Người Việt vẫn… lùn?

07:09 | 21/03/2016

950 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
“Trong vòng 30 năm qua, chiều cao của người Việt có cải thiện nhưng chậm. Chiều cao trung bình của nam giới là 164,4cm, nữ giới là 153,4cm. Tốc độ tăng chỉ 1-1,5cm trong một thập niên”, đó là nhận định của PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia tại Hội thảo “Khuyến nghị sử dụng sữa và chế phẩm sữa cho người Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội. 

Tại hội thảo, Viện Dinh dưỡng cũng cho biết, chiều cao của thanh niên Việt Nam hiện đang thấp hơn so với thanh niên các nước châu Á khác như Nhật Bản, Singapore, Thái Lan 6-10cm. Trong khi những nước này, đặc biệt như Nhật khoảng những năm 50 của thế kỷ trước vẫn bị gọi là “Nhật lùn” do chiều cao hạn chế.

PGS.TS Lê Bạch Mai nhận định: “So với Nhật Bản, mấy thập niên trước họ còn bị gọi là lùn, thì nay chiều cao trung bình nam giới Nhật đã hơn 8cm so với nam giới Việt, nghĩa là chiều cao trung bình của họ đạt mức 172cm đối với nam và 157cm đối với nữ. Với tốc độ tăng chiều cao 1-1,5cm trong một thập niên, chúng ta phải chờ đợi từ 60 cho đến 80 năm nữa ta mới cao được như người Nhật”.

nguoi viet van lun
Đo chiều cao cho trẻ ở Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Lứa tuổi minh chứng rõ nhất cho người Việt vẫn chưa cao là 6-12 tháng tuổi và 6-11 tuổi. Theo phân tích của Bộ Y tế, nhóm tuổi này thấp hơn cả “chuẩn” mà Tổ chức Y tế Thế giới đã đặt ra. Bộ Y tế mà cụ thể là Viện Dinh dưỡng Quốc gia đã khảo sát, nghiên cứu, tìm hiểu các nguyên nhân và được biết chế độ dinh dưỡng của người dân Việt chưa phù hợp, vẫn thừa đạm, thiếu canxi do ít ăn thủy sản và ăn quá mặn, khẩu phần canxi chỉ đáp ứng 60% khẩu phần khuyến nghị. Nguồn thức ăn không đủ canxi, ví như sữa là nguồn giàu canxi, dễ hấp thụ, nhưng chưa là khẩu phần bình thường trong bữa ăn mà chỉ dành cho trẻ em, người ốm, người già. Trong khi đó, cua, tôm, cá nhiều canxi, song ăn để bổ sung canxi phải ăn cả mai và yếm cua, xương cá, tôm ăn cả vỏ… Mà như vậy thì không nhiều người Việt ăn. 

Lượng canxi hấp thụ vào cơ thể vốn đã ít lại bị đào thải nhiều do thói quen ăn quá nhiều đạm, ăn quá mặn của người Việt. Viện Dinh dưỡng cho biết, người Việt ăn mặn gấp 3 lần khuyến cáo với hơn 15mg muối mỗi ngày. Đã vậy, chế độ ăn nhiều protein càng làm tăng bài xuất canxi theo nước tiểu.

Trong một khảo sát của Viện Dinh dưỡng đã từng được TS Lê Danh Tuyên, Viện Dinh dưỡng Quốc gia công bố trước đây, từ năm 1985 đến nay, mức năng lượng khẩu phần ăn của người Việt không thay đổi đáng kể, nhưng cơ cấu sinh năng lượng lại thay đổi rõ rệt. Nếu cách đây 10 năm, protein chỉ chiếm 11% năng lượng thì nay đã tăng lên mức hơn 15%. Đặc biệt, lượng lipit đã tăng lên gấp đôi, khi trung bình một người mỗi năm ăn khoảng 31kg thịt. Điều này cho thấy, người Việt ăn ngày càng nhiều chất đạm, hơn hẳn Hàn Quốc chỉ ăn khoảng 27kg thịt. Trong khi đó, rau xanh, hoa quả mỗi người chỉ ăn 160g, chỉ bằng 50% so với khuyến cáo của ngành y tế. Mà không phải khi trưởng thành mà từ khi lọt lòng, nhiều trẻ em Việt Nam đã được nuôi dưỡng theo “công thức” mất cân bằng ấy. Trong khi các nhà khoa học đã tính 5 năm đầu đời là khoảng thời gian nuôi dưỡng nền tảng, quyết định hình thể và thể chất trong tương lai của các em.

Cũng vì cách nuôi dưỡng thiên lệch như vậy mà tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở nước ta vẫn ở mức cao gần 25%. Như vậy, tính trung bình mỗi năm có khoảng 1,9 triệu trẻ bị suy sinh dưỡng thấp còi. Số trẻ này khi lớn lên sẽ thiếu hụt khoảng 10cm chiều cao với bạn bè cùng tuổi.

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, khẩu phần vitamin D của người Việt rất thấp, dù đây là yếu tố giúp hấp thụ canxi tốt. PGS.TS Mai minh chứng, khẩu phần ăn của người Việt hiện chỉ đáp ứng được 10% nhu cầu khuyến nghị, 80-90% vitamin D của cơ thể chủ yếu tổng hợp từ tiền chất vitamin D dưới da nhờ tác động quang hóa của tia cực tím ánh nắng mặt trời. Nhiều người chưa có thói quen tắm nắng, phụ nữ đi ra đường lại che nắng quá nhiều mà không biết ánh nắng trước 10 giờ và sau 16 giờ rất cần thiết với cơ thể.

Trước hiện tượng thấp bé, nhẹ cân của người Việt, các nhà khoa học đã cho rằng, đây không phải là thuộc tính di truyền của người Việt. Và ngay cả các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy điều này. Như nghiên cứu Nhật Bản cho thấy, các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của con người gồm: chế độ dinh dưỡng chiếm đến 32%, vận động thể dục thể thao chiếm 20%, môi trường tâm lý và xã hội chiếm 16% và yếu tố chủng tộc di truyền chiếm 23%. Như vậy, có đến hơn 3/4 (77%) của những yếu tố ảnh hưởng lên chiều cao là các yếu tố có thể cải tạo được.

Hiểu rõ “cơ chế” này, nhiều quốc gia trên thế giới đã cải thiện chiều cao, tầm vóc bằng cách tập trung vào những yếu tố có thể cải tạo được - chính là chế độ dinh dưỡng cùng với rèn luyện thể thao. Từ thời Minh Trị thiên hoàng, người Nhật đã đưa ra một quốc sách là chương trình “Bữa ăn trưa học đường” gồm các món ăn được người ta chăm chút, chọn lựa cẩn thận, theo những tài liệu, hướng dẫn khoa học chính thống cho học sinh tại trường. Tại Hoa Kỳ, năm 2000, chính phủ tài trợ miễn phí 5,56 tỉ USD cho ăn trưa và 1,4 tỉ USD cho bữa ăn sáng ở các trường tiểu học và trung học. Còn tại Indonesia, có khoảng 600.000 trẻ em tuổi đi học được nhận sữa bò vô trùng miễn phí và khoảng 400.000 trẻ khác được nhận sữa đậu nành…

Để cải thiện chiều cao của người Việt và chế độ dinh dưỡng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 641/QĐ-TTg ngày 28-4-2011 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030. Đề án bao gồm 4 chương trình lớn, trong đó có chương trình số 2: “Chăm sóc dinh dưỡng kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe, chất lượng dân số có liên quan”. Một trong 6 nội dung quan trọng của chương trình số 2 là xây dựng “Chương trình sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và tiểu học”.

Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, quan trọng nhất phải cải thiện chế độ thiếu canxi như hiện nay, có thể bằng cách bổ sung sữa, pho mai, sữa chua cùng các món ăn tôm, cua, cá… Bởi cứ 100g sữa tươi có 120mg canxi, 100g phomai có 720mg canxi, 100g sữa chua có 65-150mg canxi. Cụ thể, mức sữa phải tăng bình quân từ 11,8 lít/người/năm hiện tại lên mức 34 lít/người/năm vào năm 2025.

Nội lực của một quốc gia, dân tộc có phát triển bền vững, mạnh mẽ hay không phụ thuộc rất lớn vào sức khỏe của nguồn nhân lực, trong đó có chiều cao, tầm vóc. Nếu chúng ta không cải thiện được tầm vóc của người Việt thì không đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.

Xuân Bách

Năng lượng Mới số 506