“Người anh cả” của ngành điện Sơn La

16:50 | 22/08/2019

584 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nhiều cán bộ, công nhân ngành điện Sơn La vẫn thường gọi ông Phạm Văn Long, nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La với cái tên như vậy. Bởi, 60 tuổi đời, gần 40 năm công tác, trong đó 26 năm gắn bó với ngành điện, từ công nhân đến cương vị lãnh đạo, ông đã in dấu chân từ vùng thấp, vùng cao, đến những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, góp phần mang ánh sách của đảng đến với đồng bào các dân tộc đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La.

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thái Nguyên chuyên ngành điện khí hóa, ông về nhận công tác tại Xí nghiệp sửa chữa ô tô 7/11 (Sở Giao thông Sơn La), tháng 7/1993 ông chuyển sang ngành điện Sơn La. 26 năm gắn bó với ngành điện, trải qua nhiều ví trí công tác, từ chuyên viên phòng Xây dựng cơ bản, Đội phó, Đội trưởng Đội xây dựng điện; Phó trưởng phòng, Trưởng phòng Kế hoạch và đầu tư; Trưởng phòng Quản lý xây dựng; Chủ tịch Công đoàn Công ty; Từ tháng 9/2002 đến 2019, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La.

“Người anh cả” của ngành điện Sơn La
Ông Phạm Văn Long, nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực Sơn La.

Những năm đầu khi ông mới chuyển sang ngành điện, đặc biệt từ năm 1986, thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, nhu cầu điện phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt trên địa bàn tỉnh tăng cao, trong khi đó, hệ thống lưới điện quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La chưa phát triển. Đây là những năm tháng ông lăn lộn cùng với anh em trong Đội xây dựng điện thi công xây lắp tuyến đường dây 110 kV nối liền lưới điện quốc gia từ Hòa Bình - Mộc Châu - Sơn La - Tuần Giáo - Điện Biên; Xây dựng các trạm biến áp 110kV Mộc Châu, Sơn La và các tuyến đường dây đưa điện lưới quốc gia về các huyện Bắc Yên, Phù Yên, Yên Châu, Mai Sơn, Mường La, Sông Mã, Quỳnh Nhai cùng các xã dọc tuyến đường dây đi qua. Có thể nói, đây là thời kỳ khó khăn, vất vả nhất của ngành điện Sơn La, do địa hình thi công chủ yếu vùng rừng núi, đồng bào dân tộc thiểu số, thiết bị, máy móc phục vụ thi công thiếu thốn, thủ công, chủ yếu dùng sức người là chính. Để bảo đảm tiến độ, ông và những anh em trong Đội luôn phải xa nhà, ăn bờ, ngủ bụi, khó khăn, vất vả, nhưng ông không nản lòng, thường xuyên động viên anh em khắc phục, thêm mỗi bản, mỗi xã có điện lưới quốc gia là nguồn động viên anh em trong đội nỗ lực hơn nữa.

Ngày 13/3/1990 Bộ Năng lượng đã ra Quyết định số: 100 NL/TCCB-LĐ thành lập Sở Điện lực Sơn La trực thuộc Công ty Điện lực 1. Đây là bước ngoặt khi hợp nhất các cơ sở phát điện trong tỉnh về một đầu mối, các trạm điện từ các huyện trong tỉnh được giao về cho Sở Điện lực Sơn La quản lý. Trong điều kiện còn khó khăn về tài chính, nhưng với quan điểm “Không có điện, không thể phát triển kinh tế”, ông đã tích cực đóng góp công sức, tham mưu cho ngành điện và tỉnh Sơn La những giải pháp huy động các nguồn vốn từ ngân sách, vốn từ các dự án và huy động vốn trong nhân dân để đầu tư xây dựng các trạm biến áp, tuyến đường dây trung thế, hạ thế. Qua đó, giúp Điện lực Sơn La hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất phân phối, kinh doanh bán điện. Đồng thời, còn tổ chức các hoạt động xây dựng, cải tạo, sửa chữa nguồn lưới điện; giúp đỡ địa phương trong việc quản lý sản xuất các trạm thuỷ điện nhỏ và hướng dẫn nhân dân sử dụng điện; sử dụng có hiệu quả toàn bộ tài sản, lưới điện, nguồn điện được giao quản lý.

Từ năm 2000-2005, Điện lực Sơn La bước vào giai đoạn tập trung đầu tư đưa điện đến các xã, các trung tâm đông dân cư; Từ năm 2006 đến nay, công tác đầu tư phát triển nguồn và lưới điện của Công ty tăng cả về chất và lượng. Mỗi dấu mốc quan trọng trên chặng đường xây dựng và phát triển của Công ty đều có sự đóng góp của ông. Nhiều năm gắn bó với lĩnh vực đầu tư xây dựng, trong vai trò Phó Giám đốc Công ty, ông đã tham mưu và cùng với Ban Giám đốc chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng quan trọng, như Dự án cấp điện thi công xây dựng công trình thủy điện Sơn La; Dự án cấp điện các khu điểm tái định cư Thủy điện Sơn La, cấp điện cho thị trấn Phiêng Lanh, huyện Quỳnh Nhai. Thực hiện tốt vai trò quản lý A dự án 110kV Sơn La - Sông Mã, dự án thủy điện Sơn Vin, Chiềng Pằn...

Đặc biệt, đến hết năm 2011, toàn tỉnh vẫn còn trên 58.000 hộ, chiếm 24% tổng số hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, chủ yếu tập trung ở những xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới và vùng tái định cư Thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Sơn La. Năm 2012, triển khai Dự án cung cấp điện lưới quốc gia cho đồng bào các dân tộc tỉnh Sơn La, Dự án có tổng mức đầu tư 557 tỷ 821 triệu đồng, do Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc làm chủ đầu tư, Công ty Điện lực Sơn La trực tiếp quản lý và thực hiện dự án. Không thể kể hết khó khăn thi triển khai Dự án, bởi địa hình thi công các hạng mục, hệ thống đường dây chủ yếu đi qua những vùng có địa hình hết sức phức tạp.

Với vai trò, trách nhiệm là Phó Giám đốc phụ trách công tác đầu tư xây dựng, ông đã tích cực tham mưu cho Công ty, tranh thủ sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành và các địa phương, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ khi bắt đầu chuẩn bị dự án và bảo đảm quá trình xây dựng đúng tiến độ. Qua đó, dự án nhận được sự đồng tình và đón nhận với tinh thần phấn khởi của nhân dân, quá trình giải phóng mặt bằng và thi công rất thuận lợi, cùng với sự quyết tâm cao của cán bộ, công nhân, toàn bộ các gói thầu đều hoàn thành việc thi công đúng tiến độ, bảo đảm cấp điện đến các bản theo đúng kế hoạch. Đồng thời, giai đoạn 2012-2015 Công ty cũng quản lý dự án Dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện trên địa bàn 4 Huyện Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên, Phù Yên, tỉnh Sơn La và Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Sơn La giai đoạn 2016-2020 đã góp phần nâng tỷ lệ số hộ dân có điện toàn tỉnh năm 2018 đạt 94%.

Chúng tôi còn nhớ, vào tháng 7/2013, sau nhiều nỗ lực bảo đảm tiến độ thi công, ông cùng với đoàn công tác của Công ty lên đóng điện cho xã vùng cao Háng Đồng của huyện Bắc Yên, đây là xã 100% là đồng bào dân tộc Mông, cũng là xã cuối cùng của tỉnh Sơn La có điện lưới Quốc gia. Gần 30 km từ trung tâm huyện Bắc Yên lên xã thì hơn một nửa là đường đất, lại đúng vào giữa mùa mưa, mặc dù đã bố trí mấy chiếc xe u oát và đồ ăn sáng, nhưng cả đoàn không dám nghỉ để ăn, bởi nếu mưa xuống đường trơn không thể đi được. Đến quá trưa, sau khi đóng điện, chia vui với bà con xong, cả đoàn lại phải quay ra luôn, mọi người đều phải nhịn đói. Nhưng khi nhìn bà con vùng cao phấn khởi lần đầu tiên được đón dòng điện lưới quốc gia cả đoàn quên hết cả cơn đói. Rồi, có lần phải đi nhờ cả xe trâu của bà con để vào đóng điện cho bản đồng bào dân tộc Mông bản Tà Đứng, xã Chiềng Sung; hay thuê xe ôm đi theo đường mòn cheo leo để đến được nơi đặt trạm biến áp… Những lần như vậy, ông luôn là người sát cánh, chia sẻ cùng với công nhân.

Những cống hiến của đồng chí đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển của Công ty Điện lực Sơn La đã được ghi nhận qua Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2014, cùng nhiều bằng khen của Bộ Công thương, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, của UBND tỉnh Sơn La; Năm 2017, đồng chí được trao huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Tháng 3/2019, ông được Nhà nước cho về nghỉ chế độ hưu trí.

Không thể kể hết những khó khăn vất vả và những đóng góp, cống hiến của ông trong 26 năm gắn bó với ngành điện, mỗi vị trí công tác ông luôn được đồng nghiệp tin yêu; tận tâm với công việc, với vai trò là lãnh đạo luôn sát sao, quyết đoán trong chỉ đạo, điều hành. Những kiến thức và kinh nghiệm quý báu của ông tích lũy trong suốt thời gian công tác là bài học, là tấm gương để mỗi CBCNV phấn đấu, học tập; là tấm gương về phong cách lãnh đạo. Nghiêm túc, trách nhiệm trong giải quyết công việc, nhưng trong cuộc sống đời thường ông lại thật giản dị, hòa đồng với CBCNV; luôn quan tâm đến đời sống của công nhân.

Phạm Thị Ngọc Diệp - PC Sơn La

Điện về, Pa Khôm tưng bừng đón Tết
Giữ nguồn sáng vùng biên ải
Điện lực Sơn La "đi trước một bước"
Điện lực Sơn La: Nhiều việc đã... vượt miền xuôi

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps