Tia đất có làm tăng tai nạn giao thông?

07:00 | 17/12/2013

7,186 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo quan niệm dân gian, điểm đen tai nạn giao thông thường được gọi là “dớp” và cái “dớp” đó thường xuyên xảy ra những vụ tai nạn kinh hoàng. Người ta còn cho đó là những cung đường ma ám, thường xuyên bắt người phải chết ở chỗ ấy. Lạ một điều, những điểm đen này thường không phải cung đường xấu, quanh co, mà nhiều đoạn còn là những điểm rất thoáng, đường thẳng tắp.

Năng lượng Mới số 283

Đã từ lâu các cơ quan chức năng tìm mọi phương kế để tiêu diệt điểm đen tai nạn giao thông nhưng xem ra chẳng ăn thua gì. Mới đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và ông “tia đất” Vũ Văn Bằng đã thống nhất với nhau một phương pháp đặc biệt có thể tận diệt điểm đen tai nạn giao thông.

Những điểm đen giết người

Có lẽ, người dân ở xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội không ai là không sởn tóc gáy khi nhắc đến điểm đen tai nạn giao thông tại Miếu Đường Vòng nằm ven Quốc lộ (QL) 70. Trước đây, cũng chỉ vì tò mò mà tôi đã lang thang ở đây mấy ngày liền để tìm hiểu đích xác điều gì đã làm nên một điểm đen với những vụ tai nạn thảm khốc và kỳ quái đến thế. Tai nạn nhiều như cơm bữa, xểnh ra là tai nạn và điều đặc biệt có rất nhiều người đi qua đây như có ma xui quỷ khiến, tự nhiên mất lái rồi đâm vào đâu đó, nặng thì chết ngay tại chỗ còn nhẹ thì cũng què chân, gãy tay hoặc giập nát đâu đó. Có tháng, ở đây xảy ra hàng chục vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Cả điểm đen tai nạn kinh hoàng một thời là Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng thế. Điểm đen này đã “nuốt” không biết bao nhiêu mạng người và người ta cho rằng, khu vực này bị ma ám, oan hồn chất chồng của người sau kẻ trước rất thích “trêu ngươi” mà giật tay lái người lái xe. Bao nhiêu năm đi qua đó, chẳng ai là không giật mình. 

Điểm đen tai nạn giao thông trên QL1A thường có những ngôi miếu nhỏ

Lời kể của nạn nhân Nguyễn Thị Đạt, 40 tuổi, một nạn nhân may mắn thoát chết sau khi bị xe tải đâm đầu năm 2012 trên QL1A đoạn qua Phố Cà, xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, Hà Nam làm nhiều người sởn da gà. Chị Đạt kể: “Trước lúc sang đường, tôi nhìn trước nhìn sau rất cẩn thận. Thấy không có xe tôi mới quyết định băng qua. Vậy mà khi vừa kéo tay ga, bỗng đâu một chiếc xe tải vèo vèo lao đến… tôi chỉ còn biết chôn chân chờ chết”. Những người chứng kiến vụ tai nạn này còn kể lại rằng, trước lúc xảy ra tai nạn, người tài xế xe tải giảm ga và còi inh ỏi nhưng lạ một điều là chị Đạt vẫn bình thản sang đường. Khi đi đến giữa đường thì đột nhiên chị Đạt dừng lại.

Đây là đoạn đường được Sở GTVT tỉnh Hà Nam liệt vào danh sách tuyến đường tử thần. Trung bình trên đoạn đường này mỗi năm xảy ra hơn 10 vụ tai nạn, cướp đi sinh mạng của nhiều người. Người ta đã phải bổ sung biển báo, kẻ vạch phân làn hay làm gờ giảm tốc trên tuyến đường này nhưng những vụ tai nạn giao thông thương tâm vẫn không hề giảm.

Nhiều người bắt đầu lờ mờ hiểu rằng, hình như nhiều người đã bị rơi vào trạng thái vô thức để rồi mất mạng vì tai nạn. Ông Phạm Hữu Mạnh, Cung trưởng Trình Xuyên (thuộc Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Hà Ninh) kể lại rằng, trên địa phận cung đường do đơn vị ông quản lý từng xảy ra rất nhiều vụ tai nạn giao thông kỳ lạ và ông cho rằng: Ở đây có “dớp”. Có nhiều người đang hối hả băng qua đường sắt rồi bất giác dừng lại giữa đường và bị tàu đâm đến biến dạng thân thể là không thiếu.

Ông Mạnh nhớ lại cách đây 1 năm, có một người đàn ông quê ở Thái Bình lên đây thăm con. Ông đi xe ôm đến bên kia đường rồi đi bộ qua đường sắt vào khu nhà trọ. Chỉ một tích tắc nữa thôi thì ông đã bỏ mạng dưới đường ray. Sau phút hút chết, ông này kể, lúc vừa đi đến đây, ông ta thấy tự dưng người nhẹ bỗng, chẳng có cảm giác gì. Thấy người dân chạy ra hô hoán, ông ta còn tưởng có kẻ trộm. Đến khi tàu áp sát, lúc đó ông mới nghe thấy tiếng còi tàu và lao mình sang vệ đường thoát chết.

Lang thang trên những chuyến xe khách, những chuyến xe tải chạy hàng Bắc - Nam, thi thoảng tôi lại nghe cánh tài xế nhắc nhau về một điểm đen được coi là hiểm địa nào đó. Và trong câu chuyện của họ, yếu tố tâm linh, ma quỷ là yếu tố đầu tiên để họ lý giải nguyên nhân. Dạng như oan hồn chết trẻ, có người tự tử, cả gia đình bỏ mạng… và rất nhiều câu chuyện rùng rợn khác nữa.

Phân tích ra thì thấy rằng, hầu hết điểm đen không phải là những nơi có địa hình hiểm trở và tồn đọng những yếu tố gây tai nạn. Chẳng đâu xa, ngay ở điểm đen Miếu Đường Vòng, cung đường không hề cua gấp. Tôi đã thử đi qua đi lại khu vực này mấy chục lần thì thấy rằng, tầm mắt của lái xe không hề bị che khuất, ổ gà không có và tán cây cũng đã được lực lượng cảnh sát giao thông huyện Từ Liêm cắt gọn gàng. Điểm Pháp Vân - Cầu Giẽ lại thoáng hơn rất nhiều, đường thẳng băng, hai bên đường không có bất cứ vật cản nào.

Dọc dải đất nước, từ quốc lộ đến tiểu lộ có hàng nghìn điểm đen như vậy, luôn rình rập để lấy mạng người. Thế nên, nhiều người khăng khăng khẳng định rằng: Điểm đen gây chết nhiều người là do ma làm.

Nhưng, hóa ra không phải như vậy!

Sẽ rất nhiều người rùng mình khi biết được thực trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam hiện nay. Hằng năm, ở Việt nam trung bình có hơn 11.000 người chết và hơn 10.000 người bị thương do tai nạn giao thông. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2013, cả nước đã xảy ra hơn 5.500 vụ tai nạn giao thông.

Nguyên nhân gây tai nạn giao thông thường được xác định là do chủ quan của người điều khiển phương tiện. Chẳng ai còn lạ gì khi có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra là do phóng nhanh, vượt ẩu, ý thức giao thông kém, vừa lái xe vừa nghe điện thoại di động, uống rượu bia say xỉn. Thế nhưng, cũng có không ít vụ tai nạn xảy ra là do lái xe đã không nhận được những thông tin chính xác từ hệ thống biển báo hiệu giao thông, làn đường, gờ giảm tốc… dẫn đến phán đoán, xử lý tình huống sai. Tại nhiều điểm đường còn bị che khuất tầm nhìn do đồi núi và nhà cửa dọc bên đường.

Tuy nhiên, điều làm cho nhiều người giật mình là trong số các đoạn đường thường xảy ra tai nạn, nhiều đoạn hoàn toàn có đủ các yếu tố thuận lợi như cảnh quan rộng thoáng, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật chất lượng đường đảm bảo… nhưng tai nạn vẫn lặp lại, thậm chí nhiều tai nạn do người lái tự gây ra. Như vậy có thể còn có những nguyên nhân tiềm ẩn nào đó chưa được đưa vào hồ sơ nghiên cứu giải mã tai nạn giao thông.

Dọc QL1A từ Bắc vào Nam, những đoạn đường đã cắm biển báo “Hay xảy ra tai nạn” đã tồn tại hàng chục năm đến nay vẫn còn tồn tại như là một thách thức với người tham gia giao thông và với các cơ quan chức năng. Một câu hỏi lẽ thường đặt ra là “những đoạn đường luôn rình rập cướp đi sinh mạng của những người tham gia giao thông như vậy, tại sao chỉ dừng lại ở mức xử lý bằng việc cắm dựng các biển cảnh báo. Thực trạng tai nạn vẫn tiếp diễn. Có lẽ do thiếu kinh phí và bỏ qua các nguyên nhân tiềm ẩn khác nên quá trình xử lý các “điểm đen” hiện nay hầu hết mới chỉ dừng lại ở mức khắc phục tạm thời bằng biển báo mà thôi.

Tia đất có thể gây tai nạn

TS Vũ Văn Bằng, Phó viện trưởng Viện Công nghệ nước và Môi trường, đưa ra nhận định: Một trong những nguyên nhân gây ra điểm đen giao thông chính là do tia đất. Chính tia đất được xem là một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông ở những đoạn đường tai nạn xảy ra lặp đi lặp lại nhiều lần. Muốn trừ khử điểm đen phải đo và khử tia đất tại đây.

Các nhà khoa học trên thế giới xem tia đất là nguyên nhân quan trọng gây tai nạn trên mọi nẻo đường. Ông Bằng đã sang Đức và được nghe thông báo lại rằng, đoạn đường từ Bremen đến Bremerhaven luôn xảy ra tai nạn. Đặc biệt ở Hambugr, cảnh sát giao thông không tìm ra bất cứ nguyên nhân nào cho những trường hợp lái xe tự gây tai nạn. Nhà vật lý nổi tiếng GS.TS Lotz Đại học Biberséh khảo sát tại chỗ kết luận đó là do tia đất. Những người thoát chết đều khó mô tả lại trạng thái tâm thần lúc đó và họ chỉ biết rằng, không thể định thần để điều khiển phương tiện giao thông vào đúng quỹ đạo, tức là không làm chủ được chính mình kể cả tay lái. Có nhiều nơi, người ta đã phải làm đoạn đường khác thay thế. 

Ở Ba Lan, sân bóng đá Quốc gia ở thủ đô Warzawar đã phải xóa sổ sau hơn 20 năm hoạt động không hiệu quả. Lý do bởi các vận động viên tập luyện và thi đấu trên sân này không nâng được thể lực, đặc biệt tinh thần thi đấu mệt mỏi vì tia đất quá mạnh. Ở Đức hiện đang thực hiện luật bổ sung là trước khi xây dựng bất kể công trình với mục đích gì, thủ tục đầu tiên là phải có chứng chỉ xác nhận ở đó không có tia đất độc hại. Các bệnh viện ở Áo, Pháp, Anh, Mỹ… các bác sĩ là người tiên phong trong lĩnh vực phát hiện tia đất để di chuyển cả bệnh viện hoặc giường cho bệnh nhân đến những vị trí không có tia đất.

Thực ra, tia đất là tia năng lượng từ trường do các vật thể dưới mặt đất bức xạ ra. Sự bức xạ này có tác động tốt và cả tác động xấu đến con người. Người xưa thường mời các thầy phong thủy về xem đất khi muốn dựng nhà, đặt bàn thờ hay mồ mả tổ tiên... để tìm vị trí đẹp nhất. Thực chất đó là việc tìm tia đất tốt và tia đất tốt có thể giúp cho người sống ở đó được khỏe mạnh, tinh thần sảng khoải.

Theo giải thích của TS Bằng về mối quan hệ giữa tia đất và con người thì vật chất cấu tạo nên cơ thể con người là các phân tử. Phân tử lại do nguyên tử hợp thành, nguyên tử lại do hạt nhân và các electron cấu thành. Trong đó, electron luôn quay xung quanh hạt nhân. Hai loại chuyển động này của electron đều sinh ra từ tính. Tuy nhiên, hướng chuyển động của các electron không trùng nhau nên hiệu ứng từ tính trong vật chất cấu tạo nên con người triệt tiêu lẫn nhau. Vì vậy, ở trạng thái bình thường, đa số con người không thể hiện từ tính. Song, cũng không ít người thuộc loại thuận từ, có từ tính cao. Cơ thể những người này như thỏi nam châm, có thể hút được thìa dĩa, xoong chảo.

Tương tự như thế với những trường hợp đặc biệt, khi đi vào vùng từ trường mạnh của “tia đất”, từ trường của cơ thể phát lộ, họ sẽ trở thành người nam châm. Đặc biệt, hệ thần kinh của họ bị từ hóa mạnh nhất do tốc độ vận hành lớn và khi bị từ hóa sẽ gây nên tình trạng mất cân bằng trong não bộ. Như vậy, trong tích tắc, tư duy của con người sẽ chuyển từ trạng thái ý thức sang trạng thái vô thức và không chủ động điều khiển được tay lái. Họ bị tai nạn trong những tích tắc này.

Để có thể khử được “tia đất”, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu và đưa ra kết luận “than hoạt tính có khả năng chống lại tác hại ghê gớm do tia đất gây ra. Theo TS Vũ Bằng: Với thành phần chính là carbon (87,1%), than hoạt tính được coi là chất lý tưởng dùng để lọc hút, hấp phụ các chất độc hại có trong môi trường sống. Đặc biệt sử dụng một lượng than hoạt tính 2-5kg đặt vào nơi phát hiện tia đất xấu có thể chống lại tác hại ghê gớm do tia đất gây ra.

Dự án khả thi

Dựa trên kết quả nghiên cứu của mình, TS Bằng đã xây dựng đề án quyết tâm tiễu trừ những điểm đen này trình Bộ GTVT. Sau khi thẩm định kỹ lưỡng, Bộ GTVT đã đồng ý và giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư Dự án “Nghiên cứu tìm nguyên nhân và giải pháp triệt tiêu điểm đen tai nạn giao thông trên QL1A”. Hội Môi trường Giao thông Vận tải Việt Nam sẽ phối hợp với Công ty Cổ phần nghiên cứu tia đất Bảo vệ sức khỏe (do TS Bằng làm giám đốc) để thực hiện đề án này. Hiện nay, đề án đã được Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông qua và chỉ chờ ngày ký hợp đồng thực hiện giữa các bên.

TS Bằng khảo sát một điểm đen giao thông tại tỉnh Hà Tây (cũ)

Dĩ nhiên, để thực hiện đề án này phải tiến hành đo đạc thông số tỉ mỉ, trong đó đặc biệt quan tâm khảo sát điều tra đo đạc ở môi trường vô hình. Đó là các loại trường bức xạ từ không gian trong những ngày có bão từ, ở đường điện cao thế, trạm phát sóng, giông sét, cầu vồng, mây tầng, mây quầng, độ chói khi mặt trời lên, đứng bóng, xế chiều… Các loại trường bức xạ từ dưới mặt đất (địa bức xạ - tia đất).

Theo đề án đã được Bộ GTVT thông qua sẽ tiến hành đo bức xạ từ thứ cấp của đứt gãy kiến tạo, của  hang động ngầm, của nứt đất trượt lở, của các dòng chảy ngầm; bức xạ của các chất phóng xạ, sự phát tán chất độc hóa học từ nước ngầm, vùng nhiễm thủy ngân, chì, dioxin… Và đặc biệt, bức xạ từ của  mồ mả, hài cốt, đo đạc kiểm tra bức xạ từ tại vị trí của các tai nạn chết người đã xảy ra những năm trước đây. 

Nói cho cùng thì cho đến giờ, chưa một cơ quan chức năng nào tìm hiểu làm rõ nguyên nhân tận cùng của những điểm đen tai nạn giao thông. Có chăng cũng chỉ nêu được những nguyên nhân chung chung theo chuyên ngành giao thông mà thôi. Trong khi đó, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguyên nhân khác, đặc biệt những nguyên nhân phi truyền thống như nguyên nhân về môi trường tự nhiên vô hình. Đó là những bức xạ có hại từ dưới nền đường và những ảo ảnh do cấu trúc địa hình, địa mạo, vật kiến trúc trong khu vực tạo nên….

Những nguyên nhân đó từ trước đến nay chưa được đề cập đến. Vì vậy, để xóa điểm đen một cách triệt để, cần thiết phải tiến hành nghiên cứu tỉ mỉ chi tiết một cách khoa học nghiêm túc, bài bản và hệ thống. Nhất là hiện nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ đỉnh cao, cho phép tiến hành những đo đạc chuẩn xác, phát hiện đúng và đủ những thông số cần thiết để thực thi đề án thành công.

Phóng sự của Vũ Minh Tiến