Ngành Dầu khí gặp khó trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

15:00 | 19/07/2019

1,285 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - TS. Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam thẳng thắn chỉ rõ thực trạng khó khăn của ngành Dầu khí trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và nhấn mạnh cần phải có cơ chế phát triển trong thời gian tới đối với ngành.

Phát biểu tại Hội thảo khoa học với chủ đề “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - Vai trò của ngành Dầu khí" vừa tổ chức ngày 18/7, TS. Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đã nêu rõ một số thực trạng đồng thời nêu lên một số định hướng của ngành Dầu khí trong thời gian tới.

nganh dau khi se gap kho trong viec dam bao an ninh nang luong quoc gia
TS. Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

Phóng viên Petrotimes lược ghi lại ý kiến của Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam tại Hội thảo.

Hiện nay, thế giới dự báo đến năm 2030, nhu cầu năng lượng sơ cấp sẽ lên đến gần 20 tỷ tấn/năm, trong đó dầu khí chiếm khoảng 40 - 45% (25% của khí và 20% của dầu). Điều này chứng tỏ dầu khí vẫn là một trụ cột của năng lượng trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Các mỏ dầu khí lớn của Việt Nam hiện đang suy giảm sau hơn 30 năm khai thác. Để thăm dò, khai thác mỏ dầu mới phải triển khai ở những vị trí khó khăn, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao hơn trong khi an ninh chưa đảm bảo. Do đó chúng ta vẫn phải tiếp tục khai thác ở các mỏ dầu truyền thống.

Có thể khẳng định trữ lượng dầu khí của chúng ta vẫn còn nhưng để đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước sẽ rất khó khăn. Liệu dầu khí sẽ chiếm bao nhiêu % trong đảm bảo an ninh năng lượng? Chúng ta phải xác định lại khả năng của dầu khí, phải xác định xem dầu khí có khả năng đảm bảo bao nhiêu triệu tấn/năm trong kế hoạch đến năm 2035 để đóng góp vào an ninh năng lượng quốc gia. Và nếu dầu khí không làm được thì liệu có cơ chế nào cho khai thác dầu khí trong nước cũng như nhập khẩu dầu từ nước ngoài? Hy vọng chúng ta có một con số cụ thể để có thể định hướng phát triển trong thời gian tới.

Dầu khí sẽ đối phó như thế nào? Chúng ta bàn về giá dầu nhưng kỳ thực giá dầu không thể kiểm soát được, đó là yếu tố biến đổi liên tục. Chúng tôi cảm nhận ngành Dầu khí vẫn tiếp tục là công cụ điều tiết, công cụ hỗ trợ cho ngân sách Nhà nước.

Năm 1988, chúng ta phát hiện dầu ở tầng đá móng, đi vào lịch sử khai thác dầu khí thế giới. Tuy nhiên, với sự thay đổi của tình trạng tài nguyên, sự thay đổi về tình hình kinh tế - chính trị trên thế giới nói chung và công nghiệp dầu khí nói riêng, ngành Dầu khí phải có cách tiếp cận khác, phải có được một chính sách đặc thù cho các hoạt động dầu khí.

Và điều quan trọng nhất lúc này là chúng ta phải sớm sửa đổi, bổ sung Luật Dầu khí trong tình hình mới để khuyến khích đầu tư. Cùng với đó, chúng ta phải thực hiện cho bằng được Nghị quyết 41, đó là “kim chỉ nam” cho ngành Dầu khí trong việc triển khai các hoạt động của mình.

Có thể nói rằng, những khi gặp khủng hoảng, khó khăn, ngành Dầu khí luôn được sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, ngành Dầu khí đã gặp khủng hoảng lớn khi các công ty tư bản rời đi do cấm vận của Mỹ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã ra quyết định hợp tác với Nga, đánh dấu bằng việc ra đời Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, mở ra một thời kỳ phát triển mới của ngành Dầu khí. Tuy gặp nhiều khó khăn, khủng hoảng qua từng thời kỳ nhưng có thể nói ngành Dầu khí đã không làm mất đi niềm tin của Đảng, Nhà nước. Ngành Dầu khí luôn thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, giữ vai trò đảm bảo an ninh năng lượng cho đất nước cũng như là công cụ điều tiết kinh tế vĩ mô hiệu quả của Chính phủ.

Minh Loan - Hiền Anh

nganh dau khi se gap kho trong viec dam bao an ninh nang luong quoc giaMột quá trình tư duy sáng tạo
nganh dau khi se gap kho trong viec dam bao an ninh nang luong quoc gia“Một triệu tấn dầu từng là mong ước của cả dân tộc”
nganh dau khi se gap kho trong viec dam bao an ninh nang luong quoc giaBa giải pháp quan trọng để PVN phát triển bền vững