Mỹ "chêm lại cái chốt bị lỏng" trong trục xoay về châu Á

11:30 | 15/02/2014

2,247 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ luôn nói đặt trọng tâm đối ngoại vào châu Á. Nhưng việc Tổng thống Obama lỗi hẹn với các lãnh đạo khu vực này hồi tháng 10/2013 đã khiến sự khả tín của Mỹ bị nghi ngờ. Chuyến thăm của Ngoại trưởng và Tổng thống Mỹ tới khu vực này được coi là nhằm xua tan những nghi ngờ trên.

Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông sẽ công du châu Á vào tháng 4/2014

Tuyên bố đầu tiên của Mỹ về chính sách chuyển trục xoay sang châu Á được Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra vào năm 2009 tại Thái Lan. Tiếp theo, Tổng thống Obama qua những chuyến công du và tham dự hội nghị ở châu Á cũng như qua bài diễn văn nhận chức nhiệm kỳ 2, bày tỏ dấu hiệu Mỹ muốn “tái quân bình thế lực” ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Nhưng gần đây một số dư luận hoài nghi về sự tiếp tục thực hiện đường lối đó do gặp phải nhiều trở ngại. Phải chăng Mỹ đã từ bỏ mục tiêu ấy? Trong bản Thông điệp Liên bang đọc hôm 28/1/2014, Tổng thống Obama nói, vấn đề đối ngoại chỉ chiếm một vai trò rất khiêm nhường và khu vực châu Á - Thái Bình Dương không là ưu tiên chính. Điều này khiến nhiều nhà bình luận khi đó cho rằng các nước bạn đồng minh của Mỹ chưa thấy đủ tin tưởng với chính sánh chuyển trục về châu Á.

Tuy nhiên, đề tài này đang được chú ý trở lại do chuyến thăm 4 nước châu Á vào cuối tháng 4 tới của Tổng thống Obama vừa được Nhà Trắng thông báo. Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng John Kerry bắt đầu hôm 12/2 đồng thời cho thấy, dù muốn dù không, khu vực này vẫn chiếm vị trí quan trọng đặc biệt trong tất cả mọi chương trình hành động mà chính quyền Obama phải giải quyết.

Hồi tháng 10/2013, Tổng thống Obama đã phải hủy bỏ chuyến đi châu Á vì bế tắc ngân sách ở Quốc hội khiến chính quyền phải đóng cửa hai tuần lễ. Với chuyến đi này, ông Obama đã dự tính tham dự các hội nghị khu vực tại Indonesia, Malaysia, và thăm Philippines, Malaysia.

Chuyến công du sắp tới của ông Obama do đó là việc làm lại chuyến đi không thành hồi tháng 10 năm ngoái, và cuộc thăm viếng Malaysia, Philippines giống như đã định lần trước. Điểm khác biệt chính là chuyến thăm tháng 10/2013 chú trọng vào các vấn đề ở Đông Nam Á, còn lần sắp tới nhắm vào Đông Bắc Á với hai nước đồng minh thân cận nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc.

Giới quan sát cho rằng sự thay đổi lộ trình và mục tiêu là hợp lý. Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Obama có thể tiếp cận với tình thế tranh chấp ở khu vực Biển Đông thông qua những hội nghị khu vực, điều kiện mà hiện nay không có. Hơn nữa, một số va chạm có nguồn gốc từ lịch sử giữa Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là một điều Mỹ phải quan tâm trong khi thực hiện chính sách chuyển trọng tâm về châu Á. Làm dịu bớt căng thẳng giữa hai đồng minh này sẽ là một mục tiêu mà Tổng thống Obama nhắm tới.

Ngoài ra, chương trình nghị sự mới của chuyến công du lần này cũng là nhằm thúc đẩy các nước châu Á sớm thông qua Hiệp ước mậu dịch xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ngoại trưởng John Kerry gặp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hôm 13/2 tại Seoul trong chặng đầu tiên của chuyến công du qua 4 nước châu Á

Trước chuyến thăm châu Á của Tổng thống Obama, Ngoại trưởng John Kerry thực hiện chuyến công tác ngoại giao 6 ngày qua 4 nước châu Á từ Hàn Quốc, Trung Quốc tới Indonesia và UAE (Liên hiệp các Tiểu Vương quốc Arâp).

Theo giới quan sát, mục tiêu chính của ông Kerry là làm dịu tình hình căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước lân cận trong các tranh chấp biển đảo và tìm kiếm cơ hội tái khởi động cuộc đàm phán về vấn đề vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Đây là chuyến thăm thứ 5 của ông Kerry tới nhiều quốc gia châu Á kể cả Việt Nam cuối năm ngoái, qua một năm đảm nhận chức vụ Ngoại trưởng. Tuy vậy, dư luận đều cho rằng nỗ lực chính của ông còn ở khu vực Trung Đông.

Ông Kerry tới Hàn Quốc hôm 12/2, một ngày sau khi các giới chức hai miền Nam – Bắc có cuộc hội đàm cao cấp đầu tiên sau nhiều năm. Ngoại trưởng Kerry gặp Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và bà Park hoan nghênh quyết định thăm Seoul vào tháng 4 của Tổng thống Obama. Ông Kerry cũng phải tìm cách làm dịu căng thẳng giữa Hàn Quốc với Nhật Bản sau vụ Thủ tướng Shizo Abe đến viếng đền tử sĩ ở Tokyo. Ngoại trưởng Kerry không ghé Nhật Bản lần này, nhưng tuần trước tại Washington, ông đã bày tỏ sự quan tâm về “sự căng thẳng không có lợi ích cho bên nào” trong mối quan hệ với Hàn Quốc.

Tuy nhiên, sứ mạng khó khăn nhất của Ngoại trưởng John Kerry sẽ là ở Bắc Kinh. Tại đây, ông phải thúc đẩy Trung Quốc dùng ảnh hưởng của mình với Triều Tiên để khuyến khích nước này trở lại bàn đàm phán hạt nhân. Vấn đề quan trọng hơn nữa là ông Kerry phải tìm cách thuyết phục nhà cầm quyền Trung Quốc chấm dứt và rút lại một loạt những hành động khiêu khích và biện pháp gây rắc rối phức tạp ở Hoa Đông và Biển Đông “tạo nên tình trạng bất ổn định tai hại trong khu vực Tây Thái Bình Dương”.

Tại Biển Đông, Mỹ vẫn thúc đẩy Trung Quốc đi đến thỏa thuận với các nước Đông Nam Á về một bản Quy tắc Ứng xử chung (COC), và Ngoại trưởng Kerry sẽ nêu lại việc này khi gặp Tổng thư ký ASEAN tại Jakarta, Indonesia.

Những nỗ lực ngoại giao qua các chuyến đi của Ngoại trưởng và Tổng thống Mỹ hiện tại và sắp tới là nhằm chêm lại “cái chốt bị lỏng của trục xoay châu Á”, bác bỏ những ý kiến nghi ngờ rằng chính sách chuyển trục về châu Á không còn được chú trọng nữa. Việc thực hiện chính sách này hiện nay cũng đã tránh khỏi một trở ngại đáng kể như tình thế hồi năm ngoái, đó là việc cắt giảm ngân sách quốc phòng. Quốc hội Mỹ vừa thông qua dự luật cho phép chính quyền nâng cao trần nợ. Như thế Bộ Quốc phòng sẽ không còn gặp khó khăn trong kế hoạch triển khai 60% lực lượng Hải quân và Không quân về khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Th.Long

tổng hợp