Năm 2023, lợi nhuận Home Credit Việt Nam giảm gần 70%
Theo báo cáo, tính đến cuối năm 2023, vốn chủ sở hữu của Home Credit Việt Nam đạt 6.753 tỷ đồng, tăng 375 tỷ so với thời điểm đầu năm. Tổng nợ phải trả gấp 2,79 lần vốn chủ sở hữu, tương đương khoảng 18.841 tỷ đồng, giảm gần 27% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp này là khoảng 1.080 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với cuối năm 2022. Như vậy ước tính tổng tài sản của công ty này vào cuối năm 2023 đạt 25.594 tỷ đồng (tức hơn 1 tỷ USD).
Về chỉ tiêu an toàn vốn của Home Credit Việt Nam, tính đến cuối năm 2023 ở mức gần 25%, cao hơn đáng kể so với yêu cầu là 9%; tỷ lệ dự trữ thanh khoản là 8,92% (pháp luật yêu cầu trên 1%); tỷ lệ khả năng chi trả trong 30 ngày là -199,59% (pháp luật yêu cầu trên 20%); tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là -13,55% (quy định là dưới 90%).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Vào cuối tháng 2 vừa qua, tập đoàn Home Credit công bố việc ký thỏa thuận khung có điều kiện để chuyển nhượng 100% phần vốn góp trong Công ty tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam (Home Credit Vietnam) cho bên mua là The Siam Commercial Bank Public Company Limited (SCB), thành viên của SCBX Public Company Limited (SCBX).
Thỏa thuận chuyển nhượng trị giá khoảng 800 triệu euro và quá trình chuyển giao dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2025, sau khi có chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và Thái Lan. Giá trị chuyển nhượng thực tế sẽ được xác định vào thời điểm hoàn tất giao dịch.
Với 800 triệu euro tức gần 22.000 tỷ đồng, đây là thương vụ M&A công ty tài chính lớn thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau thỏa thuận mua 49% vốn FE Credit của SMBC với giá trị 1,37 tỷ USD diễn ra vào năm 2021.
Việc hoạt động kinh doanh ở Việt Nam của Home Credit gặp nhiều khó khăn hơn các công ty đối thủ do không có hậu thuẫn của ngân hàng dẫn đến tiếp cận tệp khách hàng cũng như nguồn vốn vay ưu đãi.
Năm 2022, Home Credit Việt Nam huy động hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu/nguồn: HNX)/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
“Đói vốn” khiến công ty tài chính này phải đẩy mạnh huy động qua kênh trái phiếu, điều này đẩy nợ phải trả có xu hướng tăng mạnh.
Cụ thể, năm 2022, Công ty Tài chính TNHH MTV Home Credit Việt Nam đã huy động hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu.
Ngày 13/9/2022, Home Credit chào bán thành công lô trái phiếu mã HCVCL2224002 có tổng giá trị 300 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 18 tháng, gồm 300 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu với lãi suất 7,2%/năm. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, đáo hạn ngày 13/3/2024. Các thông tin về lãi suất hay tài sản đảm bảo đều không được công bố chi tiết.
Đến ngày 15/9, Home Credit tiếp tục phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 200 tỷ đồng có mã HCVCL2224003 cũng lãi suất 7,2%/năm kỳ hạn 18 tháng.
Cũng trong năm 2022, vào ngày 31/8, đơn vị này đã hoàn tất phát hành thành công lô trái phiếu mã HCVCL2224001 trị giá 600 tỷ đồng có lãi suất 7,4%/năm. Theo đó, lô trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng và đáo hạn vào ngày 31/8/2024. Các thông tin về lãi suất, trái chủ, hay bên đứng ra sắp xếp thương vụ cũng không được công bố.
Như vậy, chỉ nửa tháng trong năm 2022, Home Credit đã phát hành tổng cộng 1.100 tỷ đồng trái phiếu.
Theo tìm hiểu, Công ty tài chính TNHH Một thành viên Home Credit Việt Nam bắt đầu hoạt động tại Việt Nam từ năm 2008 với vốn điều lệ ban đầu là 550 tỷ đồng.
Đến tháng 9/2022, vốn điều lệ của công ty tài chính này được tăng mạnh từ mức 550 tỷ đồng lên 2.050 tỷ đồng. Toàn bộ vốn góp của Home Credit thuộc sở hữu của PPF Group – tập đoàn do gia đình tỷ phú người Séc quá cố Petr Kellner điều hành.
Được thành lập vào năm 1997, Home Credit có hoạt động tại các quốc gia trên khắp châu Á, Trung Âu và Đông Âu cũng như các nước từng thuộc Liên Xô. Công ty mẹ PPF Group đầu tư vào nhiều lĩnh vực như tài chính, viễn thông, sản xuất, truyền thông và công nghệ sinh học.
Huy Tùng
-
Thời tiết khắc nghiệt khắp thế giới “đe dọa” giá thực phẩm
-
Saudi Aramco dịch chuyển cấu trúc hoạt động như thế nào? (Kỳ II)
-
Saudi Aramco dịch chuyển cấu trúc hoạt động như thế nào? (Kỳ I)
-
Xuất khẩu tôm hùm, cua, ốc, ngêu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng đột phá
-
Xuất khẩu cá ngừ có dấu hiệu chậm lại