Người nổi tiếng và văn hóa mạng xã hội

22:21 | 22/09/2017

3,297 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Câu chuyện giảng viên Hồng Nhung lên mạng xã hội “tố cáo” NSND Anh Tú chèn ép trong công việc đang khiến dư luận xôn xao. Dù sự việc này chưa ngã ngũ, song việc người nổi tiếng biến mạng xã hội thành công cụ “đấu tranh”, công kích lẫn nhau đang khiến hình ảnh của họ trở nên méo mó, xấu xí trong mắt người hâm mộ.   

Vụ việc giảng viên Nguyễn Hồng Nhung (Khoa Sân khấu và Múa - Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội) - vợ NSƯT Xuân Bắc lên mạng xã hội “tố” đồng nghiệp của chồng chèn ép mình, còn nhà trường thì không coi trọng giảng viên đã thu hút sự chú ý của đông đảo người hâm mộ. Dù đây mới chỉ là thông tin từ một phía nhưng dư luận lập tức “dậy sóng”. Như thường lệ, người khen, kẻ chê, người bán tín bán nghi, trong đó có không ít người cũng đang hoạt động nghệ thuật. Để rồi sau sự việc này, một loạt nghệ sĩ tiếp tục đăng đàn trên mạng xã hội, để lại bình luận về sự việc này.

Điều đáng nói ở chỗ, nghệ sĩ bị “tố” chính là NSND Anh Tú - hiện đang là đồng nghiệp với NSƯT Xuân Bắc tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Và thời điểm vụ việc lùm xùm này xảy ra cũng là lúc giám đốc nhà hát này nhận quyết định nghỉ hưu và cả hai phó giám đốc đều là ứng cử viên kế vị sáng giá.

nguoi noi tieng va van hoa mang xa hoi

Khi được hỏi lý do livestream để giải tỏa bức xúc thay vì gửi đơn lên các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết đúng quy trình, chị Nhung cho biết sử dụng mạng xã hội vì nghĩ đấu tranh bằng dư luận là cách có thể đòi được quyền lợi nhanh nhất, giành được nhiều sự quan tâm nhất. Tuy nhiên, những tố cáo của chị Hồng Nhung cũng đã gặp sự phản ứng từ phía lãnh đạo Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Chia sẻ về câu chuyện vợ của NSƯT Xuân Bắc livestream tố đồng nghiệp, NSƯT Minh Vượng cho rằng, mạng xã hội là nơi gắn kết mọi người với nhau, nên khi thấy đàn em lấy mạng xã hội để chia sẻ chuyện này chuyện kia… làm cho mọi thứ trở nên ồn ào khiến chị rất buồn.

Đồng quan điểm với NSƯT Minh Vượng, nghệ sĩ Trà My cũng cho rằng, phàm là người nổi tiếng thì nên cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói lẫn cách hành xử. Việc đưa những vấn đề riêng tư lên mạng xã hội sẽ khiến người đời dễ hiểu theo một chiều hướng khác và khi đó người bị ảnh hưởng trước hết là bản thân mình. Chị cũng cảm thấy buồn khi thời gian gần đây có quá nhiều người nổi tiếng xem mạng xã hội như một công cụ để làm những chuyện không đáng.

Trước vụ việc của bà xã Xuân Bắc, nghệ sĩ Việt Hương, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Minh Hằng, Phi Thanh Vân và NSƯT Chu Hùng cũng từng chọn cách livestream để bày tỏ bức xúc mà bản thân đang gặp phải và bày tỏ mong muốn cộng đồng mạng giúp mình đòi lại quyền lợi.

Tháng 2-2017, nghệ sĩ Việt Hương đã livestream để đáp trả người đã chửi bới hoạt động thiện nguyện của mình và “lên án” một số cá nhân đã “ném đá” mình. Việc làm của Việt Hương sau đó cũng bị khá nhiều cư dân mạng phản đối, bởi họ có cảm giác nữ danh hài này hơi cố chấp và so đo thiệt hơn.

nguoi noi tieng va van hoa mang xa hoi

Vào hồi tháng 7-2017, NSƯT Chu Hùng cũng đã livestream kêu cứu vì 3 năm không được cấp điện nước ở nhà, khiến cuộc sống khó khăn. Mặc dù sau đó, Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã cấp lại nước cho ông nhưng sự thật về câu chuyện “cắt điện, cắt nước” cũng khiến chính anh không muốn đả động thêm khi được hỏi đến.

Trước đó nữa, vào tháng 12-2016, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng livestream chia sẻ chính câu chuyện về người mẹ ruột. Anh tố cáo chính mẹ ruột là người lấy danh nghĩa của anh để mượn tiền bạn bè, người hâm mộ, khiến anh phải trả số nợ 20 tỉ đồng. Vừa livestream vừa khóc, Đàm Vĩnh Hưng chấp nhận chịu đàm tiếu rằng anh “vạch áo cho người xem lưng”. Với nam ca sĩ, đó là lựa chọn bất đắc dĩ vì anh không muốn những người quen biết anh bị lợi dụng thêm nữa. Nam ca sĩ chia sẻ: “Một tháng kiếm được bao nhiêu thì lại phải trả 500-600 triệu đồng cho con nợ. Chưa trả hết gói này lại tới gói khác ập tới”.

Xưa nay, nhiều nghệ sĩ có cái “tôi” to hơn và cũng dễ bị tổn thương hơn người bình thường. Trang cá nhân của họ cũng luôn có lượng người theo dõi đông đảo. Vì thế, bất kỳ hành động nào của các nghệ sĩ trên trang cá nhân, trên các phương tiện truyền thông đại chúng cũng luôn nhận được sự quan tâm của người hâm mộ; đặc biệt là khi họ chia sẻ, thể hiện sự bức xúc, tố khổ, thậm chí chỉ trích việc này, người kia… qua livestream như một cách thông báo công khai, trực diện. Vì thế, nếu nghệ sĩ truyền tải thông tin chuẩn xác, tích cực và đúng đắn, thông tin ấy sẽ có tác động tốt tới số đông người hâm mộ; ngược lại, nếu thông tin sai lệch, một chiều, có tính chất “bêu xấu” thì hậu quả thật khôn lường.

Chính vì thế, nếu chỉ vì những xích mích, những hiểu lầm, những bức xúc mà nghệ sĩ “lôi nhau” lên mạng xã hội để bôi nhọ, để “vạch mặt” thì vô hình trung việc làm này đang khiến hình ảnh nghệ sĩ xấu xí, méo mó trong mắt người hâm mộ.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội): Mạng xã hội cũng tựa như một xã hội thu nhỏ

nguoi noi tieng va van hoa mang xa hoi

Ở đó có rất nhiều thành phần xã hội khác nhau. Thậm chí, con người ở đây còn có cơ hội tương tác và giao tiếp với nhau nhiều hơn ở thế giới bên ngoài. Vì thế, không có lý gì phải hạn chế đi cơ hội được kết bạn, bày tỏ quan điểm, bày tỏ cảm xúc… rất thường tình của con người.

Phàm là người nổi tiếng bao giờ cũng bị chú ý và soi mói nhiều hơn là người bình thường. Người ta thường trông đợi vào người nổi tiếng một cách hành xử tốt đẹp, chuẩn mực, văn minh… Và bên cạnh đó, thông tin người nổi tiếng đưa ra cũng có sức nặng hơn. Vì thế, bất kỳ điều gì cũng cần phải cân nhắc, nhất là trong cách truyền đạt thông tin đến đám đông.

Người ta nói mạng xã hội là con dao hai lưỡi vì không phải câu chuyện nào cũng nhận được sự cảm thông và chia sẻ mà sẽ có những phản biện xã hội ở những góc nhìn khác nhau. Nếu chủ ý biến mạng xã hội trở thành công cụ để bộc lộ cảm xúc hoặc đấu tranh thì phải lường trước được hậu quả. Áp lực từ dư luận khi họ bới móc và lật đi lật lại vấn đề để soi chiếu là rất lớn. Tóm lại, nguy cơ của việc bản thân phải đối diện với áp lực trái chiều từ việc này là rất cao.

Khánh An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.