Lấp sông Đồng Nai - thêm một sự đã rồi

07:10 | 09/06/2015

2,530 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự án lấp sông Đồng Nai trở thành chuyện nóng về môi trường, tài nguyên nước, gây sóng gió trong dư luận, đến mức chủ đầu tư phải xin UBND tỉnh Đồng Nai cho tạm dừng thi công để chờ ý kiến chính thức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và của các tỉnh “chung một dòng sông”.

Năng lượng Mới số 429

Chiều 27-3, Công ty Cổ phần Đầu tư - Kiến trúc - Xây dựng Toàn Thịnh Phát đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai cho tạm ngừng thi công dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai. Lý do mà Công ty Toàn Thịnh Phát xin tạm dừng để nghe ngóng sự thẩm định việc đánh giá tác động môi trường của dự án. Ngay sau đó 1 giờ đồng hồ, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra văn bản chấp thuận đề nghị của Công ty Toàn Thịnh Phát mà lẽ ra phải làm sớm hơn rất nhiều. Tất nhiên, UBND tỉnh Đồng Nai phải nhất trí sau một thời gian dài ngó lơ và quả quyết dự án được thực hiện đúng quy trình, quy phạm. Theo cư dân ở TP Biên Hòa, việc lấp sông đã hòm hòm vì thấy có chỗ đã lấn ra lòng sông đến gần 100m.

Lấp sông Đồng Nai - thêm một sự đã rồi

Các nhà khoa học, các địa phương và cư dân Biên Hòa đề nghị đình chỉ Dự án lấp sông Đồng Nai

Đúng như báo chí đã lên tiếng, dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai thuộc phường Quyết Thắng, TP Biên Hòa, Đồng Nai được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt và cấp phép thực hiện cho Công ty Toàn Thịnh Phát với quy mô 84.000m2, trong đó hơn 77.000m2 mặt sông Đồng Nai, phần còn lại nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sông Đồng Nai.

Dự án này được khởi công vào tháng 9-2014, với tổng số vốn đầu tư 3.200 tỉ đồng gồm các hạng mục trung tâm thương mại, dãy nhà mặt phố, khách sạn năm sao, cao ốc văn phòng, công viên… Dự án kéo dài 1.300m dọc theo bờ sông Đồng Nai, đoạn xa nhất lấn ra mặt nước sông Đồng Nai là 100m. Dự án lấp sông Đồng Nai do Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam thực hiện đánh giá tác động dòng chảy, Viện Môi trường và Tài nguyên TP HCM thực hiện đánh giá tác động môi trường. Tra cứu trên google, người dân tá hỏa khi biết thông tin đây là hai ông có “tiền án tiền sự” về đánh giá tác động môi trường ẩu tả, gian dối, sao chép (một số dữ liệu sao từ dự án nghĩa trang) và có những đề xuất ấu trĩ trong hai dự án thủy điện cũng trên sông Đồng Nai đã bị đình chỉ. 

Dự án vừa khởi công đã vấp phải sự phản đối của dư luận, của các địa phương có sông Đồng Nai chảy qua và của các chuyên gia, nhà khoa học, chuyên ngành. Vậy mà, cũng phải mất 2 tháng sau khi dự án tạm dừng, Bộ trưởng Bộ TN&MT mới có Văn bản số 2159 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT kiến nghị Thủ tướng cho (tạm) dừng dự án.

Theo báo cáo, dự án chưa tuân thủ các quy định tại Điều 9, Điều 63 Luật Tài nguyên nước năm 2012 về đảm bảo thoát lũ, sự lưu thông dòng chảy, không gây sạt lở bờ sông. Theo quy định tại Điều 72 của Luật Tài nguyên nước và Điều 42 của Nghị định 201/2013/NĐ-CP thì dự án thuộc loại phải lấy ý kiến của Bộ TN&MT, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án chưa lấy ý kiến của Bộ TN&MT. Phân tích sâu về cơ sở khoa học dựa trên Luật Tài nguyên nước, báo cáo của Bộ TN&MT nhận định: Tác động môi trường của dự án và báo cáo đánh giá tác động dòng chảy đều chưa làm rõ hoặc chưa nghiên cứu, đánh giá đầy đủ để có thể định lượng các tác động của dự án tới thoát lũ, lưu thông dòng chảy, bồi lắng, sạt, lở lòng, bờ bãi sông làm cơ sở thực hiện dự án.

Những sai sót của dự án là đánh giá tác động dòng chảy chưa đầy đủ, chưa xem xét quá trình diễn biến lòng dẫn trong nhiều năm, nhiều thời kỳ. Ngoài ra, phương án công trình đưa ra trong báo cáo chưa xem xét đến việc đánh giá ổn định lòng dẫn trên toàn tuyến, đặc biệt đoạn bờ đối diện công trình, chưa đánh giá được sự thu hẹp lòng dẫn ở phần chân do vấn đề san lấp gây ra; chưa xét đến trường hợp có lũ lớn trên sông Đồng Nai kết hợp với triều cường, đặc biệt khi có xả lũ của các hồ thủy điện phía thượng nguồn. Hàng loạt số liệu đầu vào, số liệu địa hình, thủy văn chưa đáp ứng được yêu cầu bài toán đánh giá tác động dòng chảy do công trình gây ra trên sông Đồng Nai. Thời gian mô phỏng diễn biến chỉ tính trong mấy ngày là chưa đủ, đặc biệt chưa đánh giá mô phỏng với lưu lượng ổn định lòng dẫn. Mô hình thủy lực chỉ mới hiệu chỉnh trên cơ sở chuỗi số liệu thực đo từ ngày 16 đến 19-9-2008 chưa phản ánh được các trường hợp đặc trưng như lũ lớn, mực nước cao nên chưa đủ thuyết phục. Kết quả hiệu chỉnh mới chủ yếu dựa vào mực nước và lưu lượng, chưa có hiệu chỉnh về biến động lòng dẫn.

Trong báo cáo đánh giá tác động dòng chảy, tư vấn lập báo cáo và tư vấn thẩm tra đều kết luận công trình không làm thay đổi chế độ thủy lực của dòng chảy đoạn sông, không ảnh hưởng xấu đến sự thay đổi dòng chảy và tác động đến các đoạn bờ lân cận… nhưng vẫn viết rằng, kết quả tính toán chỉ mới dừng ở mức sơ bộ, cần tiếp tục nghiên cứu thêm.

Như vậy, việc dựa vào kết luận của báo cáo đánh giá tác động dòng chảy để triển khai thực hiện dự án là chưa đủ cơ sở tin cậy. Đánh giá tác động môi trường của dự án quá sơ sài, những vấn đề đặt bài toán, giải bài toán và số liệu đầu vào vẫn chưa được bổ sung, hoàn chỉnh, chưa đáp ứng yêu cầu nhưng tỉnh Đồng Nai vẫn cấp phép và cho thi công.

Dư luận ngờ rằng, đã có sự gian dối trong dự án này. Câu hỏi ở đây là, tại sao báo cáo đánh giá tác động môi trường bôi bác, sơ sài, không đúng sự thật ấy lại có thể “qua mắt” được Hội đồng thẩm định, trước khi dự án được phê duyệt? Như vậy cần dừng vĩnh viễn dự án, hoàn trả lòng sông Đồng Nai nguyên trạng chứ không cần giao cho Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục thẩm định lại các cơ sở để thực hiện dự án triệt hạ sông Đồng Nai này.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định, các dự án cần lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường là biện pháp ngăn chặn từ gốc các dự án gây ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Trong dự án này, chủ đầu tư tự bỏ tiền, thuê doanh nghiệp tư vấn dịch vụ môi trường thực hiện. Một cựu quan chức ngành tài nguyên môi trường, hiện là cổ đông lớn một công ty tư vấn môi trường tiết lộ, khi ký hợp đồng, chủ đầu tư chỉ trả trước 50%. Nếu không thực hiện theo ý chủ đầu tư khiến dự án không được thông qua, đơn vị tư vấn sẽ không nhận được 50% còn lại!

Không thể trách chủ đầu tư, cũng như đơn vị tư vấn đã không đánh giá các tác động đến nơi, đến chốn, thậm chí gian dối mà nên đặt câu hỏi về vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định. Không khả thi tại sao vẫn thông qua?

Người dân rất quan tâm đến diễn giải “lấn” sông Đồng Nai thay vì “lấp” sông, đã lấp gần 9.000m2 với hàng chục vạn tấn đất đá mà vẫn viết là “kè bờ” trong mưu lược câu chữ nhằm gỡ “tội” hủy hoại sông Đồng Nai. Và điều người dân muốn là phải móc hết đất đá lấp sông. Và xem xét trách nhiệm của chính quyền Đồng Nai khi cấp phép cho một dự án quá nhiều sai phạm này.

Bảo Dân