Lật tẩy cách thức “móc túi” ở những cây xăng mini

13:14 | 28/04/2011

4,304 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đổ 1 lít ở những cây xăng mini nhưng thực tế, bạn chỉ nhận về bình xăng của mình 0,8 – 0,7 lít, thậm chí chỉ được một nửa so với lượng xăng đúng ra nhận được. Để làm rõ phương thức “móc túi” trắng trợn này, PV đã xâm nhập vào cơ sở sản xuất ra những cây xăng mini...

Đổ 1 lít chỉ được nửa lít

10h ngày 23.4, trong vai người cần mua xăng mang về, chúng tôi có mặt trên đường vành đai III – Khuất Duy Tiến kéo dài. Đây là con đường có khá nhiều cây xăng mini hoạt động, chỉ gần 2km kể từ vòng xuyến Nguyễn Trãi – Khuất Duy Tiến đi về hướng cầu Vĩnh Tuy đã có 6 cây xăng mini kiểu dáng giống nhau.

Dừng lại ở cây xăng mini gần đoạn rẽ vào Triều Khúc, chúng tôi hỏi mua 1,5 lít xăng vào chai nhựa (loại 1,5 lít). Lúc này, bình thủy tinh phía trên của thân cây xăng đang ở mức đầy là 4 lít. Người phụ nữ lật đật từ trong nhà chạy ra đổ cho chúng tôi với giá coi như chấp nhận được – 25.000 đồng/lít. Thế nhưng, khi lượng xăng chạm đến hạn mức 1,5 lít trên ống thủy tinh, thì trong chai nhựa (dung tích 1,5 lít) vẫn còn trống rất nhiều. Khi PV hỏi tại sao đổ lít rưỡi mà chai 1,5 lít này vẫn vơi thế, bà ta trả lời: “Không biết, cây xăng này mua về đã như thế rồi”(!?).

Trước đó, PV mang can đến mua thì những người bán xăng mini này từ chối bán với lý do: “Chỉ bán cho xe máy!”. Vì thế, lúc 20h45 ngày 24.4 PV đã tháo hết xăng trong bình để vào vai hành khách hết xăng, đến đổ tại 1 trong số những cây xăng mini trên đường Hồ Tùng Mậu.

Lúc này, cửa hàng xăng dầu Mai Dịch đã “đi ngủ sớm” như thường lệ. Có lẽ do tác động của lần gặp gỡ với chủ cửa hàng xăng dầu Mai Dịch, nên đội quân này không vào trong cửa hàng đứng nữa, mà giăng hàng ra lề đường. PV yêu cầu đổ 1 lít với giá rẻ khá bất ngờ – 22.000 đồng/lít. Sau khi mua xong, PV dắt bộ đến một quán sửa xe khác gần đó để tháo ra kiểm tra thì lượng xăng nhận được chưa được nửa chai nhựa 1 lít!

Lượng xăng chạm đến hạn mức 1,5 lít trên ống thủy tinh nhưng trong chai nhựa (dung tích 1,5 lít) vẫn còn trống rất nhiều.

 

Họ đã ăn cắp như thế nào?

Qua tìm hiểu, PV nhận thấy cấu tạo và hình dáng thì chúng đều giống nhau với 3 phần: Bộ phận thứ nhất là bầu chứa xăng, được gia công ghép lại với nhau bằng một số miếng tôn, dung tích chứa được 45 lít xăng, tiếp đến là bộ phận bơm xăng, gồm một dây caosu và một “súng” dùng lực lò xo đẩy – hút xăng; trên cùng là chiếc bình thủy tinh đo lượng xăng. Và một điều mà người đổ xăng thường không để ý, chính là các mức phân lượng xăng trên bình thủy tinh.

Để ăn bớt xăng của khách, tuỳ mức “ăn” nhiều ít, người sản xuất những cây xăng mini này chỉ cần điều chỉnh khoảng cách các vạch trên bình xăng. Vì thế khách chỉ căn cứ vào những vạch ở bình thủy tinh mà không hề biết những thông số đó đã bị thiết kế sai. Một nhân viên cửa hàng xăng dầu Mai Dịch còn cho biết: Những cây xăng này còn sử dụng 2 dây dẫn, một dây dẫn lộ thiên dẫn xăng ra ngoài cho khách, một dây khác được thiết kế bên trong dẫn xăng chảy xuống bình dự trữ phía dưới.

Lần theo địa chỉ in trên những cây xăng mini, PV đến một cơ sở sản xuất với thương hiệu T.D. Khi PV đến, ông D đang bận rộn với nhiều cuộc gọi đặt hàng từ nhiều nơi, đồng thời chỉ huy người làm ở cả 3 xưởng của ông (sản xuất xe goong và kích thủy lực). Sau khi PV yêu cầu đặt 3 cây xăng. Ông D nói: Giá mỗi bình 1 triệu đồng. Khi được hỏi về cách ăn bớt xăng trên cây xăng, ông cho biết: “Thế anh muốn bớt bao nhiêu? 1 lít ăn 90, 80 hay 70 (1 lít bớt đi chỉ còn 0,9, 0,8 hoặc 0,7 lít – PV)”.

Theo ông D, thường những cây xăng mini ở đây đều được yêu cầu chỉnh “1 lít ăn 80”. Riêng đối với những người mua về bán họ thường yêu cầu chỉnh “1 lít ăn 65”. Về cách chỉnh, để “ăn” được nhiều hay ít, ông tiết lộ: “Chỉ cần lấy nhíp (dụng cụ tỉa lông mày) để bóc những vạch cũ ra, dán lại”. Ông D nói tiếp, còn một cách nữa là, chỉ cần bóp mạnh súng bơm xăng rồi đến khi gần bơm xong thả ra để xăng lưu lại trong dây dẫn. Dây càng dài, tiết diện càng lớn thì “ăn” càng nhiều.

Ông D khoe: “Công nghệ này tôi học bên Malaysia, bây giờ đã có thêm mấy cơ sở ở Hà Nội, Ninh Bình, Thái Nguyên”. Khi được hỏi về những vật liệu chế tạo ra cây xăng mini, ông D cho biết hầu hết đều do xưởng của ông gia công, chỉ có một số chi tiết phức tạp mới đặt hàng. Khi ra về ông D còn dặn dò: “Trời nắng thì mở bớt nắp bình ra, nếu không xăng sẽ tăng áp suất và sùi lên thì nguy hiểm đấy”.

Trên địa bàn Hà Nội còn có một “thương hiệu” cây xăng mini nữa “nổi tiếng” không kém là A.H. PV cũng tìm cách liên hệ với chủ cơ sở này theo số điện thoại 0904733… Tuy nhiên, người đàn ông nghe máy trả lời khá dè dặt, khi PV đề cập đến việc ăn bớt xăng thì người này khẳng định là “có!”. Thế nhưng sau khi hỏi địa chỉ thì người này tắt máy.

Bằng cách thức thiết kế gian lận như trên, nhiều người đang sở hữu “công cụ lừa đảo” nhưng họ chưa hình dung hết những tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ mà chính những người sản xuất biết rất rõ.

Theo Báo Lao động