Lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt và quyết liệt

08:00 | 22/05/2019

1,152 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Trong suốt chiều dài lịch sử truyền thống, ngành Dầu khí Việt Nam đã luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

60 năm trước, vào ngày 23-7 -1959, nhân chuyến thăm khu công nghiệp dầu khí Ba-cu của Azerbaijan (thuộc Liên bang Xô-viết cũ), bằng linh cảm tuyệt vời và tiên đoán chính xác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hình dung và đặt mục tiêu phải xây dựng được ngành công nghiệp dầu khí hiện đại để góp phần xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh. Tầm nhìn xa trông rộng và mong ước của Người đã trở thành mục tiêu hành động, là kim chỉ nam trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.

lanh dao chi dao xuyen suot va quyet liet
Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Việt Nam Nguyễn Lam và Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Liên Xô Baibakov N.K. Ký hiệp định tại Điện Kremlin - Moskva, năm 1981

Kể từ đó đến nay, thực hiện ý nguyện của Bác, lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua nhiều thời kỳ đã sáng suốt hoạch định chủ trương, đường lối chiến lược cho từng giai đoạn cụ thể, kịp thời ban hành đầy đủ các chính sách pháp luật, tạo mọi điều kiện thuận lợi xây dựng và phát triển ngành công nghiệp dầu khí.

Báo Năng lượng Mới điểm lại những dấu mốc, quyết định quan trọng nhất trong quá trình hình thành và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

1. Ngày 27-11-1961, xuất phát từ tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, của Bác Hồ về ngành công nghiệp Dầu khí Việt Nam, được sự trợ giúp của các chuyên gia và Chính phủ Liên Xô, Tổng cục Địa chất ra Quyết định số 271-ĐC thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa 36, đánh dấu chặng đường đầu tiên của ngành Dầu khí Việt Nam.

2. Ngay sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước bước vào thời kỳ khôi phục toàn diện sau chiến tranh. Đảng và Nhà nước đã xác định phải nhanh chóng tìm ra và khai thác dầu, khí, nguồn năng lượng quan trọng cho phát triển đất nước.

Ngày 9-8-1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 244-NQ/TW về việc thăm dò dầu khí trên cả nước. Đây là văn bản đầu tiên về dầu khí của Đảng ta, thể hiện sự sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Sau đó, ngày 20-8-1975, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phê chuẩn Quyết nghị số 33-QN/QH/K5 thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam. Ngày 3-9-1975, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 170/CP về việc thành lập Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của ngành Dầu khí Việt Nam. Từ đó, hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí được triển khai mạnh mẽ ở cả miền Bắc, miền Nam, thềm lục địa phía Nam và đã có nhiều phát hiện dầu khí ở cả trên đất liền và thềm lục địa.

3. Ngày 17-12-1979, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đã gửi thư cho Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô L.I.Brezhnev về việc đề nghị Đảng Cộng sản và Chính phủ Liên Xô giúp xây dựng ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam và việc hợp tác giữa hai nước trong việc khai thác dầu khí ở thềm lục địa miền Nam Việt Nam. Đây là đề nghị chính thức cấp cao nhất của Việt Nam gửi Đảng và Nhà nước Liên Xô về hợp tác toàn diện trong lĩnh vực dầu khí.

Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô (cũ) về việc hợp tác tiến hành thăm dò địa chất và khai thác dầu khí được ký tại Điện Kremlin - Moskva ngày 3-7-1980 dưới sự chứng kiến của Tổng bí thư Lê Duẩn và Tổng bí thư L.I.Brezhnev.

Ngày 19-6-1981 tại Moskva, Chính phủ hai nước ký Hiệp định về việc thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt - Xô (Vietsovpetro). Ngày 24-5-1984 đã phát hiện dòng dầu công nghiệp đầu tiên và ngày 26-6-1986, tấn dầu đầu tiên đã được khai thác tại mỏ Bạch Hổ.

4. Ngày 7-7-1988, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW về phương hướng phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2000.

5. Tháng 7-1993, Luật Dầu khí được ban hành. Để theo kịp với sự chuyển đổi, phát triển của kinh tế của đất nước và thế giới trong quá trình hội nhập sâu rộng, Luật Dầu khí đã hai lần được Quốc hội sửa đổi bổ sung vào các năm 2000, 2008.

6. Ngày 19-1-2006, Bộ Chính trị có Kết luận số 41-KL/TW về Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025. Ngày 9-3-2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 386/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2025.

lanh dao chi dao xuyen suot va quyet liet

Trải qua quá trình phát triển, để phù hợp với mô hình và quy mô hoạt động từng giai đoạn, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam được đổi tên thành Tổng công ty Dầu khí Việt Nam và nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam theo Quyết định số 199/2006/QĐ-TTg ngày 28-8-2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Kể từ sau khi Bộ Chính trị có Kết luận số 41-KL/TW, ngành Dầu khí Việt Nam đã phát triển vượt bậc, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã xây dựng được một hệ thống công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến vận chuyển, chế biến, lọc hóa dầu, tàng trữ, phân phối và các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác từ dầu khí...

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đã tạo dựng được thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế với trình độ khoa học công nghệ tương đồng với các nước phát triển; có quy mô lớn và năng lực cạnh tranh cao; đội ngũ cán bộ quản lý, khoa học kỹ thuật công nghệ và công nhân kỹ thuật có tay nghề cao và đặc thù, không ngừng lớn mạnh cả về chất và lượng.

7. Ngày 23-7-2015, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2035. Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng hệ trọng đối với sự phát triển bền vững trong tương lai của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam nói chung và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam nói riêng, mở ra vận hội mới cho sự phát triển của Tập đoàn.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt và quyết liệt của Đảng, Chính phủ, tập thể cán bộ, công nhân lao động ngành Dầu khí Việt Nam qua các thời kỳ đã luôn ý thức được trách nhiệm đối với đất nước, với nhân dân, cống hiến không mệt mỏi, vượt qua mọi thử thách, khó khăn, xây dựng ngành Dầu khí Việt Nam trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng hàng đầu của đất nước, đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngân Hà

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc