LNG từ Mỹ sang châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử vượt nguồn cung khí đốt đường ống từ Nga

08:46 | 22/02/2022

1,131 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Phó Chủ tịch hãng phân tích IHS Markit Daniel Yergin cho biết, trong tháng 01/2021, xuất khẩu LNG từ Mỹ sang châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua nguồn cung khí đốt đường ống từ Nga.
LNG từ Mỹ sang châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử vượt nguồn cung khí đốt đường ống từ Nga

Tỷ trọng LNG trong nhập khẩu khí đốt vào châu Âu đã tăng từ 37% lên gần 50% trong tháng 01/2022. Trong khi đó, xuất khẩu khí đốt đường ống từ Nga sang châu Âu thường chiếm khoảng 30% lượng khí đốt tiêu thụ tại thị trường này, đã bị giảm đáng kể do chính sách giá của Nga.

Với việc giá khí đốt tại châu Âu cao gấp 4 lần thông thường, Mỹ đã tăng cường xuất khẩu LNG sang thị trường này để lấp đầy khoảng trống. Theo IHS Markit, với việc bổ sung năng lực xuất khẩu mới, Mỹ sẽ vượt Qatar, Úc, trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới.

Trong bối cảnh thị trường khí đốt toàn cầu bị siết chặt, nguồn LNG của Mỹ đang đóng vai trò quan trọng trong việc lấp đầy sự thiếu hụt toàn cầu và duy trì nguồn cung năng lượng cho EU.

Theo Wall Street Journal, vào cuối tháng 01/2022, đã có hơn 20 tàu chở LNG từ Mỹ đến châu Âu trong bối cảnh EU và Mỹ đang nỗ lực tìm giải pháp thay thế nhiên liệu từ Nga.

Bên cạnh đó, chính quyền Mỹ đang đàm phán với Qatar - một trong những nước xuất khẩu LNG lớn nhất và các nước nhập khẩu LNG hàng đầu (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản) về vấn đề chuyển hướng các chuyến hàng LNG sang châu Âu. Chuyên gia Daniel Yergin dự báo, ngay cả khi tất cả các đường ống xuất khẩu của Nga trung chuyển qua Ukraine bị cắt trong bối cảnh leo thang xung đột giữa hai nước, xuất khẩu LNG từ Mỹ vẫn có thể lấp đầy khoảng trống.

Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, khi Nga ngừng mọi hoạt động xuất khẩu khí đốt sang châu Âu thì lượng xuất khẩu của Mỹ sẽ là không đủ. Châu Âu sẽ phải sử dụng lượng khí còn lại từ các cơ sở lưu trữ đang cạn kiệt và tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân và than để sản xuất điện.

Xung đột leo thang tại hai khu vực Donetsk và Lugansk (Ukraine) có thể làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu thô từ Nga sang châu Âu (1/3 nguồn cung dầu thô của Nga trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine). Các biện pháp trừng phạt tiềm năng chống Nga có thể ảnh hưởng đến thương mại Nga - EU và ngăn cản đưa đường ống khí đốt North Stream 2 vào vận hành. Xung đột xảy ra cũng sẽ ảnh hưởng đến việc huy động khí đốt dự trữ trong các kho ngầm ở châu Âu trong mùa hè này. Hậu quả là giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng. Phía Nga cũng sẽ mất lượng lớn doanh thu.

Tuy nhiên, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, việc cắt đứt hoàn toàn nguồn cung khí đốt từ Nga cho EU là không thể xảy ra.

Viễn Đông