn trăn trở phải làm một điều gì đó để tri ân đồng đội - những người đã ngã xuống cho mình được sống.
Từ đó, ông Bảng đã đi khắp các nhà tù, chiến trường, nghĩa trang liệt sĩ khắp đất nước để sưu tầm những kỷ vật, mẫu vật và liên lạc với các đồng đội trong huyện về đây để thành lập, góp phần chăm sóc, quản lý bảo tàng.
Với phương châm sống "Tự nguyện - Tự túc - Tự quản - Tự chịu trách nhiệm", những người CCB trong bảo tàng tuy mỗi người ở một vùng quê khác nhau nhưng điều quan trọng là họ vẫn giữ được tố chất, phong thái của người lính nên chẳng quản ngại đường sá xa xôi, xa gia đình đến "định cư" và thắp nén tâm hương cho đồng đội.
Trong bữa cơm đạm bạc hằng ngày, những người cựu binh ở bảo tàng này vẫn dành riêng hai chiếc bát đựng đồ ăn, hai đôi đũa, hai chén rượu để tưởng nhớ đến những người bạn đã nằm xuống nơi chiến trường.
Còn mãi với thời gian
Sau những khó khăn vất vả, cuối cùng công sức của ông Bảng và đồng đội đã được đền đáp xứng đáng. Bảo tàng không chỉ nhận được sự quan tâm của Nhà nước mà còn được rất nhiều người ủng hộ.
Rất đông khách tham quan Bảo tàng
Không chỉ có các cựu tù đến thăm Bảo tàng, trong đó không ít người hiện đã là những chính khách, mà còn có cả các cháu học sinh, người nước ngoài... các đồng chí lão thành Cách mạng tới dâng hương tưởng niệm, ôn lại một thời quá khứ hào hùng và đau thương của dân tộc. Đó là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần rất lớn, giúp cho ông và đồng đội tiếp tục duy trì Bảo tàng có một không hai này.
Bạn Nguyễn Đình Phú (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nôi) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình tới Bảo tàng này. Tuy rằng mình đã từng đi thăm nhiều bảo tàng nhưng “Bảo tàng các chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày” vẫn để lại cho mình ấn tượng sâu sắc nhất! Mình thực sự khâm phục bác Bảng và đồng đội, những người đã chiến đấu cho độc lập tự do của dân tộc trong thời chiến và bỏ ra bao tâm huyết gìn giữ những kí ức cho đời sau vào thời bình”.
Không chỉ để phục vụ tại chỗ cho những đoàn khách tham quan, những người cựu chiến binh trong Bảo tàng còn tổ chức trưng bày lưu động ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, triển lãm nhiều lần ở Trung tâm triển lãm quốc gia (số 2 Hoa Lư, Hà Nội) hay không ít lần về tận những địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Hơn 20 năm miệt mài sưu tầm, lưu giữ các hiện vật và hình ảnh có giá trị lịch sử với nhiều tư liệu gốc có một không hai, Bảo tàng Chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt và tù đầy của các cựu tù Phú Quốc thật sự đã trở thành một địa chỉ lưu giữ những dấu tích chiến tranh, tôn vinh các anh hùng đã hi sinh cho sự nghiệp lớn lao của dân tộc.
Đến tham quan Bảo tàng, bạn sẽ được chứng kiến những thủ đoạn tra tấn dã man của địch, xúc động trước tấm gương hi sinh anh dũng của các chiến sĩ, từ đó càng thêm thấm thía trách nhiệm của bản thân đối với lịch sử và cuộc sống hôm nay.
Dưới đây là một số hình ảnh từ “Bảo tàng chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày”:
Cựu chiến binh Kiều Văn Uỵch, Phó giám đốc Bảo tàng giới thiệu các hiện vật tại Bảo tàng
Kỉ vật chiếc bấm móng tay năm tác dụng làm từ chiếc cà mèn bằng inox của gia đình ông Lương Mạnh Dũng
Hình ảnh bộ đội ta bị tra tấn như thời Trung cổ
Gậy biệt ly – Giám thị dùng gậy này đánh chết nhiều chiến sỹ trung kiên; Vồ sáu đời - dùng để đánh vào khớp xương của các chiến sĩ Cách mạng bị tù đầy tại nhà tù đảo Phú Quốc.
Dây thừng và những dụng cụ tra tấn tù nhân
Các chiến sĩ Cách mạng thường ém mình trong thùng rác cho bọn địch khiêng ra ngoài đổ và đã vượt ngục an toàn nhiều lần.
Quyết định kết nạp Đảng viên mới cho đồng chí Nguyễn Thị Lan ngay trong nhà tù.
Những “bảo vật” như cái kim tự mài, cái ca, cái cốc... của bộ đội quân giải phóng
Nhạc cụ do các chiến sĩ Cách mạng tự chế trong thời gian bị địch giam tại nhà tù Phú Quốc.
Nguyễn Hoan
-
Đột phá hạ tầng - Thúc đẩy phát triển toàn diện
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Đồng loạt bứt phá hạ tầng, tạo cú hích cho phát triển vùng
-
Thủ tướng: "Ai làm tốt thì giao việc"
-
Thủ tướng: 3 kiến tạo để chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm
-
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu thông điệp chính sách tại Hội nghị P4G Việt Nam 2025