Nguy cơ thiếu hụt dầu khí nghiêm trọng

15:06 | 15/06/2021

1,099 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, nhu cầu tiêu thụ dầu tăng, nhưng việc thiếu đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt dầu khí nghiêm trọng. Đó là cảnh báo của người đứng đầu Tập đoàn dầu mỏ Nga Rosneft tại Diễn đàn Kinh tế St.Petersburg.
Nguy cơ thiếu hụt dầu khí nghiêm trọng
Đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí đang không tương xứng với mức tăng của nhu cầu thế giới sắp tới

Vào thời điểm năng lượng tái tạo được khuyến khích phát triển, năng lượng hóa thạch rơi vào tình trạng thiếu đầu tư. Đối với Giám đốc điều hành Rosneft, ông Igor Setchine, điều này có nguy cơ gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng dầu và khí đốt, vốn lượng dự trữ đã ở mức rất thấp. “Thế giới có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng dầu và khí đốt”, ông Setchine cảnh báo hôm 5-6-2021 tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St.Petersburg.

Nhu cầu dầu phục hồi nhanh

Nguy cơ thiếu hụt dầu khí nghiêm trọng
Giám đốc điều hành của Tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft của Nga, Igor Setchine

Nền kinh tế thế giới đang trở lại bình thường khi việc tiêm chủng vắc-xin tiến triển tốt, kéo theo sự gia tăng nhu cầu năng lượng, đặc biệt là dầu. Theo ông Setchine, sẽ cần 17 nghìn tỉ USD (tương đương 1/3 đầu tư vào năng lượng toàn cầu) đầu tư cho ngành dầu khí vào năm 2040 để duy trì mức sản xuất hiện tại. Kể từ khi đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thị trường dầu mỏ, một số nhà phân tích đã dự đoán nhu cầu dầu sẽ mất nhiều năm để trở lại mức năm 2019. Nhưng trái ngược với mọi kỳ vọng, sự phục hồi nhu cầu có thể đến nhanh hơn.

Trong bản cập nhật nhu cầu dầu mới, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) thông tin nhu cầu dầu có khả năng quay trở lại mức tiền Covid-19 vào năm tới, dựa trên những tín hiệu phục hồi ở Bắc Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. 3 tháng trước, báo cáo hằng năm của IEA khẳng định nhu cầu dầu toàn cầu đến năm 2023 mới trở lại mức trước đại dịch là 100 triệu thùng/ngày.

Theo Bloomberg, lượng dầu dư thừa được dự trữ trong đại dịch khi nhu cầu giảm tới đáy. Lượng dự trữ dư thừa hầu như tập trung ở Trung Quốc, được tích lũy để cung cấp cho các nhà máy lọc dầu mới. Dữ liệu của IEA cho thấy, trong tháng 2-2021, chỉ 1/5 lượng dầu thặng dư được hình thành và bơm ra ngoài khi nhu cầu tiêu thụ dầu suy giảm vào năm 2020, dầu nằm trong các bể chứa của các nền kinh tế phát triển. Còn nhớ, vào tháng 2-2020, dự trữ dầu ở các nền kinh tế phát triển chỉ cao hơn 57 triệu thùng so với mức trung bình trong giai đoạn 2015-2019, sau đã tăng lên mức cao nhất là 249 triệu thùng vào tháng 7-2020.

Dầu dự trữ gần cạn kiệt

Sự phục hồi kinh tế đang làm hồi sinh nhu cầu nhiên liệu toàn cầu, khiến giá dầu thô quốc tế tăng mạnh. Vào cuối phiên giao dịch tuần trước, WTI giao dịch ở mức 70 USD/thùng, cao nhất trong hai năm rưỡi qua. Sự thay đổi giá dầu WTI diễn ra trong bối cảnh nhu cầu có nhiều triển vọng và nguồn cung từ Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) được kiểm soát tốt hơn. Các nhà phân tích đang “đặt cược” giá dầu WTI ở mức 80 USD/thùng vào cuối năm 2021.

Ngày 13-4-2021, OPEC công bố một báo cáo hằng tháng mới, trong đó dự báo nhu cầu dầu toàn cầu năm 2021 được điều chỉnh tăng lên. Sự lạc quan của OPEC dựa trên hy vọng về việc nới lỏng các biện pháp chống Covid-19 sắp tới và tăng tốc tiêm chủng vắc-xin. OPEC dự kiến nhu cầu sẽ tăng khoảng 6 triệu thùng/ngày và đạt 96,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021. Vào đầu tháng 4-2021, các nước OPEC+ đã đồng ý tăng dần sản lượng khai thác dầu 350.000 thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6; 450.000 thùng/ngày vào tháng 7.

Nguy cơ thiếu hụt dầu khí nghiêm trọng
Ảnh minh họa

Giám đốc điều hành của TotalEnergies, ông Patrick Pouyanné, tuần trước đã bảo vệ sự cần thiết phải tiếp tục tìm kiếm dầu, cảnh báo chống lại “chủ nghĩa giả tạo” về ý tưởng dừng tất cả các dự án thăm dò dầu mỏ nhân danh “khí hậu”. Phát biểu này được đưa ra sau khi IEA thúc giục thế giới quên đi bất kỳ dự án thăm dò dầu mỏ mới nào để giữ cho sự nóng lên toàn cầu trong tầm kiểm soát. “Sự cự tuyệt không hoàn toàn là giải pháp tốt. Tôi muốn nhắc mọi người rằng, ngày nay, nền kinh tế của chúng ta hoạt động với 80% là nhiên liệu hóa thạch”, ông Pouyanné lập luận. Ông Pouyanné cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của tiền từ bán dầu khí trong việc đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Quá trình chuyển đổi năng lượng sẽ dẫn đến việc sử dụng ngày càng ít nhiên liệu hóa thạch, có nghĩa các nước sản xuất sẽ phải đa dạng hóa nền kinh tế theo chiều sâu để bước vào giai đoạn chuyển đổi một cách bình tĩnh.

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 2-6-2021, Công ty Rystad Energy của Na Uy chỉ ra rằng, thuế đánh vào dầu khí đã giảm, lần đầu tiên trong vài năm qua đã xuống dưới mốc 1 nghìn tỉ USD vào năm 2020. Mức thu thực sự của năm 2020 chỉ là 560 tỉ USD, do sự co lại trong sản xuất và giá dầu giảm. Theo Rystad, khoản thuế này sẽ không bao giờ vượt qua mốc 1 nghìn tỉ USD nữa, do sự tăng tốc của quá trình chuyển đổi năng lượng và việc từ bỏ dần dần các nhiên liệu hóa thạch.

Theo Espen Erlingsen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng tại Rystad, các quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn dầu mỏ phải thực hiện những thay đổi cơ cấu khẩn cấp để đa dạng hóa nền kinh tế và tránh những bất ổn có thể tạo ra diễn biến của quá trình chuyển đổi năng lượng. Báo cáo của Rystad chỉ ra một số quốc gia có nguy cơ xảy ra khủng hoảng kinh tế và địa chính trị rất cao. Ví dụ, ở Arập Xêút, khoảng một nửa doanh thu của chính phủ bị đe dọa vào năm 2050. Năm 2019, tổng thu thuế từ dầu và khí đốt chiếm 27% GDP của Arập Xêút. Các quốc gia khác như Algeria, Iraq, Kuwait và Libya cũng tương tự Arập Xêút.

OPEC dự kiến nhu cầu sẽ tăng khoảng 6 triệu thùng/ngày và đạt 96,5 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2021. Vào đầu tháng 4-2021, các nước OPEC+ đã đồng ý tăng dần sản lượng khai thác dầu 350.000 thùng/ngày trong tháng 5 và tháng 6; 450.000 thùng/ngày vào tháng 7.

S.Phương