Người Thái tổ chức lễ hội nước trong lũ

10:29 | 12/11/2011

506 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sahattaya Vitayakaseat đặt chiếc thuyền làm từ lá chuối cuộn tròn và hoa vạn thọ xuống dòng nước đục ngầu và để nó trôi về phía một băng ghế công viên đang bị ngập sâu.

Một chàng trai thả một krathong - đèn lồng làm từ lá chuối - tại một ngôi đền nhân lễ hội Loy Krathong

Sahattaya nhắm mắt và cầu nguyện. Cô lặng yên cầu mong sự tha thứ từ thần nước Thái Lan, "người” được cho là đã gây ra cơn đại hồng thủy ba tháng qua ở đất nước của Sahattaya và cướp đi hơn 500 sinh mạng.

"Tôi không định tham dự lễ hội tối nay đâu vì đã có quá nhiều nỗi đau và mất mát”, Sahattaya, 45 tuổi, nói khi vương quốc Đông Nam Á tổ chức lễ hội nước Loy Krathong, lễ hội trăng tròn diễn ra hàng năm khi mùa mưa kết thúc. "Nhưng đây cũng là cơ hội để thả cho nỗi đau trong chúng tôi trôi đi xa”.

Người Thái Lan tin rằng những chiếc thuyền nến được thả trôi trên sông trong ngày lễ Loy Krathong có thể chở nỗi buồn của họ đi xa và bắt đầu một cuộc sống mới. Tuy nhiên, lễ hội truyền thống năm nay, vốn bắt nguồn từ hàng trăm năm trước để tỏ lòng thành kính với thần nước, lại diễn ra trong hoàn cảnh bi thương của cơn lũ lịch sử.

Nước lũ bắt đầu tấn công Thái Lan từ hơn ba tháng trước trong một đợt mưa dài ngày, cuốn trôi hầu hết các thành phố của miền bắc và miền trung. Đây là đợt lũ khủng khiếp nhất trong lịch sử hiện đại của Thái Lan. Vài tuần qua, các khu vực ngoại ô Bangkok cũng bị lũ nhấn chìm, khiến người dân phải lũ lượt sơ tán đến những vùng lân cận. Cách di chuyển thuận tiện nhất bây giờ là dùng thuyền. Thuyền được làm từ bất cứ vật liệu gì có thể nổi được trên nước như chai nhựa, ống tre… Nỗi đe dọa từ cơn lũ vẫn chưa chấm dứt và Bộ Du lịch Thái Lan đã buộc phải hủy lễ hội Loy Krathong ở thủ đô Bangkok năm nay.

Con sông Chao Phraya, thường được phủ đầy bằng hàng nghìn chiếc thuyền đèn trong ngày lễ này, giờ bị bao trùm bởi bóng tối và sự vắng lặng. Cục Đô thị Bangkok đã yêu cầu người dân không thả đèn trên sông hay bất kỳ khu vực lụt lội nào. Giới chức lo ngại rằng chúng có thể gây cháy ở những ngôi nhà đã bị bỏ hoang hoặc làm tắc ngẽn dòng chảy các kênh rạch giúp thoát nước lũ đổ về Bangkok.

Tuy nhiên, nhiều người Thái vẫn tổ chức lễ hội trên khắp Bangkok với bóng bay, mỳ và krathongs – loại lồng đèn truyền thống được làm từ lá chuối. Có một điểm khác biệt trong lễ hội năm nay là các thùng quyên góp được lập ra ở nhiều nơi để hỗ trợ các nạn nhân lũ lụt.

Tại công viên Santi Chai Prakan bên bờ sông, các em thiếu niên thích thú đốt pháo bông. Hàng chục chiếc đèn lồng bằng giấy, gắn nến lung linh, được thả lên bầu trời đêm. Đèn lồng cũng được thả trên mặt nước ở một địa điểm bị ngập lụt nhưng được ngăn lại để không trôi về phía các con sông.

"Bà ấy thật tàn nhẫn”, Vilasini Rienpracha, một người dân, nói đùa khi nhắc đến vị thần nước được dân gian gọi là Phra Mae Khongkha. "Bà ấy muốn vào những khu phố của chúng tôi và xem thành phố trông thế nào. Nhưng thế là đủ rồi, đã đến lúc bà ấy phải đi”.

Những chiếc đèn lồng được người dân Thái Lan thả trên một hồ chứa trong lễ Loy Krathong.

Lễ hội Loy Krathong bắt nguồn từ hàng trăm năm trước, khi hầu hết người Thái sinh sống trong những ngôi nhà sàn làm từ gỗ, sống dựa vào nguồn nước sông và các vùng canh tác nông nghiệp. Đời sống canh nông phụ thuộc vào thiên nhiên dần được thay đổi nhờ sự phát triển hiện đại, nhưng đó cũng là lý do làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng hiện tại. Qua nhiều thập kỷ, các con kênh dùng để xả lũ hàng năm ở thủ đô bị thu hẹp dần để lấy đất làm đường cao tốc, trung tâm mua sắm và các khu chung cư.

Sahattaya nói rằng người Thái đã đối xử không tốt với các con sông, làm chúng ô nhiễm vì rác, làm trầm trọng thêm tình hình lũ lụt hàng năm bằng việc phá rừng và quy hoạch đô thị kém chất lượng.

"Nếu con người không thay đổi hành vi của mình thì chính con người sẽ phải đối mặt với thêm nhiều thảm họa”, cô nói. "Đã đến lúc phải hành động một cách tích cực thay vì phá hủy môi trường. Chúng ta quá tham lam. Chúng ta đã đối xử không tốt với Mẹ Thiên Nhiên và bây giờ, bà ấy trở lại trừng phạt chúng ta”.

Theo VNE