Lời đồn huyễn hoặc từ ngôi miếu bên đường

07:00 | 09/11/2014

737 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước nhà số 41 Trần Quang Khải, nằm ngay trung tâm Q.Ninh Kiều (Cần Thơ) là miếu Bà Hỏa, tuy nhỏ nhưng rất khang trang. Mỗi ngày có tới hàng trăm người đến đây dâng hương, khấn vái cầu mong Bà phù hộ độ trì.

Cái gì cũng xin

Nổi tiếng với những lời đồn thổi về một số người đến đây cầu nguyện được trúng vé số độc đắc, hằng ngày miếu Bà Hỏa có rất nhiều người bán vé số đến thắp nhang, khấn vái với hy vọng sẽ được đổi đời. Nhiều người còn mang cọc vé số đặt trước miếu Bà để cầu mua may bán đắt, bán được những vé số trúng giải cao. Có những cụ già nằm ngủ tại miếu, để cọc vé số của mình vào trong miếu rồi khấn vái. Khi khách đến mua, họ bảo đó là số của Bà rất dễ trúng, không cần phải tốn công mời gọi gì nhiều. Mọi người đồn nhau “cứ cầu xin rồi Bà sẽ phù hộ cho” - từ học hành thi cử cho đến những việc trong gia đình, mua bán vé số...

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc (ngụ số nhà 56/33A, sống lâu năm ở hẻm Ụ Tàu, gần miếu Bà Hỏa) cho biết, khách thập phương thường đến đây, đợi đêm xuống tầm khoảng từ 0 giờ đến 2 - 3 giờ sáng (quan niệm của họ giờ đó là linh thiêng nhất) rồi mới vào cúng. Nhiều người còn đưa biển số xe vào tận miếu Bà để cầu “thượng lộ bình an”, làm ăn suôn sẻ... Cả nghìn người - cả nghìn lời cầu xin, mỗi người mỗi kiểu.


Cụ bà bán vé số luôn để xấp vé trong miếu cầu mong Bà Hỏa cho trúng giải cao


Bà Cúc còn kể về nguồn gốc ngôi miếu. “Tôi về ở từ năm 1967 đã thấy ngôi miếu. Khi đó, miếu không nằm trước mặt tiền đường mà nằm phía sau nhà dân. Đến những năm 80 của thế kỉ trước, người dân dời miếu Bà Hỏa ra trước. Hiện nay miếu Bà Hỏa do bà Hai Lô (Nguyễn Thị Chi, 77 tuổi) và cô Cao Thị Lý quản lý và thờ cúng hàng ngày, hai người được coi là phụng sự chính của miếu”.

Bà Hai Lô kể, ngày xưa có một người bán vé số từ phương xa đến mang theo vé số để khấn nguyện. Lúc về còn sót lại một tờ vé số, ông Tư, chồng bà, mua đến chiều thì trúng được độc đắc. Miếu bà linh lắm, ai cầu gì được nấy! Theo lời bà, miếu là nơi nhiều tiểu thương, dân nghèo, đặc biệt dân chơi vé số lui tới lễ bái thường xuyên. Không chỉ người dân ở TP Cần Thơ, người ở những nơi khác như Bạc Liêu, Cà Mau... cũng tìm tới để cúng bái, cầu xin.

Không để tín ngưỡng bị biến tướng

Bà Phạm Thị Chu (trưởng khu vực 3 - nơi có miếu Bà Hỏa) chia sẻ: “Mọi người đều tôn sùng miếu Bà Hỏa thì mình không thể ngăn cấm sự tín ngưỡng của người dân. Chúng tôi tôn trọng điều đó. Người dân có thể tự do tín ngưỡng, nhưng phải giữ an ninh trật tự. Có rất nhiều người đến miếu Bà cầu khấn hàng ngày, nhưng chuyện người đến cầu rồi được trúng số chỉ là đồn thổi. Địa phương đang tích cực tuyên truyền để không xảy ra tình trạng mê tín dị đoan. Ngoài ra, việc tuyên truyền hay có những hành động như xin số vào ban đêm, làm những chuyện mê tín, chính quyền địa phương dứt khoát không cho phép và cương quyết xử lý”.

Theo luật sư Lê Văn Dũng (Giám đốc Công ty Sài Gòn Việt Luật - Đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh), việc mê tín, dị đoan là niền tin mù quáng vào những điều duy tâm không có căn cứ khoa học, tin vào ma quỷ, thần thánh, định mệnh... Việc truyền bá và các hình thức khác mang tính chất mê tín dị đoan có mức phạt từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng (điểm a khoản 2 Nghị định 56/2006/NĐ-CP ngày 6/6/2006 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa thông tin). 

Theo CA TPHCM