Lời cảnh báo từ vụ nổ nhà máy lọc dầu lớn nhất Venezuela

16:20 | 28/08/2012

1,850 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Vụ nổ kinh hoàng xảy ra tại nhà máy lọc dầu lớn nhất Venezuela cuối tuần qua không chỉ là thảm họa đau thương nhất được ghi nhận trong lịch sử dầu khí nước này, mà thực sự còn hé lộ thêm vô vàn những vấn đề quản lý còn tồn tại ở đất nước Nam Mỹ.

Ai có thể nói ra nguyên nhân?

Lửa vẫn cháy và con số thương vong có lẽ đã không dừng lại ở con số 41 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Vụ nổ kinh hoàng xảy ra rạng sáng ngày 28/8 tại Nhà máy Lọc dầu Amuay nó đi vào lịch sử ngành dầu khí Venezuela như một thảm họa đau thương nhất. Nguyên nhân phát nổ ban đầu được xác định là do rò rỉ khí gas, tạo thành một đám mây phát hỏa và sau đó gây ra cháy ở ít nhất 2 bồn chứa dầu của nhà máy. Nhưng nguyên nhân nào gây ra rò rỉ khí gas thì vẫn chưa có một câu trả lời chính thức.

Những cột khói khổng lồ bốc lên từ vụ nổ như đang nuốt lấy bầu trời bán đảo Paraguan, miền Tây Venezuela

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez đã tuyên bố 3 ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng, mà phần lớn là các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Quốc gia và yêu cầu nhà chức trách điều tra cặn kẽ nguyên nhân vụ nổ. Trong bài phát biểu của mình trước các phóng viên khi đáp tới Amuay, ông Chavez đã bác bỏ ý kiến cho rằng sự cẩu thả đã gây ra vụ nổ. Tổng thống đã dành gần 10 phút để quở trách một phóng viên khi người này nhắc tới việc một số cư dân sống gần Nhà máy Lọc dầu Amuay cho biết, họ đã ngửi thấy mùi khí gas lẫn trong không khí trong ngày xảy ra vụ nổ. Ông sẵng giọng: “Thiếu bảo trì? Ai có thể nói ra điều này? Chỉ có thể là những người thiếu trách nhiệm!”. Thế nhưng không chỉ có người phóng viên kia dám nói ra điều này, Tổng thư ký Liên đoàn Công nhân Dầu mỏ Venezuela Ivan Freites cũng đổ lỗi cho chính phủ: “Thiếu bảo trì và đầu tư trong lĩnh vực dầu mỏ là nguyên nhân chính gây ra vụ nổ”.

Chưa có một kết quả điều tra nào được công bố về nguyên nhân gây ra thảm họa nói trên nhưng có một sự thật rằng, Amuay đã phải ngừng hoạt động một phần nhà máy ít nhất 2 lần trong năm nay do xảy ra cháy nhỏ và hỏng hóc của bộ phận làm mát. Và trong 10 năm qua ở Venezuela liên tục xảy ra những tai nạn, sự cố mất điện dẫn đến ngừng hoạt động ở các cơ sở do Công ty Dầu khí Quốc gia Venezuela (PDVSA) quản lý. Thực tế là Venezuela đã để mất đi vị trí nhà cung cấp nhiên liệu số 1 cho Hoa Kỳ và tụt xuống ở Top 5. Một phần lý do khiến Hoa Kỳ giảm phụ thuộc vào Caracas trong 5 năm qua là những lần ngừng hoạt động không có kế hoạch và lặp đi lặp lại của các nhà máy lọc dầu tại đất nước Nam Mỹ. Trong 5 tháng đầu của năm 2012, Mỹ đã nhập khẩu hơn 50.000 thùng nhiên liệu từ Venezuela, giảm rất nhiều so với con số gần 290.000 thùng/ngày của năm 2005, theo dữ liệu của Cục Quản lý Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ.

Vụ nổ được xếp hạng là một trong các vụ tai nạn nhiều thương vong nhất lịch sử ngành công nghiệp dầu khí trong thời gian gần đây, kể từ năm 1997 khi vụ cháy tại Nhà máy lọc dầu Visakhapatnam ở Ấn Độ giết chết 56 người và gần đây nhất là vụ cháy nhà máy lọc dầu ở Texas của BP làm chết 15 công nhân. Số người chết nhiều trong vụ nổ Amuay một phần là do vị trí tiền đồn của Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Venezuela không được di chuyển khi nhà máy lọc dầu thay đổi khu vực bể chứa. Chính Bộ trưởng Dầu mỏ Venezuela Rafael Ramirez cũng phải thừa nhận với Reuters rằng, đơn vị này đặt quá gần nhà máy lọc dầu. Đây cũng không phải điều hiếm gặp ở Venezuela khi có khá nhiều cơ sở lọc dầu ở cạnh các khu ổ chuột và đôi khi, chúng còn đặt tại giữa trung tâm các thành phố. Thậm chí, dân sống trong những căn nhà ổ chuột cạnh nhà máy còn phơi quần áo lên trên hàng rào bao quanh các chòi khoan dầu nhỏ.

Ai có thể nói ra hệ lụy?

Nhà máy Lọc dầu Amuay, cùng với Nhà máy Lọc dầu Cardon ở gần đó tạo nên tổ hợp hóa dầu Paraguana lớn thứ 2 thế giới, với tổng công suất xử lý 955.000 thùng dầu/ngày, chỉ đứng sau tổ hợp hóa dầu Jamnagar ở Ấn Độ (công suất xử lý 1,24 triệu thùng dầu/ngày). Do đó, vụ nổ hôm 25/8 chắc chắn sẽ khiến nhà máy lọc dầu lớn nhất Venezuela phải ngừng hoạt động một thời gian, gây lo ngại về khả năng đảm bảo cung cấp trong nước và duy trì xuất khẩu của Venezuela.

Để dập tan những lo ngại này, ngay sau vụ nổ, Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ Venezuela Rafael Ramirez cho biết dự trữ nhiên liệu của nước này có đủ để đảm bảo cung cấp xăng và dầu diesel cho thị trường trong nước, đồng thời không làm ảnh hưởng đến các cam kết xuất khẩu. Ngoài ra, PDVSA đang xem xét đến việc sử dụng các kho chứa nổi trong khu vực để chứa dầu và nhiên liệu ngoài khơi trong khi công ty sửa chữa các bồn chứa ở Amuay. Mặt khác, ông khẳng định lửa đã được kiểm soát và ngoài 9 bể chứa dầu bị hư hại sau vụ nổ, các khu vực khác của nhà máy lọc dầu Amuay không bị ảnh hưởng và nhà máy có khả năng khôi phục hoạt động trong 2 ngày.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, theo thông tin mới nhất mà Reuters có được từ một quan chức PDVSA, thời gian đình chỉ hoạt động của Nhà máy Lọc dầu Amuay sẽ lâu hơn 2 ngày  bởi các nhà chức trách hiện vẫn đang cố gắng ngăn chặn ngọn lửa đang hoành hành tại 2 bồn chứa lan ra các thiết bị khác. Và theo Dan McTeague - một chuyên gia thị trường khí đốt uy tín của website TomorrowsGasPriceToday.com, những khẳng định của các quan chức Venezuela về khả năng đảm bảo nhu cầu nhiên liệu trong nước và duy trì xuất khẩu sẽ không ngăn được sự tăng giá nhiên liệu trên thị trường thế giới.

Theo ông McTeague, “người Mỹ sẽ cảm nhận được ảnh hưởng này đầu tiên” bởi 2-3% nhập khẩu khí đốt của Mỹ đến từ Venezuela và 2/3 trong số đó đến từ nhà máy lọc dầu Amuay. Điều này còn được cộng hưởng bởi những tin tức về cơn bão nhiệt đới Issac dự kiến sẽ mang theo mưa lớn tới Florida, có khả năng di chuyển về phía Mississippi và Alabama và làm ảnh hưởng tới các nhà máy lọc dầu đóng tại các bang này. Bên cạnh đó, đến giữa tuần này, người Canada cũng sẽ thấy xăng tăng giá 3% bởi với số lượng nhà máy lọc dầu khá ít của mình, Canada là nước khá “nhạy cảm” với bất kỳ diễn biến nào trên thị trường khí đốt toàn cầu và có xu hướng quan sát thị trường Mỹ.

Trên thị trường New York ngày 27/8, giá dầu WTI tương lai đã tăng lên 1,6% và giá xăng tăng 4,1% - mức tăng cao nhất trong 4 tháng qua. Điều này được lý giải bởi ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới Issac đe dọa làm giảm lượng dầu mỏ và khí đốt ở Vịnh Mexico và vụ nổ dẫn đến việc Nhà máy Lọc dầu Amuay ở Venezuela phải tạm thời ngừng hoạt động.
 

Linh Phương (tổng hợp)

(Năng lượng Mới số 150, ra thứ Ba ngày 28/8/2012)