Thị trường dầu mỏ 6 tháng cuối năm 2019

Nguy cơ bất ổn vẫn hiện hữu

07:39 | 26/06/2019

282 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Gần 2 tuần trước khi diễn ra cuộc họp giữa OPEC và các nhà sản xuất dầu mỏ khác trên thế giới, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn còn nhiều bất an. Viện Dầu khí Pháp (IFP Énergies nouvelles) đã đưa ra những đánh giá về tình hình thị trường dầu mỏ 6 tháng cuối năm 2019 trong phân tích mang tên “Tiềm năng dư thừa dầu mỏ bị lu mờ bởi căng thẳng địa chính trị và cách quản lý OPEC”.

Bất ổn nối tiếp bất an

Giá dầu Brent trung bình đạt 66 USD/thùng trong 5 tháng đầu năm 2019 (so với mức trung bình 71 USD/thùng của năm 2018). Việc chấm dứt miễn trừ cho 8 nước tiếp tục mua dầu của Iran bất chấp lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Iran, được Tổng thống Donald Trump công bố vào tháng 4-2019, đã đẩy giá dầu Brent lên trên 70 USD/thùng. Sau đó giá dầu thô đã giảm trở lại và sự gia tăng sản xuất của Mỹ vẫn còn khả năng làm giá giảm thêm, như những gì đã diễn ra trong năm 2014, IFP Énergies nouvelles cho biết.

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) ngày 14-6 đã hạ mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu với lý do: Tăng trưởng kinh tế thế giới đang chậm lại. Đây là lần thứ hai liên tiếp, IEA hạ mức dự báo chỉ trong 1 tháng. IEA đã giảm 100.000 thùng/ngày trong dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thô cho năm 2019, hiện được dự báo là 1,2 triệu thùng/ngày. Tháng 5, IEA đã giảm dự báo 90.000 thùng/ngày.

nguy co bat on van hien huu
Tàu chở dầu Front Altair của Công ty Na Uy Front Line bị tấn công ngày 13-6 ở biển Oman

Tuy nhiên, hiện tại IEA vẫn khá lạc quan, vì nửa cuối năm 2019 và năm 2020, môi trường kinh tế sẽ tốt, các cuộc tranh chấp thương mại có khả năng sẽ được giải quyết. Nhiều chuyên gia kinh tế đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống 3,2% cho năm 2019, nhưng sẽ tăng nhẹ 3,4% vào năm 2020 và nhu cầu thô sẽ tăng từ 1,2-1,4 triệu thùng/ngày. IEA cũng chỉ ra rằng, nguy cơ bất ổn đã quay trở lại thị trường, nhưng các nước sản xuất dầu mỏ sẽ thừa khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong năm 2020.

Sự bất an đối với các nhà đầu tư trên thị trường dầu mỏ thế giới đến từ chính việc OPEC và các đối tác mãi không chốt ngày họp. Ngày 19-6-2019, OPEC chính thức công bố ngày họp với các đối tác bên ngoài sẽ diễn ra vào ngày 1 và 2-7-2019. Đây là lần thứ 4, OPEC điều chỉnh lịch họp. Trong những năm gần đây, Nga đã thỏa thuận với OPEC việc hạn chế việc cung cấp dầu thô ra thị trường thế giới để hỗ trợ giá sau khi sụt giảm mạnh vào năm

2014 - 2015. Thỏa thuận này được xem xét lại 6 tháng 1 lần. Ban đầu dự định vào tháng 4-2019, cuộc họp đã được lên lịch lại lần đầu tiên vào ngày 25 và 26-6-2019, nhưng Nga và Arập Xêút sau đó đã yêu cầu hoãn lại đến ngày 4-7-2019, nhưng Iran không đồng ý vì sự căng thẳng trong quan hệ giữa Iran với các nước vùng Vịnh.

Thị trường dầu mỏ thế giới đang chịu hai lực kéo trái ngược nhau: Cùng với sự gia tăng sản xuất từ các quốc gia không thuộc OPEC (Mỹ dẫn đầu) là sự cắt giảm sản xuất của các nước OPEC+ và những bất ổn trong nguồn cung từ một số quốc gia thành viên OPEC (Iran, Venezuela, Libya).

Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak ngày 18-6-2019 cũng thừa nhận: “Chúng tôi đã quan sát thấy rằng, vẫn còn nhiều bất ổn trên thị trường hiện nay. Cho nên điều cần thiết là phải tiến hành họp sớm giữa OPEC và các đối tác để đưa ra quyết định cho thị trường trong 6 tháng cuối năm”.

Trước đó, trong cuộc họp với người đồng cấp Arập Xêút, Khaled al-Faleh, tại Moskva ngày 10-6-2019, ông Novak nói: “Hiện tại có những rủi ro lớn về dư thừa nguồn cung. Chúng tôi phải phân tích mọi thứ để đưa ra quyết định cân bằng thị trường vào tháng 7 tới”.

“Trong trường hợp không có thỏa thuận, giá dầu có thể giảm xuống dưới 40 USD/thùng, thậm chí xuống tới 30 USD/thùng. Không loại trừ kịch bản này” - Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Silouanov sau đó cảnh báo.

Theo IFP Énergies nouvelles, thị trường dầu mỏ thế giới đang chịu hai lực kéo trái ngược nhau: Cùng với sự gia tăng sản xuất từ các quốc gia không thuộc OPEC (Mỹ dẫn đầu) là sự cắt giảm sản xuất của các nước OPEC+ và những bất ổn trong nguồn cung từ một số quốc gia thành viên OPEC (Iran, Venezuela, Libya).

Căng thẳng hiện tại ở vùng Vịnh cũng có khả năng tác động mạnh mẽ với sự cân bằng cung cầu dầu toàn cầu, do 6 nước GCC (Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh: Bahrain, Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất, Kuwait, Oman, Qatar) hiện sản xuất khoảng 22 Mb/d.

Các vụ tấn công tàu chở dầu ở vùng Vịnh gần đây đe dọa tới nguồn cung cấp dầu mỏ từ khu vực này ra thế giới. Ngày 13-6-2019, 2 tàu chở nhiên liệu của Nhật Bản và Na Uy đã bị tấn công ở biển Oman. “Sau 2 cuộc tấn công này, tôi vô cùng lo lắng về sự an toàn của các thủy thủ đoàn khi đi qua eo biển Hormuz” - ông Paolo d’Amico, Chủ tịch Hiệp hội tàu chở dầu Intertanko nói - “Hãy nhớ rằng 30% dầu thô của thế giới đang đi qua eo biển này. Nếu những vùng biển này trở nên nguy hiểm, nguồn cung dầu mỏ của phương Tây có thể bị đe dọa”.

Hai cuộc tấn công nhằm vào tàu Front Altair của Công ty Front Line (Na Uy) và Kokuka Courageous của Công ty Kokuka Sangyo (Nhật Bản) diễn ra ở phía Đông eo biển Hormuz, một nhánh biển chia cách Iran ở phía Bắc và Oman cùng Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất ở phía Nam, nơi các tàu từ vùng Vịnh phải đi qua khi muốn ra biển Oman và Ấn Độ Dương. Mỹ đã cáo buộc Iran muốn phá vỡ thị trường dầu mỏ thế giới bằng cách thực hiện những cuộc tấn công trên. Tehran đã mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc này.

Ngay từ ngày 17-5-2019, các công ty bảo hiểm hàng hải của Hãng vận tải biển Lloyd’s of London đã tăng rủi ro liên quan đến vận chuyển trong vùng Vịnh sau vụ phá hoại bí ẩn của 4 tàu thương mại, trong đó có 2 tàu chở dầu ở ngoài khơi UEA. Nhưng vụ tấn công hôm 13-6-2019 làm tăng thêm lo lắng. “Chúng tôi kêu gọi các quốc gia làm mọi thứ có thể để giảm căng thẳng và bảo đảm việc tàu thuyền thương mại qua eo biển Hormuz an toàn” - Angus Frew, Tổng thư ký Bimco (Hiệp hội các công ty vận chuyển biển thế giới) nói.

Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cũng phát đi những lời kêu gọi yêu cầu các nước bình tĩnh. Một số hãng vận tải biển đã đặc biệt sử dụng các biện pháp cẩn trọng. Mitsui OSK Lines của Nhật Bản vừa ra lệnh cho tàu của họ tránh một khu vực bán kính 12 hải lý xung quanh nơi xảy ra các vụ tấn công, theo Bloomberg. Các nhà phân tích nói với AFP rằng, nếu eo biển Hormuz bị đóng cửa, giá dầu sẽ tăng vọt. Nhưng chừng nào tàu thuyền còn có thể lưu thông qua eo biển này, thị trường dầu mỏ rất khó dự đoán.

Chiến lược nào cho OPEC+?

Liên minh các nước sản xuất dầu mỏ OPEC+ sẽ phải xác định chính sách của họ cho nửa cuối năm 2019 trong các cuộc họp cấp bộ trưởng vào ngày 1 và 2-7-2019. IFP Énergies nouvelles cho rằng, hiện tại còn quá sớm để dự đoán sự lựa chọn cuối cùng của OPEC+ là có nên tiếp tục gia hạn thỏa thuận hạn chế sản xuất hay không.

Theo các xu hướng hiện tại - giả định sản xuất của Iran ổn định - sự cân bằng giữa cung và cầu có thể được bảo đảm trong năm 2019. Xuất khẩu của Iran đã giảm xuống còn gần 0,5 Mb/d vào tháng 5-2019 theo số liệu thống kê mới nhất (trong khi mức xuất khẩu của Iran là 2,7 Mb/d trong năm 2017). Tại Venezuela, công suất khả dụng cho xuất khẩu đã giảm từ 2 Mb/d trong năm 2015 xuống 1 Mb/d vào năm 2018 và 0,6 Mb/d vào năm 2019, theo IFP Énergies nouvelles.

OPEC+ đã giảm mạnh nguồn cung dầu vào đầu năm 2017, trước khi tăng nhẹ vào tháng 7-2018. Vào cuối năm 2018, OPEC+ đã tuyên bố giảm sản lượng, có hiệu lực kể từ đầu năm 2019.

S.Phương