Nhịp đập năng lượng ngày 21/5/2023

20:00 | 21/05/2023

216 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng có chỉ thị về tiết kiệm điện; Châu Á đua giành các hợp đồng LNG dài hạn; Hàn Quốc, Anh thúc đẩy hợp tác năng lượng hạt nhân… là những tin tức nổi bật về năng lượng trong nước và quốc tế ngày 21/5/2023.
Nhịp đập năng lượng ngày 21/5/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Thông điệp của Việt Nam tại Hội nghị G7 mở rộng

Chiều 20/5, tại phiên họp "Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững" của Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực là yếu tố then chốt cho phát triển bền vững. Các nước G7 cần ưu tiên triển khai kịp thời, hiệu quả các cam kết tài chính cho phát triển, đáp ứng yêu cầu cấp bách là xóa, giãn và cơ cấu lại nợ cho các nước nghèo.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất các nước G7 và đối tác tiếp tục đồng hành với Việt Nam triển khai Thỏa thuận Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) một cách thực chất, hiệu quả; góp phần giúp Việt Nam phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo khu vực, tham gia sâu các chuỗi sản xuất công nghiệp phụ trợ về năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn.

Tại phiên họp, nhiều nhà lãnh đạo chia sẻ đánh giá của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tầm quan trọng của đoàn kết và hợp tác quốc tế trong ứng phó các thách thức toàn cầu; nhấn mạnh yêu cầu nhanh chóng bù đắp sự thiếu hụt về tài chính trong thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng có chỉ thị về tiết kiệm điện

Bộ Công Thương vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc ban hành chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo với mức 2%/năm khi nhấn mạnh nhu cầu điện vẫn ở mức cao với 8,5%.

Các mục tiêu cụ thể và giải pháp tiết kiệm điện được đề xuất như sau: Cơ quan, công sở phải tiết kiệm 5% tổng lượng điện tiêu thụ, huy động nguồn lực để lắp đặt, sử dụng hệ thống điện trên mái nhà, đun nước nóng từ năng lượng mặt trời; Chiếu sáng ngoài trời giảm tối thiểu 20% trên cơ sở áp dụng giải pháp quản lý, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ.

Nhà hàng, khách sạn, cơ sở dịch vụ thương mại, tổ hợp văn phòng, tòa chung cư giảm tối thiểu 50% công suất chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cao điểm buổi tối; Các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý, hạn chế giờ cao điểm, tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo, cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm tiết kiệm ít nhất 2% điện năng tiêu thụ, tham gia điều chỉnh phụ tải…; Các hộ gia đình sử dụng các thiết bị dán nhãn tiết kiệm năng lượng và tập thói quen sử dụng tiết kiệm.

Châu Á đua giành các hợp đồng LNG dài hạn

Trong khi người châu Âu có thể không ưa chuộng các thỏa thuận dài hạn, thì người châu Á ở chiều ngược lại. Sau đó, khi vào mùa cao điểm các công ty lớn ở lục địa này sẽ bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho những người châu Âu, theo HSNW.

Theo Wood Mackenzie, kể từ đầu năm nay, các giao dịch dài hạn trị giá khoảng 13 triệu tấn hàng năm đã được chốt, với động lực từ năm ngoái kéo dài sang năm nay. Năm ngoái, công ty nghiên cứu cho biết, khoảng 81 triệu tấn LNG hàng năm đã được ký hợp đồng theo các thỏa thuận cung cấp dài hạn.

Trong số các thỏa thuận được ký kết trong năm nay có hợp đồng 20 năm của Trung Quốc với Venture Global (Mỹ). Công ty sẽ cung cấp 2 tấn LNG hàng năm cho China Gas Holdings (Trung Quốc) bắt đầu từ năm 2027. Ngoài ra, quốc gia này cũng có hợp đồng 25 năm với Energy Transfer (Mỹ) để cung cấp 700.000 tấn LNG hàng năm. Bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ là khách hàng nhập khẩu LNG lớn khác với mong muốn đảm bảo an ninh nguồn cung dài hạn.

Hàn Quốc, Anh thúc đẩy hợp tác năng lượng hạt nhân

Theo hãng tin Yonhap, ngày 20/5, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã có cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản, trong đó bày tỏ hy vọng mở rộng hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, công nghệ và các lĩnh vực khác.

Tổng thống Yoon Suk-yeol nhấn mạnh ý nghĩa của hội nghị thượng đỉnh đầu tiên cùng Thủ tướng Sunak và đề nghị nhà lãnh đạo Anh quan tâm đến việc mở rộng hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, thiết lập quan hệ đối tác kỹ thuật số và tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng.

Về phần mình, Thủ tướng Sunak kêu gọi hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, trong đó có năng lượng hạt nhân, quốc phòng và chất bán dẫn, đồng thời kêu gọi nỗ lực thắt chặt quan hệ song phương nói chung trong bối cảnh kỷ niệm 140 năm quan hệ ngoại giao Anh-Hàn Quốc.

Oman đứng trong 10 nhà xuất khẩu LNG hàng đầu trên thế giới

Theo báo cáo hàng tháng về khí đốt của GEFC (Diễn đàn các nước xuất khẩu khí đốt), mười quốc gia xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới bao gồm Mỹ, Qatar, Australia, Nga, Malaysia, Indonesia, Algeria, Nigeria, Oman và Trinidad và Tobago.

Báo cáo cho biết vào tháng 4/2023, xuất khẩu LNG toàn cầu đã tăng mạnh 6% (1,95 tấn) so với cùng kỳ lên 35,58 tấn. Các quốc gia không thuộc GECF là nhà xuất khẩu LNG lớn nhất vào tháng 4/2023, với thị phần 50,2%, tăng từ 47,5% vào tháng 4 năm 2022. Trong đó, Oman đã nổi lên như một trong mười nhà xuất khẩu LNG hàng đầu trên thế giới, do nhu cầu tăng cao.

Xuất khẩu LNG của quốc gia này đạt mức cao kỷ lục 1,16 triệu tấn (MT) vào tháng 4/2023, tăng 0,08 triệu tấn trong tháng trước. Trong bối cảnh sản xuất kỷ lục, Vương quốc Hồi giáo Oman hiện xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng tới hơn 20 quốc gia trên toàn cầu, với nhà ga Krk LNG của Croatia sẽ nhận lô hàng LNG đầu tiên vào cuối tháng này.

Nhịp đập năng lượng ngày 19/5/2023Nhịp đập năng lượng ngày 19/5/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 20/5/2023Nhịp đập năng lượng ngày 20/5/2023

H.T (t/h)