Mỹ tăng gấp đôi số lần xuất kích máy bay trinh sát Biển Đông

10:22 | 04/06/2021

1,148 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mỹ tiếp tục tăng cường hiện diện ở các vùng biển châu Á, trong đó có Biển Đông, kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi đầu năm.
Mỹ tăng gấp đôi số lần xuất kích máy bay trinh sát Biển Đông - 1
Các máy bay xuất kích từ tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ ở Biển Đông năm 2019 (Ảnh: US Navy).

Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn báo cáo của Sáng kiến Theo dõi Tình hình Chiến lược Biển Đông (SCSPI), một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh, Trung Quốc, cho biết Mỹ đã thực hiện 72 chuyến bay trinh sát Biển Đông trong tháng 5. Trong đó, Hải quân Mỹ thực hiện tổng cộng 57 chuyến, Không quân Mỹ thực hiện 15 chuyến.

Con số này tuy chỉ tăng nhẹ so với 65 lần xuất kích hồi tháng 4, nhưng tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (35 chuyến). Trước đó, theo ghi nhận của SCSPI, các máy bay Mỹ đã thực hiện 70 chuyến xuất kích trong tháng 1, 75 chuyến trong tháng 2. Song Zhongping, một nhà bình luận quân sự Trung Quốc, nhận định các chuyến bay trinh sát của Mỹ ở Biển Đông đang ngày càng trở nên thường xuyên hơn.

Theo SCSPI, tháng trước, khi tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Curtis Wilbur của Mỹ đi qua eo biển Đài Loan, tàu tuần tra chống ngầm, máy bay trinh sát của Mỹ cũng hoạt động ở Biển Đông. Tổ chức này cho rằng, các máy bay này làm nhiệm vụ hỗ trợ tình báo cho tàu chiến USS Curtis Wilbur. Thời điểm đó, Trung Quốc đã chỉ trích hành động này của Mỹ là "khiêu khích" và "gửi tín hiệu lệch lạc cho những người ủng hộ Đài Loan độc lập".

Tháng trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, Mỹ đã tăng cường các hoạt động do thám gần bờ biển Trung Quốc. Cụ thể, kể từ đầu năm, các hoạt động của tàu quân sự Mỹ ở trong và xung quanh vùng biển mà Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền tăng hơn 20%, của các máy bay tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm nay, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ lập trường cứng rắn đối với các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự tiếp nối chính sách của Mỹ tại châu Á nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Trong một bài phát biểu tại Học viện Cảnh sát biển Mỹ ở bang Connecticut ngày 19/5, ông Biden nhấn mạnh, Mỹ sẽ đảm bảo an toàn và tự do hàng hải ở các tuyến đường biển, trong đó có Biển Đông, để đảm bảo dòng chảy thương mại toàn cầu không bị gián đoạn. "Khi các quốc gia cố gắng điều khiển guồng quay hoặc đưa ra những quy tắc có lợi cho họ, mọi thứ sẽ mất cân bằng. Đó là lý do tại sao chúng ta kiên quyết đảm bảo bình yên cho các khu vực được coi là huyết mạch của thương mại toàn cầu cho dù đó là Biển Đông, vịnh Ả rập hay Bắc Cực", chủ nhân Nhà Trắng nói.

Trước đó, ông cũng tuyên bố, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương "không phải để khơi mào xung đột, mà để ngăn chặn xung đột".

Theo Dân trí

Giá dầu hôm nay 4/6 không có nhiều biến độngGiá dầu hôm nay 4/6 không có nhiều biến động
Chính sách thân Trung Quốc của ông Duterte đang dần Chính sách thân Trung Quốc của ông Duterte đang dần "chết yểu"
Biển Đông: 4 điểm yếu pháp lý trong yêu sách của Philippines đối với Đá Ba ĐầuBiển Đông: 4 điểm yếu pháp lý trong yêu sách của Philippines đối với Đá Ba Đầu
Shell bán mỏ khí đốt ở Biển ĐôngShell bán mỏ khí đốt ở Biển Đông
Ông Biden: Mỹ phải đảm bảo tự do hàng hải ở Biển ĐôngÔng Biden: Mỹ phải đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông
Sẽ sớm có trận chiến trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc?Sẽ sớm có trận chiến trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc?